|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Zero COVID đang đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại thời bao cấp

07:59 | 27/04/2022
Chia sẻ
Các biện pháp phong tỏa gắt gao của chính sách Zero COVID khiến cho nhiều người dân và doanh nghiệp lo lắng về việc Trung Quốc dường như đang trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung của thế kỷ trước.

Kinh tế bất ổn

Nền kinh tế Trung Quốc là một cỗ máy khổng lồ, tinh vi, đòi hỏi nhiều bộ phận phải hoạt động nhịp nhàng cùng nhau. Đằng sau 1,4 tỷ người tiêu dùng là 150 triệu doanh nghiệp cung cấp việc làm, thực phẩm và mọi thứ giúp cỗ máy này hoạt động.

Giờ đây, với mục tiêu kiểm soát đại dịch, chính phủ Trung Quốc đang can thiệp vào nền kinh tế theo những cách thức từng thấy trong nhiều thập kỷ, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh.

Theo New York Times, giới kinh doanh lo lắng rằng Trung Quốc đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch và sự gián đoạn lớn do COVID có thể kéo dài cho đến sau đại hội Đảng vào cuối năm nay. 

Theo ngân hàng đầu tư Nomura, khoảng 344 triệu người, tức 1/4 dân số Trung Quốc, đang phải chịu các hạn chế do COVID. 

 

Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đang gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Theo dữ liệu chính thức, mức tiêu thụ trên toàn quốc đã giảm 3,5% trong tháng 3, trong khi chi tiêu cho dịch vụ nhà hàng giảm mạnh 16%.

Ông Zhiwu Chen, một nhà kinh tế tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Phong tỏa không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể tồn tại mà còn tăng tốc độ di chuyển vốn ra nước ngoài và làm giảm mong muốn đầu tư”. 

“Một khi mọi người mất niềm tin vào tương lai của Trung Quốc, nền kinh tế sẽ cực kỳ khó phục hồi sau tác động của chính sách Zero COVID”.

Bóng dáng kinh tế bao cấp

Cộng đồng doanh nghiệp đang hồi hộp chờ xem liệu chính phủ có áp dụng mô hình phong tỏa Thượng Hải cho các thành phố khác hay không. Cách tiếp cận này mang yếu tố của nền kinh tế kế hoạch, trong đó chính phủ kiểm soát các hoạt động kinh doanh, thay vì để thị trường điều tiết cung và cầu.

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, chính quyền Thượng Hải đã đóng cửa các hệ thống thương mại và cố gắng tự cung cấp dịch vụ cho 25 triệu người. Kết quả từ quyết định của chính quyền Thượng Hải đã quá quen thuộc thuộc với người Trung Quốc trước Cải cách kinh tế: khan hiếm nguồn cung và thị trường chợ đen mọc lên như nấm sau mưa.

Do các hạn chế phòng dịch COVID, xe tải gặp khó khăn trong việc vận chuyển thực phẩm và hàng gia dụng đến Thượng Hải. Trong thành phố, chỉ những xe có giấy thông hành mới được phép di chuyển.

Trên thị trường chợ đen, một nhà xe sẵn sàng trả 2.000 USD cho tờ giấy thông hành trong một ngày. Chi phí này sau đó được tính vào giá hàng hóa bán cho người dân.

Chính quyền đang tổ chức phân phối đồ ăn cho người dân tại vùng phong tỏa. (Ảnh: AFP).

Theo New York Times, một số ủy ban khu phố chỉ cho phép hoạt động phân phối hàng tạp hóa do chính phủ tổ chức. Những khu vực khác không cho phép cư dân mua tã, sữa bột trẻ em và giấy vệ sinh vì chúng không được coi là hàng hóa thiết yếu. Ở một số nơi, trái cây, bia và cà phê được coi là những mặt hàng phù phiếm.

Bắt đầu từ những năm 1980, Trung Quốc đã rời xa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.

Thông điệp trái chiều

Bên cạnh những rắc rối của nền kinh tế kế hoạch, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thông điệp trái chiều từ chính phủ Trung Quốc. 

Thủ tướng Lý Khắc Cường và các bộ trưởng đã thúc giục nhà chức trách cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và khuyến khích tăng trưởng. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thay đổi quan điểm chống dịch. “Kiên trì là chiến thắng”, ông tuyên bố vào ngày 13/4. Nhiều quan chức địa phương đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch sau phát biểu của ông Tập.

Chính quyền Thượng Hải đã dựng lên những hàng rào để ngăn người dân di chuyển. (Ảnh: Reuters).

Một số nhà máy ở Thượng Hải, chẳng hạn như Tesla và một vài nhà cung cấp đã quay lại sản xuất. Nhưng những nhà máy này phải tuân theo một loạt biện pháp kiểm soát phức tạp và tốn kém, bao gồm cả việc triển khai hệ thống quản lý vòng kín, trong đó công nhân sống tại chỗ và thường xuyên xét nghiệm COVID. Không có nhiều công ty sẵn sàng hoặc có thể triển khai các biện pháp trên. 

Một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty logistics cho biết họ chỉ còn vài nghìn nhân viên giao hàng trở lại làm việc ở Thượng Hải vì không đủ khả năng cung cấp chỗ ở cho quá nhiều công nhân. Con số này thấp hơn đáng kể so với hơn 60.000 nhân viên giao hàng mà công ty sử dụng trong mùa cao điểm vài năm qua.

Doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt nhất

Một tài xế xe tải có tên Zhao đã bị kẹt trong chiếc xe của mình và không thể làm việc ở ngoại ô Thượng Hải kể từ ngày 28/3. Anh cùng với gần 60 người lái xe tải khác đã phải uống nước từ vòi cứu hỏa, vật lộn để đảm bảo thực phẩm và không có nơi tắm rửa.

Anh Zhao mất ăn mất ngủ, tự hỏi làm thế nào có thể trang trải các khoản vay của mình: khoảng 2.000 USD hàng tháng cho chiếc xe tải và khoảng 500 USD cho khoản thế chấp mua nhà, trong khi phải nuôi vợ và con.

Anh đã vay mượn tiền của người thân và bạn bè để trả khoản vay trong tháng này. Anh Zhao cho biết nếu không thể bắt đầu làm việc sớm thì vào tháng tới, anh sẽ phải bán chiếc xe tải của mình.

Giám đốc điều hành của một thương hiệu tiêu dùng cũng đang tự hỏi công ty có thể trụ được trong bao lâu. Công ty đã huy động được 100 triệu USD vào năm ngoái và có những kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, cô cho biết. 

Tuy nhiên, gần 1/3 trong số 150 cửa hàng bán lẻ của công ty đã phải đóng cửa tại các thành phố đang phong tỏa. Doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp, vốn không bị ảnh hưởng vào năm 2020, hiện đang sa sút do nhiều thành phố phong tỏa các lối ra trên đường cao tốc, ngừng giao hàng thương mại điện tử.

Nếu tình trạng phong tỏa vẫn chưa cải thiện vào ngày Quốc tế lao động 1/5, vị giám đốc sẽ phải xem xét cho thôi việc một số nhân viên.

Ông John Ji, một nhà phát triển bất động sản ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đang lo lắng theo tình hình phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác. Ông tin rằng nhiều người sẽ mất việc làm và gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản thế chấp mua nhà. Ông lo sợ, khi mọi người không đủ tiền mua nhà, ai sẽ mua căn hộ của ông?

Ông Ji lớn lên trong cảnh nghèo khó. Trước khi lên 10 tuổi, bữa ăn của ông chủ yếu là khoai lang, và chỉ được ăn thịt vài lần một năm.

“Tôi lo lắng liệu chúng ta có quay trở lại nền kinh tế kế hoạch hay không”, ông Ji nói. “Nếu nền kinh tế tiếp tục lao dốc, Trung Quốc có thể nghèo đói trở lại”.

Minh Quang