|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga công bố video máy bay lớn nhất thế giới đã bị phá hủy ở Ukraine

17:33 | 05/03/2022
Chia sẻ
Truyền thông nhà nước Nga vừa đăng tải một video quay lại cảnh chiếc máy bay Antonov AN-225 đã bị phá hủy hoàn toàn ở Ukraine giữa lúc giao tranh vẫn đang diễn ra căng thẳng.
Nga công bố video máy bay lớn nhất thế giới đã bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 1.

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới AN-225 bị phá hủy ở sân bay Hostomel. (Ảnh: Channel 1).

Một video do kênh truyền hình Channel 1 của nhà nước Nga đăng tải cho thấy chiếc máy bay vận tải chiến lược 6 động cơ Antonov AN-225 hiện giờ chỉ còn là một đống đổ nát.

AN-225 là chiếc máy bay lớn nhất và có khả năng chở nặng nhất thế giới. Trên toàn cầu từ trước đến nay chỉ có duy nhất một chiếc AN-225 được đưa vào hoạt động. Chiếc thứ 2 từng được bắt đầu chế tạo nhưng rồi bị bỏ dở giữa chừng.

Chiếc AN-225 duy nhất có tên là Mriya (nghĩa là "giấc mơ"). Sải cánh dài 88 mét, tức là tương đương một sân bóng đá, chiều dài từ mũi đến đuôi là 84 mét. Trọng tải cất cánh tối đa sau khi nâng cấp là 640 tấn, càng hạ cánh có tới 32 bánh.

Siêu vận tải cơ này được coi là niềm tự hào của ngành hàng không Ukraine. Ngày 27/2, Ukroboronprom - công ty mẹ của hãng chế tạo Antonov - cho biết chiếc máy bay này đã bị phá hủy và đổ lỗi cho Nga.

"Quân Nga đã tấn công Mriya để phá hủy biểu tượng của năng lực hàng không Ukraine", thông cáo của Ukroboronprom viết, đồng thời gọi chiếc AN-225 là "lá cờ đầu của hàng không Ukraine".

Phóng viên của đài truyền hình Channel 1 của Nga đưa tin từ sân bay Hostomel cho rằng chiếc AN-225 bị phá hủy bởi đạn pháo từ phía Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều không đưa ra bằng chứng về cáo buộc của mình.

Phóng viên Nga đưa tin từ sân bay Hostomel (tên khác là Antonov) ở gần thủ đô Kiev của Ukraine. (Video: Channel 1).

Sân bay Hostomel nằm cách thủ đô Kiev của Ukraine chỉ khoảng 25 km và do vậy là một trong những mục tiêu tranh đoạt quyết liệt của hai bên. Trong ngày đầu cuộc xung đột (24/2), Nga tuyên bố đã kiểm soát được sân bay này. Sau đó không lâu, phía Ukraine tuyên bố đã chiếm lại.

Vào thời điểm phóng viên của kênh Channel 1 ghi hình, sân bay này có vẻ đang nằm trong tay quân đội Nga. Khi bị phá hủy, chiếc AN-225 đang ở sân bay Hostomel để sửa chữa.

Nga công bố video máy bay lớn nhất thế giới đã bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 3.

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới AN-225 bị phá hủy ở sân bay Hostomel. (Ảnh: Channel 1).

Năm 2009, AN-225 từng chở một máy phát điện nặng 189 tấn tới Mỹ. Ngoài chứa hàng trong thân, AN-225 có thể chở hàng trên lưng. Chiếc vận tải cơ khổng lồ này từng nhiều lần được dùng để chở tàu vũ trụ Buran từ nơi sản xuất đến bệ phóng.

Antonov nổi tiếng là nhà sản xuất các loại tàu bay cỡ siêu lớn. Ngoài AN-225 với 6 động cơ, Antonov còn cho ra dòng vận tải cơ AN-124 với 4 động cơ. Sau khi chiếc AN-225 duy nhất bị phá hủy, AN-124 trở thành dòng tàu bay vận tải lớn nhất thế giới.

Có tất cả 55 chiếc AN-124 được chế tạo. Một chiếc từng được dùng trong phim Fast and Furious 6 (2013).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.