Cả thế giới muốn dân ở yên trong nhà, riêng Trung Quốc khuyến khích dân ra ngoài mua sắm
Trong một nỗ lực nhằm vực dậy lĩnh vực tiêu dùng, giới chức Trung Quốc ở một số tỉnh thành đang phân phát phiếu mua hàng giảm giá, yêu cầu các doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ phép có lương và hỗ trợ cho các gói mua hàng lớn như xe hơi.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin các quan chức đánh bạo ra ngoài để thưởng thức món ngon địa phương như trà sữa, lẩu và bánh bao.
Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc còn ngần ngại quay về nếp sống cũ. Họ lo lắng không biết liệu bên ngoài đã an toàn hay chưa và áp lực tài chính cũng đè nặng vì tỉ lệ thất nghiệp gia tăng đột biến.
Phản ứng thờ ơ với chính sách kích thích tiêu dùng của người dân là một hồi chuông cảnh báo cho chính phủ nhiều nước trên thế giới, khi mà họ đang kì vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Rào cản mà Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở nơi khác.
Tại Chiết Giang, chính quyền khuyến khích doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ phép thêm nửa ngày có lương/tuần với hi vọng người lao động sẽ sử dụng thời gian rảnh rỗi đi mua sắm và chi tiêu.
Theo Bloomberg, cô Chen Xin - một nhà thiết kế nội thất, sẽ không được hưởng lợi từ biện pháp này. Chen làm việc cho một công ty nhỏ có khoảng 20 nhân viên, công ty thì không đủ sức theo đuổi chính sách trên sau khi việc kinh doanh bị tổn hại vì dịch bệnh.
"Giữ được công việc là tôi đã mừng lắm rồi", cô nói. "Tôi và các đồng nghiệp vẫn ăn ở nhà hết mức có thể. Đi ra nơi công cộng khiến chúng tôi cảm thấy bất an".
Chính quyền địa phương tìm mọi cách kích thích người dân chi tiêu mua sắm
Hiện tại khi dịch bệnh đã được khống chế, Trung Quốc cần phải làm cho thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới sôi động trở lại.
Doanh số bán lẻ hai tháng đầu năm nay tại Trung Quốc đã lao dốc 20,5% so với cùng kì năm ngoái và gần 50% số hãng bán lẻ niêm yết của đất nước tỉ dân không có đủ tiền mặt để xoay xở trong 6 tháng tới.
Hôm 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ đã ngừng giảm. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng là rất mong manh khi nền kinh tế đất nước tỉ dân đang phải đối mặt với đòn đau thứ hai: nhu cầu hàng hóa ở nước ngoài sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng và mức lương của người lao động bị cắt giảm.
Ngoài một chỉ thị chung chung do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ban hành hôm 13/3, Bắc Kinh chưa tuyên bố bất kì biện pháp cụ thể nào để thúc đẩy tiêu dùng.
Nhiệm vụ này chủ yếu được đẩy sang chính quyền địa phương, buộc họ phải thuyết phục người dân ra khỏi nhà và tăng chi tiêu mua sắm.
Tại Nam Kinh, các nhà lãnh đạo phải tháo khẩu trang và dùng bữa tại cửa hàng mì vịt tiềm nổi tiếng của thành phố, theo Bloomberg. Chính quyền thành phố Nam Kinh cũng phát hành lượng phiếu mua hàng giảm giá trị giá 45 triệu USD đối với nhiều mặt hàng như thiết bị điện tử, thể thao, hoạt động du lịch.
Luật sư Lan Tianbin cho hay sự xuất hiện của giới chức thành phố là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, tuy nhiên anh vẫn sẽ cân nhắc kĩ trước khi mua bất kì món hàng nào trên 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.400 USD).
"Vài ngày trước, tôi vừa hoàn thành vụ kiện đầu tiên trong nhiều tháng qua", luật sư Lan nói. "Sẽ phải mất một lúc người dân mới có thể chấp nhận thông điệp trấn an của chính quyền và gạt bỏ nỗi lo về sự an toàn của bản thân sau khi sống trong sợ hãi vì đại dịch hơn hai tháng qua".
Theo Bloomberg, nhiều người Trung Quốc đã than thở về nhu cầu chi tiêu bị dồn nén và hi vọng sẽ giải tỏa được bức bối khi lệnh hạn chế được nới lỏng, do đó "chi tiêu để giải tỏa tâm trạng" đã trở thành một từ thông dụng trên mạng xã hội.
"Tác động tâm lí còn kéo dài"
Lĩnh vực tiêu dùng của đất nước tỉ dân phục hồi khá chậm, khiến một nhà kinh tế có ảnh hưởng của nước này kêu gọi kích thích kinh tế trực tiếp như phát tiền mặt cho người dân, vốn đã được tiến hành tại Hong Kong và Mỹ.
"Chúng tôi tin biện pháp kích thích tiêu dùng trực tiếp và khả thi nhất là trợ cấp cho các nhóm thu nhập thấp thông qua cắt giảm thuế và trợ cấp", ông Liu Qiao - Hiệu trưởng Trường Quản lí Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, viết trên blog cá nhân.
Theo ông Liu, chính phủ Trung Quốc cũng nên phát 1.000 nhân dân tệ cho toàn bộ người lao động tại tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
"Các gói kích thích từ chính quyền địa phương là không đủ", nhà phân tích Wang Dan của tổ chức Economist Intelligence Unit cho hay. Tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng thêm 5 điểm % từ mức cao kỉ lục 6,2% hồi tháng 2, nghĩa là thêm 22 triệu việc làm nữa sẽ biến mất tại Trung Quốc.
Tuần trước, tỉnh Hồ Bắc đã nới lỏng lệnh phong tỏa ban hành hồi cuối tháng 1 và lên kế hoạch thực hiện động thái tương tự với thành phố Vũ Hán vào ngày 8/4 để thể hiện sự tin tưởng rằng đại dịch đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, người dân vẫn thận trọng, hãng tin Caixin còn báo cáo về các trường hợp nhiễm COVID-19 mới không được thống kê chính thức mỗi ngày.
Hợp Phì - một thành phố ở tỉnh An Huy lân cận, đã dỡ bỏ lệnh hạn chế về việc ăn uống bên ngoài hai tuần trước. Tuy nhiên, chủ nhà hàng Wang Jie không thấy có nhiều khách hàng đến thưởng thức món súp thịt cừu của anh.
"Tác động tâm lí sẽ còn kéo dài", anh Wang nói. "Tôi không nghĩ người dân sẽ ra ngoài ăn thường xuyên như trước".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/