|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đón 'thời khắc đen tối nhất' trong vài thập kỷ: Kinh tế - xã hội đều lao đao vì Zero COVID

08:08 | 26/04/2022
Chia sẻ
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã đảo ngược thành công của chiến lược Zero COVID mà xưa nay Bắc Kinh vẫn ca tụng. Với số ca nhiễm tăng cao bất chấp các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt, sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế đang bị đẩy đến giới hạn.

Bắc Kinh từng bị phong tỏa vài khu dân cư vì phát hiện ca nhiễm COVID-19, nhưng chưa bao giờ bị đóng cửa trên quy mô lớn. (Ảnh: Reuters).  

Người dân bất mãn

Hàng chục thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19. Điều này có nghĩa là khoảng hơn 300 triệu người – gấp ba lần dân số Việt Nam – đã phải ở yên trong nhà suốt vài tuần. Nhiều người không có khả năng tiếp cận đầy đủ tới thực phẩm và y tế.

Trong số các thành phố bị phong tỏa, Thượng Hải nhận được nhiều sự chú ý nhất – và vì các lý do chính đáng. Việc phân phối thực phẩm đã bị đứt gãy tại một số khu vực của thành phố, khiến một số dân cư bị đói trong khi hàng đống thức ăn thối rữa bị bỏ lại trên đường phố. Nỗi khổ của nhiều người bị bó buộc trong nhà và khẩu phần ăn ít ỏi đã được ghi lại trong các video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Cuối tuần vừa rồi, người dùng mạng Trung Quốc đã chống lại kiểm duyệt để liên tục chia sẻ video dài 6 phút tựa đề “Âm thanh của Tháng 4”. Nội dung được lồng ghép bởi các cảnh quay trên cao của Thượng Hải, bản ghi âm cuộc gọi thoại tìm kiếm sự trợ giúp y tế, người dân đồng thanh kêu gọi chính phủ phát khẩu phần ăn, và những cuộc trò chuyện giữa những người hàng xóm và người bình thường giúp đỡ lẫn nhau.

Sự bất mãn của người dân tăng cao khi vào cuối tuần qua, các công chức mặc đồ bảo hộ đã tỏa ra khắp thành phố để lắp đặt hàng rào thép bên ngoài các tòa nhà có ca nhiễm COVID-19. Nhiều người phàn nàn rằng các biện pháp này quá khắc nghiệt và gây rủi ro nghiêm trọng trong hỏa hoạn vì chúng cản đường thoát, Bloomberg đưa tin. 

Hàng rào xanh chắn lối ra vào các cửa hàng và nhà ở tại một con phố ở Thượng Hải. (Ảnh: Reuters). 

Giới quan sát và cư dân của các thành phố lớn từng không thể tưởng được rằng các biện pháp nghiêm ngặt để dập tắt COVID-19 lại được áp dụng ở những nơi như Thượng Hải.

Nhưng giờ đây, khi phong tỏa ở Thượng Hải còn chưa thấy hồi kết thì dân Bắc Kinh đã phải chuẩn bị chịu chung số phận. Số ca nhiễm tăng vọt tại Triều Dương, quận lớn nhất ở Bắc Kinh, đã làm dấy lên lo ngại thủ đô Trung Quốc sẽ sớm chứng kiến lần phong tỏa lớn đầu tiên.

Kinh tế nặng gánh

Khủng hoảng tại Thượng Hải và các thành phố khác không chỉ diễn ra về mặt xã hội. COVID-19 và các biện pháp đối phó với nó là rắc rối kinh tế lớn và liên quan tới cả chính trị. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4% - thấp hơn 3,7% tốc độ được ghi nhận năm ngoái, làm tổn thương cả Trung Quốc lẫn thế giới.

Sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ sẽ đặc biệt rõ rệt trong tháng 4. Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, dự đoán tăng trưởng GDP quý II sẽ sụt xuống còn 1,8%, thấp hơn hẳn mức 4,8% trong quý I.  

Nhưng những con số trên được đưa ra từ trước khi làn sóng Omicron mới nhất xuất hiện tại Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc tương lai nhiều khả năng sẽ còn mù mịt và tăm tối hơn.

Nguy cơ Bắc Kinh và Thượng Hải, hai thành phố lớn và giàu có bậc nhất của Trung Quốc bị tê liệt bởi Zero COVID đã khiến chỉ số CSI 300 "bốc hơi" 4,9% trong phiên giao dịch đầu tuần. Đây là lần sụt giảm lớn nhất của chỉ số chứng khoán này kể từ khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán hai năm trước.

Nhà đầu tư quốc tế đã bán 45 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7 tỷ USD) chứng khoán Trung Quốc trong phiên 25/4, khiến khối ngoại chuyển thành bán ròng trong tháng này. Đồng nhân dân tệ nội địa giảm đến mức thấp nhất trong vòng 17 tháng do lo ngại dòng vốn tháo chạy.

Ông Junheng Li, CEO công ty nghiên cứu chứng khoán JL Warren Capital nói với Bloomberg rằng tình hình COVID-19 đang đẩy Trung Quốc vào “thời khắc đen tối nhất trên mặt trận kinh tế trong vài thập kỷ qua”.

Từ tháng trước, giới chức Trung Quốc đã liên tục cam kết sẽ có các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định thị trường. Tuần vừa rồi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố 23 biện pháp để cứu nền kinh tế, nhắc lại những bình luận trong quá khứ. Tuy nhiên chứng khoán vẫn bị bán tháo trong phiên đầu tuần này, cho thấy nhà đầu tư đã cảm thấy mệt mỏi với những lời hứa mà thiếu vắng hành động cụ thể.

Theo tờ Financial Times, một trong những điểm yếu của kinh tế Trung Quốc là sự suy yếu nặng nề của thị trường bất động sản, vốn đến gần đây vẫn được coi là động lực của sự phát triển chung. Giờ đây, Trung Quốc có đủ bất động sản trống để làm nhà cho khoảng 90 triệu người.

Dẫu vậy, lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng GDP là chính trị. Bắc Kinh kiên định với chính sách chống dịch không khoan nhượng. Việc đóng cửa nhiều thành phố trên khắp đất nước đang làm tổn hại đến đến nhu cầu về nhà ở, các mặt hàng tiêu dùng lâu bền và tư liệu sản xuất khi thu nhập giảm và bất ổn gia tăng.

Trong năm thứ ba của COVID-19, tiền tiết kiệm của nhiều người Trung Quốc đã cạn đến mức họ buộc phải giảm chi tiêu. Thách thức logistics của việc vận chuyển hàng hóa cũng là trở ngại lớn. 

Tất cả những điều trên dồn sự chú ý vào chiến lược chống COVID-19 của Trung Quốc. Niềm tự tôn dân tộc đã ngăn cản Trung Quốc chấp nhận sử dụng vắc xin mRNA nước ngoài, và người dân chỉ tiêm phòng bằng những loại vắc xin kém hiệu quả hơn do doanh nghiệp nội địa phát triển.

Điều này đồng nghĩa với việc bất chấp tỷ lệ tiêm phòng cao, người cao tuổi vẫn chịu nguy cơ lớn từ COVID-19. Nếu nới lỏng phong tỏa, điều này sẽ làm gia tăng thiệt hại về nhân mạng. Theo tính toán của Bloomberg Intelligence, đợt bùng phát dịch kéo dài một tháng ở Trung Quốc có thể gây ra từ 31.000 đến 250.000 ca tử vong.

Bắc Kinh đang vội vã phát triển vắc xin mRNA nội địa, nhưng họ không còn thời gian để chờ đợi. Trung Quốc cần nhanh chóng chấp nhận tiêm phòng hàng loạt bằng vắc xin ngoại ngay lập tức. Có vậy Trung Quốc mới có đường lùi khỏi Zero COVID và nới lỏng biện pháp phong tỏa đang gây ra thiệt hại lớn cho kinh tế và xã hội.

Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.