|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bao giờ cổ phiếu ngân hàng 'nổi sóng' trở lại dẫn dắt thị trường?

07:54 | 25/04/2022
Chia sẻ
Dù được giới phân tích kỳ vọng lớn nhưng cổ phiếu nhà băng vẫn chưa thể bứt phá, thậm chí có những mã càng được kỳ vọng nhiều thì thời gian gần đây điều chỉnh càng mạnh.

Thống kê cho thấy từ tháng 7/2021 đến nay, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng giao dịch khá trầm lắng. Dù được giới phân tích kỳ vọng lớn nhưng cổ phiếu nhà băng vẫn chưa thể bứt phá, thậm chí có những mã càng được kỳ vọng nhiều thì thời gian gần đây điều chỉnh càng mạnh. Đây cũng chính nhà nhân tố khiến cho VN-Index lao dốc trong nhiều phiên gần đây.

Đơn cử như mã TCB của Techcombank đã giảm 17,3% kể từ phiên 1/7. Nếu tính từ vùng đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp xác lập vào ngày 5/7/21021, thị giá TCB đã giảm hơn 21% và vốn hóa đã bốc hơi 43.500 tỷ đồng.

Mới đây Techcombank cũng công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, trong đó ngân hàng dự kiến dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với năm 2021. Mức tăng trưởng trên khi so sánh với các ngân hàng khác có cùng quy mô như thì khá là khiêm tốn, như VPB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 107%, với SHB là 88%, ACB là 25%.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Đánh giá về nhóm ngân hàng ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên viên phân tích cấp cao của CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho rằng cổ phiếu bank là các mã có nền tảng tăng trưởng tốt.

Nhà đầu tư vẫn nên duy trì niềm tin vào các doanh nghiệp tốt. Theo thống kê của Nhất Việt, xét chung về dòng bank thì đây là nhóm có lợi nhuận forward cho năm 2022 ở mức vượt trội so với thị trường, quanh mức 20 – 23%, cao hơn so với mức bình quân của thị trường là 15%. Báo cáo của Dragon Capital cũng chỉ ra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ vào khoảng 15%, trong đó nhóm ngân hàng sẽ tăng trung bình từ 20 -  25%. 

Còn với trường hợp của Techcombank với việc đặt lợi nhuận ở mức 16,2% là hơi thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong ngành. Gần đây những thông tin kém tích cực liên quan đến thị trường trái phiếu mà nhà băng này luôn giữ Top1 về thị phần môi giới trái phiếu, có thể vì lẽ đó TCB là cổ phiếu đầu tiên phá đáy đi xuống và đang tìm về các điểm cân bằng mới.

"Thực tế, cổ phiếu TCB có nền tảng cơ bản tốt, hiện nay với góc nhìn của tôi thì TCB đang là cổ phiếu undervalued (bị định giá thấp - NV). Nếu tin xấu qua đi trong khi cổ phiếu đang có mức chiết khấu rất tốt, sau đó cân bằng lại và đi lên thì chắc chắn đây là một trong những mã rất đáng quan tâm trong trung và dài hạn", ông Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng mức tăng trưởng của ngân hàng còn hơi thấp bởi năm ngoái tăng trưởng toàn bộ thị trường bình quân trên 35% và những nhóm ngành trụ, đặc biệt các nhóm VN30, VN100 là khoảng 40% cho nên mức 20% ở năm nay đã là một mức khá thận trọng.

Theo ông Ngọc Ngọc, điểm rơi của nhóm ngân hàng không vào quý IV mà sẽ vào quý II, quý III. Năm ngoái, ngành ngân hàng đã có quý II vô cùng ấn tượng, các cổ phiếu tăng rất mạnh, dẫn dắt toàn bộ thị trường để phá các đỉnh lịch sử.

Sắp tới, khi mùa đại hội cổ đông diễn ra, kết quả ngành ngân hàng được dự báo cũng sẽ cực kỳ khả quan. Hầu hết các công ty đều đặt ra kế hoạch tăng trưởng trên 30%, một mức khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

 (Ảnh: Thu Thảo).

Với VPB, VPBank sẽ bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, thu lượng lớn tiền mặt để phục vụ cho việc phát triển ngân hàng. Vùng giá hiện tại của VPB vẫn còn phù hợp nếu ta sẵn sàng đầu tư trung và dài hạn bởi VPBank sau tất cả những đợt tăng vốn có thể là ngân hàng số một Việt Nam về vốn điều lệ.

Ngoài ra, MBBank cũng là ngân hàng có sự chuyển mình lớn trong thời gian qua, từ một ngân hàng nặng hình ảnh nhà nước trở thành một ngân hàng số rất năng động. Cùng với Techcombank, MBB được đánh giá đang sở hữu các chỉ tiêu tài chính đẹp nhất ngành ngân hàng.

Mức P/E hiện tại của MBB khoảng 12 lần - một mức khá thấp so với mặt bằng chung vì vậy đây là mức phù hợp để đầu tư trung hạn với kỳ vọng vào việc tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay sẽ trên 25% như ngân hàng đã đặt kế hoạch.

Cổ phiếu ngân hàng có thể trở lại dẫn dắt thị trường?

Theo Ông Nguyễn Minh Hoàng, khi thị trường muốn đi lên bắt buộc phải có sự đồng thuận của nhóm ngân hàng vì đây là ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường. Việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 là một tin tốt. Thêm nữa tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng đang rất tốt trong quý I, khoảng hơn 5%, tương đương khoảng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôi cho rằng nhóm bank đang có động lực tăng trưởng rất tốt trong năm 2022, chủ yếu đến từ mảng tín dụng do sự hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu hấp thụ tín dụng đang ở mức cao.

Trong khi đó, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) lại cho rằng khi chúng ta bước vào chu kỳ hồi phục thì giai đoạn đầu những nhóm cổ phiếu liên quan đến nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán là những nhóm ngành thu hút dòng tiền nhiều nhất và có khả năng tăng mạnh nhất.

Tuy nhiên giai đoạn tiếp theo, tiến đến ổn định và tăng trưởng thì những nhóm ngành như tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, vận tải, là nhóm tiếp theo ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. Thậm chí nếu như thời gian vừa qua không xuất hiện một loạt các thông tin tiêu cực thì cổ phiếu địa ốc chắc chắn là nhân tố quan trọng dẫn dắt thị trường trong nhịp hồi phục này.

Đó là sự chuyển dịch của dòng tiền cũng như tính chu kỳ của nhóm ngành.Tất nhiên nhóm ngân hàng  sẽ tiếp tục là bệ đỡ trong giao dịch, nhưng nó sẽ không phải là leading indicators (nhân tổ dẫn dắt - NV) trong bối cảnh chuyển dịch của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Thu Thảo