|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đợt bùng phát COVID năm 2022 khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại gấp hơn 10 lần Vũ Hán

09:58 | 11/05/2022
Chia sẻ
Một nhà kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc đã cảnh báo ảnh hưởng kinh tế của đợt bùng phát COVID mới nhất gấp hơn 10 lần so với đợt dịch đầu tiên tại Vũ Hán vào năm 2020.

Theo SCMP, ông Xu Jiangou, Phó Giáo sư kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng những gián đoạn do COVID tới hoạt động kinh tế, bao gồm phong tỏa toàn thành phố và hạn chế đi lại, đã ảnh hưởng tới 160 triệu người và tiêu tốn 18.000 tỷ nhân dân tệ (268 tỷ USD).

Để so sánh thì đợt bùng phát tại Vũ Hán hai năm trước chỉ ảnh hưởng tới 13 triệu người và gây ra thiệt hại kinh tế 1.700 nghìn tỷ nhân dân tệ (250 tỷ USD).

“Mức độ nghiệm trọng xét theo quy mô dân số và chi phí kinh tế của đợt bùng phát dịch năm nay gấp hơn 10 lần so với 2020”, ông nói.

Ông nghi ngờ việc Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5,5%” trong năm nay, hay thậm chí cả con số 2,3% được ghi nhận vào năm 2020.

Chính sách Zero COVID, dựa vào việc phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và cách ly y tế trong các cơ sở chính phủ đã tạo áp lực lên lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, sản xuất và logistics.

Ông Xu cho biết, khác với đợt bùng phát tại Vũ Hán năm 2020, lần này, nhiều thành phố lớn và quan trọng của Trung Quốc như Thượng Hải, Tô Châu, Thẩm Quyến, Đông Hoản và thủ đô Bắc Kinh đã bị phong tỏa. Những thành phố này là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Sau khi tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh vào tháng 4, ngày càng nhiều nhà phân tích cảnh bảo việc đạt được mục tiêu phát triển 5,5% sẽ khó khăn.

Tuy nhiên, các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc quyết không từ bỏ chiến lược Zero COVID và chính phủ đã bắt đầu kiểm duyệt những chỉ trích trên mạng về chính sách này.

 

Các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022. Trong khi nhiều nhóm doanh nghiệp nước ngoài cho biết các biện pháp phong tỏa hà khắc đang khiến Trung Quốc kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Bất chấp những dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong nền kinh tế, ông Xu cho biết các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ hiện nay yếu hơn so với năm 2020. Xuất khẩu và bất động sản, những động lực chính giúp phục hồi kinh tế hai năm trước, cũng đã sa sút.

“Nói đơn giản thì việc đạt được con số tăng trưởng 2,3% năm nay đã khó chứ chưa tính đến những mục tiêu cao hơn” như mức 5,5% mà chính phủ đặt ra, ông Xu cho biết.

Phó Giáo sư Xu cho biết, các nhà chức trách đang cung cấp các biện pháp kích thích tài chính thông qua trợ cấp chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng ông cảnh báo có thể có những tác dụng phụ như nợ xấu hoặc tham nhũng.

Ông cho rằng vẫn có chỗ cho việc nới lỏng chính sách tại lĩnh vực bất động sản, đồng thời nới lỏng tiền tệ có thể mạng lại tác dụng, nhưng sẽ đi kèm với rủi ro như lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái.

“Lý do chính khiến nền kinh tế hạ nhiệt hiện nay không liên quan tới tài chính xã hội hay tiền tệ mà nằm ở các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn COVID”, ông nói.

Hôm 9/5, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế đang chịu sức ép ngày càng lớn từ COVID và hứa sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ và sản xuất đều sụt giảm sau đợt bùng phát COVID vào tháng 2/2022. 

Ông Xu Shaoyuan, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của chính phủ cho biết đợt bùng phát năm nay gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế hơn so với thời điểm bắt đầu dịch COVID hai năm trước, vì nhiều công ty gần cạn kiệt tiền tiết kiệm.

Ông nói: “Trợ cấp thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và công ty dịch vụ, những công ty cung cấp nhiều việc làm và để họ tiếp tục làm việc càng sớm càng tốt là chìa khóa để bảo vệ sinh kế của mọi người”.

Ông Xiao Lisheng, một nhà kinh tế học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nền kinh tế đang trải qua một cuộc suy thoái và sẽ mất từ 2 đến 3 tháng nữa để chạm đáy.

Nhưng ông Xiao có cái nhìn tích cực về triển vọng phát triển: "Trong trường hợp tình hình dịch được kiểm soát trong quý II hoặc quý III năm nay, chúng tôi không loại trừ khả năng đầu tư tăng mạnh và tiêu dùng phục hồi nếu không có quá nhiều đợt bùng phát mới trong năm tới”.

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.