|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm một quốc gia lo lắng trở thành mục tiêu kế tiếp của Nga

15:51 | 18/04/2022
Chia sẻ
Người dân Lithuania đang hồi hộp theo dõi chiến sự tại Ukraine và e ngại đất nước của mình có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của quân đội Nga.

Nỗi lo bị Nga tấn công

Từ ba năm nay, Paulius Liskauskas đã liên tục luyện tập để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi quân đội Nga tấn công Lithuania. Giờ đây, viễn cảnh đó ngày càng gần, người đàn ông 39 tuổi chia sẻ với hãng tin DW.

Liskauskas bày tỏ: “Thực chất, tôi đã muốn gia nhập Liên minh các tay súng trường Lithuania (RU) vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea, cũng như sau khi họ phát những tín hiệu đầu tiên về cuộc chiến tại Ukraine gần đây”.

“Kể từ đó đến nay, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin dường như đã để mắt đến Lithuania. Đối với chúng tôi, Lithuania có thể trở thành mục tiêu kế tiếp của quân đội Nga”, anh nói thêm.

Luật sư Paulius Liskauskas là một trong hàng chục nghìn thành viên của Liên minh các tay súng trường Lithuania đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: Nga tấn công Lithuania. (Ảnh: DW).

Cùng với Liskauskas, hàng chục nam giới và hai người phụ nữ khác cũng đang tập luyện. Tất cả đều diễn ra trong một căn phòng tối trên tầng một của một tòa nhà nhỏ trong khu vực dành cho người đi bộ ở Marijampole, một thành phố ở phía nam của Lithuania.

Một tấm bảng được treo trên tường. Trên đó là hình ảnh của những kẻ khủng bố liên tục dịch chuyển. Chúng là mục tiêu của các tay xạ thủ trong quá trình tập luyện súng trường, DW cho hay.

Trên thực tế, đây có thể là một trò chơi máy tính thông thường, nếu không có những tiếng chói tai phát ra từ loa sau mỗi phát súng. Thứ tiếng động ồn ào này là để nhắc nhở mọi người về một cuộc chiến thực sự, thứ đang xảy ra giữa lòng châu Âu bây giờ.

Một trong những người phụ nữ trong căn phòng là vợ của Liskauskas. Cả hai vợ chồng đều mặc đồng phục màu xanh ô liu của RU, một tổ chức bán quân sự được hỗ trợ bởi nhà nước Lithuania.

Về cơ bản, RU là một nhánh bổ sung cho năng lực quân sự hiện có của Lithuania, bao gồm các thường dân Lithuania thường xuyên được huấn luyện sử dụng vũ khí và sẵn sàng chiến đấu khi kịch bản tồi tệ nhất xảy đến.

Hành lang Suwalki

Kể từ khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu, RU đã tiếp nhận một lượng lớn người tham gia. Anh Liskauskas hiện rất vui mừng khi là một trong 14.000 thành viên của tổ chức bán quân sự này.

Điều này đặc biệt hệ trọng vì gia đình Liskauskas sống trong một khu vực có thể bị kéo vào các rắc rối quân sự và chiến lược khác trong trường hợp quân đội Nga tấn công: hành lang Suwalki - địa danh được đặt tên theo thị trấn Suwalki gần đó.

Hành lang Suwalki là một dải đất hẹp nối Lithuania với Ba Lan. Nó nằm giữa vùng Kaliningrad do Nga kiểm soát về phía tây bắc và đất nước Belarus về phía đông nam. Chính phủ Belarus là một đồng minh của Nga.

Hành lang Suwalki chỉ dài khoảng 65 km nhưng là đường kết nối trên bộ duy nhất giữa các nước vùng Baltic với các nước thành viên NATO. Bản thân Lithuania cũng là một thành viên của NATO.

 

Nếu xảy ra xung đột quân sự, nhiều người dân địa phương ở đây lo sợ rằng Nga có thể chặn đứng hành lang Suwalki - vốn được coi là yết hầu trọng yếu của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Kết quả là họ dần hình thành ác cảm với Nga.

Liskauskas, một luật sư, cũng có mối hiềm khích này. Tuy nhiên, anh phân biệt rạch ròi giữa nền chính trị Nga và những người dân Nga bình thường. “Tôi có những khách hàng người Nga và vẫn liên lạc với họ. Tôi không hận thù họ, mà chỉ ghét chính phủ Nga và chế độ tuyên truyền của họ”.

Sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp

Lithuania từng là một phần của Liên bang Xô viết (Liên Xô) trong khoảng 45 năm. Sau khi giành được độc lập, Lithuania gia nhập NATO vào năm 2004. Trong những năm gần đây, căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng.

Nghị sĩ Laurynas Kasciunas từng nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine là một hồi chuông cảnh báo. Chia sẻ với DW, ông nói Lithuania nên được trang bị vũ khí tốt hơn để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

“Chúng ta chỉ còn vài năm để chuẩn bị. Đó là lý do Lithuania cần sự hiện diện lớn hơn của NATO như một biện pháp răn đe chính quyền ông Putin”, vị nghị sĩ Lithuania nhấn mạnh.

Theo ông Tomas Janeliunas, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Vilnius, chính nhờ người Ukraine mà Lithuania mới có thời gian để chuẩn bị. Ông nói: Khi Nga tấn công Ukraine, một số người dân đã tính đến việc tháo chạy khỏi quê hương vì sợ hãi.

Tuy nhiên, giờ đây nhiều người đã nhận ra quân đội Nga yếu hơn dự đoán ban đầu và quyết tâm của Ukraine lại bền bỉ hơn. Ông Janeliunas cho hay: “Cuộc chiến ở Ukraine là bài học tốt cho chúng tôi, cho chúng tôi thời gian để chuẩn bị. Lithuania cần phải tận dụng quãng thời gian này”.

Do đó, những tình nguyện viên như Paulius Liskauskas vẫn chuẩn bị và tiếp tục mài dũa khả năng bắn súng. Mặc dù chắc chắn sẽ chào đón sự hỗ trợ của NATO, Liskauskas nói rằng nếu chiến sự nổ ra, hai vợ chồng anh đều sẽ có vũ khí để chiến đấu.

“Rất khó để nói về tương lai. Chúng tôi đang sống trong thời khắc khó khăn và không ai biết tương lai sẽ đi về đâu. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải tất bật chuẩn bị từng bước nhỏ và dùng lòng yêu nước này để giúp đất nước trở nên mạnh mẽ hơn”, Liskauskas nói.

Khả Nhân