|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đối mặt với 'bộ ba bất khả thi', Fed ở xa có thể phải đứng ngồi không yên

11:21 | 27/04/2022
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chịu cảnh "một cổ ba tròng" với nhiệm vụ duy trì Zero COVID, đưa kinh tế tăng trưởng 5,5% và không làm tăng tỷ lệ nợ. Tình hình kinh tế của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

Giới đầu tư đang lo ngại thêm một thành phố lớn của Trung Quốc sẽ bị phong tỏa nghiêm ngặt. (Ảnh: Getty Images). 

"Sóng" lạm phát mới từ Trung Quốc?

Trung Quốc vẫn chưa chịu buông bỏ chiến lược chống dịch Zero COVID. Thủ đô Bắc Kinh đang đối mặt với nguy cơ sẽ chịu chung cảnh phong tỏa đã khiến Thượng Hải tê liệt từ đầu tháng 3.

Viễn cảnh thêm một thành phố lớn của Trung Quốc bị đóng cửa không phải tin tốt với bất cứ ai phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt là bởi giới phân tích thấy không có giải pháp dễ dàng nào để các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chống đỡ đà suy giảm của nền kinh tế.

Rắc rối của Trung Quốc cũng tạo ra thách thức cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bởi gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ càng phóng đại áp lực lạm phát.

Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex cho biết: “Khi nói đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, chúng ta thường nghĩ về các biến số trong nền kinh tế Mỹ. Song, các cuộc phong tỏa ở Trung Quốc, giờ đã mở rộng ra một số khu vực ở Bắc Kinh, đang đe dọa gây hại đến nhu cầu hàng hóa và gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Thật vậy, các thị trường đang run sợ trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc. Phiên 25/4, chỉ số Shanghai Composite Index mất 5,1%, rơi xuống đáy 22 tháng.

Trong khu vực, chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Nikkei của Nhật Bản, Kosspi của Hàn Quốc lần lượt giảm 3,7%, 1,9% và 1,7%.  Chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ khi thị trường mở cửa phiên đầu tuần, tờ CNN đưa tin.

Trung Quốc không hề cho thấy bất cứ dấu hiệu nào là sẽ nới lỏng Zero COVID. Các nhà hoạch định chính sách cũng không báo hiệu sẽ tung ra kích thích lớn để giảm bớt thiệt hại. Điều đó có thể khiến thị trường thấp thỏm, lo ngại về áp lực lạm phát cũng như mức độ giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và hậu quả lên thế giới.

Nhiệm vụ bất khả thi

Chiến lược Zero COVID đã giúp Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, trong lúc phần còn lại của thế giới vẫn vật lộn với COVID-19. Nhưng biến chủng lây lan nhanh Omicron đang chọc thủng lớp phòng vệ của các thành phố lớn nhất.

Giờ đây, Trung Quốc lại gặp rắc rối lớn bởi vắc xin nội địa không hiệu quả bằng sản phẩm phương Tây, tỷ lệ tiêm chủng của người cao tuổi thấp và hệ thống y tế không được thiết lập để đối phó với một đợt bùng phát lớn. 

Điều đó đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Trung Quốc cần kiểm soát COVID-19 nhưng nền kinh tế đang rất dễ bị tổn thương bởi các lệnh hạn chế đè nén tiêu dùng và ngành bất động sản nội địa.

Cùng lúc đó, tỷ lệ nợ cao khiến các nhà hoạch định chính sách e ngại về biện pháp kích thích thường được sử dụng trong quá khứ - cụ thể là thúc đẩy lĩnh vực bất động sản và tăng trưởng cơ sở hạ tầng. Cộng thêm mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong lúc ông Tập Cận Bình cố đảm bảo nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba, các nhà hoạch định chính sách đang bị giao cho một nhiệm vụ khó nhằn.

Do nhu cầu vốn đã yếu ớt, kế hoạch kích thích kinh tế bằng cơ sở hạ tầng của giới lãnh đạo Trung Quốc khó có thể bù đắp cho hậu quả mà COVID-19 gây ra. Đây là lý do mà nhà kinh tế Rory Green của TS Lombard dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể xuống dưới 4% trong năm nay. Đối với Trung Quốc, tốc độ này gần như một cuộc suy thoái, tờ Barron’s nhận định.

Bên cạnh TS Lombard, không ít ngân hàng đầu tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Ước tính trung vị mới của 9 tập đoàn tài chính mà CNBC khảo sát cho thấy, nền kinh tế tỷ dân sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 4,5% trong cả năm 2022, thấp hơn hẳn 1 điểm % so với mục tiêu chính thức.

 

Chưa kể, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một dấu hiệu rắc rối khác: Đồng nhân dân tệ đã suy yếu rõ rệt – và sự mất giá nhanh chóng có thể khiến dòng vốn tháo chạy. Giám đốc Chandler nói rằng việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa hạ 1 điểm % tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền gửi ngoại tệ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà hoạch định chính sách không yên tâm với sự suy yếu của đồng nội tệ.

Tâm lý nhà đầu tư đã xấu đi đáng kể khi Trung Quốc trấn áp các công ty công nghệ để theo đuổi chính sách “thịnh vượng chung”, cũng như do tình hình kinh tế không mấy sáng sủa và căng thẳng địa chính trị dâng cao do mối quan hệ thân thiết với Nga. 

CSI 300, chỉ số chứng khoán lớn lao dốc nghiêm trọng nhất tính từ đầu năm đến nay, vừa rơi xuống đáy sâu hai năm ở mức 3.784,12 điểm. Nỗi đau của thị trường có thể sẽ không sớm thuyên giảm.

Nhà kinh tế Green đang theo dõi số tỉnh thành với số ca nhiễm gia tăng để đo lường thiệt hại kinh tế. Ông cho biết tính tới tuần trước, có 21 trên 31 tỉnh thành của Trung Quốc chứng kiến trường hợp nhiễm COVID-19 tăng lên. Thiệt hại ngắn hạn nghiêm trọng nhất sẽ rơi vào chuỗi cung ứng nội địa – tức là thông qua gián đoạn vận tải – và có thể kéo dài vài tuần.

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ tung ra kiểu kích thích mạnh tay đủ để ổn định tăng trưởng. Trong lưu ý gửi tới khách hàng, nhóm chuyên gia kinh tế của Bank of America mô tả rằng Trung Quốc đang vật lộn với “bộ ba bất khả thi” bao gồm mục tiêu tăng trưởng 5,5%, chính sách Zero COVID và nhu cầu phải giảm khối nợ. 

Để duy trì chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 và cố gắng đạt gần mục tiêu tăng trưởng, Trung Quốc cần mở rộng tín dụng, nhưng các nhà kinh tế của Bank of America tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ công bố thêm những biện pháp kích thích nhỏ giọt vào tuần tới. Điều này có thể khiến nhà đầu tư – và cả Fed – đứng ngồi không yên.

Giang