|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba biểu đồ giải thích vì sao kinh tế Mỹ khó có thể rơi vào suy thoái

17:07 | 26/04/2022
Chia sẻ
Mặc dù đang đối mặt với lạm phát kỷ lục, ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị tại Châu Âu và đứt gãy chuỗi cung ứng do phong tỏa COVID, nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục mạnh mẽ.

Theo Insider, với cuộc xung đột Nga-Ukraine làm rung chuyển chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao, dự báo của các nhà kinh tế đối với sự phục hồi đang suy yếu nhanh chóng.

Tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn dự báo ban đầu, nhưng không có nghĩa là Mỹ đang rơi vào một đợt suy thoái mới. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển trở lại và với tốc độ tốt hơn nhiều so với sau cuộc Đại suy thoái năm 2008.

 Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết: "Mỹ ở xa hơn một chút khi chịu tác động tức thời của xung đột so với Châu Âu, nhưng chúng tôi sẽ cảm nhận được chúng theo thời gian".

"Nhưng nền kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ và hoạt động rất tốt. Theo hầu hết các dự báo, chúng ta sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nữa", ông nói thêm.

Phóng viên Sam Ro trình bày triển vọng lạc quan của mình: "Bất chấp lạm phát cao, lãi suất tăng và bất ổn địa chính trị, nền kinh tế chắc chắn sẽ không rơi vào suy thoái sớm".

Sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn tồn tại và tốt đẹp, từ tốc độ tạo ra việc làm chóng mặt cho đến mức chi tiêu kỷ lục của người dân. Dưới đây là ba biểu đồ mô tả chi tiết sức mạnh của sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh cảnh báo suy thoái mới.

Phục hồi 93% việc làm

Đợt khủng hoảng 2020 đang có tốc độ phục hồi cao bất ngờ.

Thị trường lao động đã xuất hiện một số chỉ báo lạc quan nhất về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu gần đây cho thấy Mỹ đã bổ sung 431.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 3/2022. Con số này gấp đôi so với mức trung bình trước dịch COVID mặc cho lạm phát cao và lao động thiếu hụt.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm nhiều hơn dự kiến ​​xuống còn 3,6%, gần chạm mức thấp kỷ lục trước cuộc suy thoái do COVID. Nền kinh tế hiện đã phục hồi khoảng 93% số việc làm bị mất kể từ thời điểm phong tỏa ban đầu. 

Mỹ chỉ mất 25 tháng để đạt được mức tiến bộ đó, một tốc độ phi thường nếu so sánh với các giai đoạn phục hồi sau chiến tranh khác. Cuộc suy thoái 2008 cần khoảng thời gian tương tự chỉ để chạm đáy của thị trường lao động.

Việc số lượng việc làm phục hồi tới mức trước đại dịch cũng diễn ra nhanh gấp ba lần so với sự phục hồi của đầu những năm 2010. 

Tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ có thể chậm lại khi tiến gần tới mức toàn dụng lao động. Tuy nhiên, sự phục hồi hình chữ V của thị trường lao động và nhu cầu cao bất thường cho thấy Mỹ còn lâu mới có một đợt suy thoái khác.

Người Mỹ vẫn tăng chi tiêu

Người Mỹ vẫn tăng chi tiêu mặc dù lạm phát đạt kỷ lục.

Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế Mỹ và là nguồn lực quan trọng giúp nền kinh tế trở lại thời kỳ trước đại dịch. Lạm phát tăng nhanh nhất trong 41 năm làm dấy lên lo ngại rằng giá cả cao kìm hãm tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng dữ liệu cho thấy sự bùng nổ tiêu dùng sẽ kéo dài đến năm 2022.

Cục Phân tích Kinh tế cho biết, tiêu dùng cá nhân - thước đo sâu rộng nhất về hoạt động chi tiêu của người Mỹ - đã tăng 0,2% trong tháng 2, lên mức kỷ lục 16,7 nghìn tỷ USD. Trong tháng 1, tốc độ tăng trưởng là 2,7%.

Các biện pháp kích thích của chính phủ và tiết kiệm dồn nén đã thúc đẩy chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng vẫn được duy trì mạnh mẽ ngay cả khi viện trợ cạn kiệt và lạm phát tăng vọt. 

Có thể còn có những rủi ro mới ở phía trước, nhưng người Mỹ vẫn chi tiêu giống như khi nền kinh tế vừa mở cửa trở lại.

Doanh nghiệp thu lợi nhuận khổng lồ

Thu nhập trên một cổ phần S&P 500 đạt mức kỷ lục 204 USD.

Các khoản chi tiêu khổng lồ trong suốt quá trình phục hồi cũng đã thúc đẩy thước đo mà Phố Wall quan tâm nhất: thu nhập doanh nghiệp.

Cho đến nay, khoảng 1/5 trong số các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập quý đầu tiên của năm 2022, và có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy yếu. Theo FactSet, 79% số công ty đã báo cáo số liệu có lợi nhuận vượt kỳ vọng và 69% báo cáo doanh thu cao hơn mong đợi.

Nói rộng hơn, các công ty đang thu về lợi nhuận lớn hơn nhiều so với trước dịch COVID. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của S&P 500 đạt kỷ lục 204 USD vào cuối năm 2021, tăng hơn 1/3 so với trước khủng hoảng. Nếu báo cáo quý đầu tiên tiếp tục cao hơn dự báo, con số này có thể sẽ leo lên mức cao nhất mọi thời đại.

Thị trường chứng khoán không phải là chỉ báo kinh tế tốt nhất để dự báo suy thoái, nhưng với việc các công ty ghi được lợi nhuận kỷ lục và chi tiêu vẫn tăng, sự phục hồi nền kinh tế Mỹ có vẻ khá lành mạnh.

Minh Quang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.