|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mới khôi phục sản xuất, doanh nghiệp Trung Quốc đã phải hứng thêm đòn đau từ COVID-19

09:13 | 28/03/2020
Chia sẻ
Các nhà máy của Trung Quốc vừa mới khôi phục lại được công suất tối đa, nhưng giờ đây hàng loạt đơn đặt hàng từ khách nước ngoài của họ lại bị hủy bỏ hoặc trễ thanh toán. Nguyên nhân đến từ lệnh phong tỏa được áp dụng tại nhiều nước để chống dịp COVID-19.

Từ tuần trước, email của khách hàng tới tấp đổ dồn hòm thư của ông Grace Gao – Giám đốc công ty Shandong Pangu Industrial chuyên sản xuất dụng cụ xây dựng. 

Nhưng với ông Gao, đây không phải chuyện gì tốt đẹp: chúng hầu hết là các email yêu cầu tạm hoãn đơn hàng, lùi thời gian vận chuyển, hoặc xin gia hạn thời gian thanh toán trong hai tháng.

Thông thường, 60% sản phẩm công ty ông Gao sản xuất sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nhưng trước tình hình nghiêm trọng của COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đã phải đóng cửa do các lệnh phong tỏa, buộc họ phải cắt giảm hoặc hủy bỏ các đặt hàng từ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, đây là tình cảnh rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gặp phải ngay khi vừa mới bắt đầu khôi phục được hoạt động sản xuất như bình thường.

Tình thế đảo ngược: các nhà sản xuất Trung Quốc phải chạy theo khách hàng nước ngoài - Ảnh 1.

Các công nhân trong dây chuyền sản xuất điều hòa không khí tại một nhà máy Midea ở Vũ Hán, ngày 25/3. Ảnh: Getty Images

Ông Gao than thở: "Mọi việc đã đảo ngược hoàn toàn". Theo ước tính, doanh số bán hàng tháng 4 và tháng 5 của công ty ông sẽ giảm đến 40% so với cùng kì năm ngoái.

Ông Gao nói: "Mới tháng trước, khách hàng còn giục giã chúng tôi giao hàng kịp tiến độ. Bây giờ chúng tôi lại là người phải chạy theo họ để hỏi xem có nên giao hàng theo thời hạn ban đầu không".

Tình cảnh này có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội khắc phục thiệt hại kinh tế từ lệnh phong tỏa hồi cuối tháng 1 để chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Bất chấp các phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường, các nhà kinh tế vẫn tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tình thế đảo ngược: các nhà sản xuất Trung Quốc phải chạy theo khách hàng nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Xing Zhaopeng, nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) nhận xét: "Đây chắc chắn là cú sốc kinh tế thứ hai mà Trung Quốc phải đối mặt". 

Sự phát tán của virus corona chủng mới đến nhiều nước trên khắp thế giới "sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc theo hai hướng: gián đoạn chuỗi cung ứng và sụt giảm nhu cầu của thị trường nước ngoài".

Ngày 31/3, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Đây sẽ là số liệu chính thức sớm nhất cung cấp cái nhìn tổng quan về những thiệt hại của lĩnh vực sản xuất do tác động của COVID-19.

Nhưng trừ khi kinh tế phục hồi mạnh, tình trạng lợi nhuận sụt giảm kỉ lục trong hai tháng đầu năm của các nhà sản xuất Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo diễn trong thời gian tiếp theo.

Hiện tại, nhiều công ty Trung Quốc đang đau đầu với những đơn hàng bị hủy, gián đoạn chuỗi logistics và các khoản thanh toán bị chậm trễ.

Ông Dong Liu, Phó Chủ tịch công ty Fujian Strait Textile Technology cho biết: "Các nhà sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng khách hàng nước ngoài muốn hủy bỏ hoặc cắt giảm đơn đặt hàng, hoặc hàng hóa không thể được vận chuyển do bị tắc ở hải quan".

Thật không may cho ông Liu, nhà máy của ông vừa mới sắp sửa khôi phục được công suất tối đa sau khi các công nhân bị mắc kẹt ở tỉnh Hồ Bắc được quay trở về làm việc. Ông cho biết: "Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm khá nghiêm trọng".

Tình thế đảo ngược: các nhà sản xuất Trung Quốc phải chạy theo khách hàng nước ngoài - Ảnh 3.

Công nhân sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 23/3. Ảnh: Getty Images

Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh GDP quí I tăng trưởng âm. Nhiều khả năng 2020 sẽ là năm nền kinh tế thứ hai thế giới suy yếu nhất trong vòng 44 năm trở lại đây.

Theo Bloomberg Economics, trong kịch bản xấu nhất, các cuộc suy thoái ở Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ khiến sản lượng toàn cầu bốc hơi 2,7 nghìn tỉ USD.

Việc hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện thể thao lớn như mùa giải Hiệp hội bóng rổ quốc gia (NBA) hoặc Olympics 2020 cũng giáng đòn mạnh vào các nhà máy Trung Quốc.

Bà Alice Zeng, chủ của hai công ty chuyên sản xuất đồ lưu niệm bằng kim loại cho biết: "Khoảng một hoặc hai tuần sau khi kết thúc kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài – vào khoảng giữa tháng 2, chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng các đơn đặt hàng đang dần biến mất".

"Đầu tiên là vài sự kiện marathon ở Nhật Bản bị hủy. Sau đó các đơn đặt hàng ở châu Âu và Mỹ cũng giảm mạnh".

100% sản phẩm hai công ty của bà Zeng đều được xuất khẩu sang nước ngoài. Trước đó, bà đã dự đoán rằng các đơn đặt hàng để phục vụ mùa Euro 2020 sẽ bị cắt giảm, nhưng giờ thì giải đấu này đã bị lùi sang năm sau.

Theo bà Zeng, các nhà cung cấp cho công ty bà hiện vẫn đang bận rộn, nhưng khó có khả năng họ sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng mới trong tháng 4.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura International HK viết trong lưu ý gửi đến khách hàng hôm 24/3: "Việc tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh trong những tháng tiếp theo là điều không thể tránh khỏi".

Kinh tế Trung Quốc đã phần nào được ổn định trong tháng này, nhờ vào thành công của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Niềm tin kinh doanh giữa các công ty vừa và nhỏ cũng tăng trong tháng 3, nhưng vẫn ở mức yếu. Các chỉ báo sớm của Bloomberg cũng chỉ ra hoạt động kinh tế đang tăng dần từ mức thấp kỉ lục trong tháng 2.

Tình thế đảo ngược: các nhà sản xuất Trung Quốc phải chạy theo khách hàng nước ngoài - Ảnh 4.

Tại Thiệu Hưng, một thị trấn nổi tiếng với hàng dệt may ở Trung Quốc, các nhà máy đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi các đơn đặt hàng liên tục bị hủy.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát địa phương, kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 3, khoảng 78% công ty cho biết số đơn đặt hàng mới của họ đã giảm so với thời gian trước, và có đến 65% công ty xảy ra tình trạng đơn đặt hàng đang thực hiện bị hủy".

Các lệnh phong tỏa ở nhiều quốc gia cũng đang gây khó dễ cho việc giao hàng và trì hoãn các khoản thanh toán – một vấn đề nan giải khác đối với những công ty nhỏ với dòng tiền yếu.

Ông Janny Zhou, quản lí của một công ty sản xuất phụ tùng ô tô tại thành phố Thai Châu, Chiết Giang cho biết: "Chúng tôi phải lưu trữ sản phẩm dù chúng đã sẵn sàng để được xuất khẩu. Phần lớn khách hàng không thể thanh toán kịp thời cho chúng tôi vì ngân hàng nước họ đang đóng cửa, còn bản thân họ cũng phải ở yên trong nhà".

Tình thế đảo ngược: các nhà sản xuất Trung Quốc phải chạy theo khách hàng nước ngoài - Ảnh 5.

Một dây chuyền sản xuất ô tô được hoạt động trở lại tại Vũ Hán vào ngày 23/3. Ảnh: Getty Images

Chính phủ Trung Quốc đang đối phó với cuộc khủng hoảng mới xuất hiện này bằng cách cố gắng giữ cho người lao động không bị mất việc làm, dù lương của họ có thể giảm.

Một số địa phương đang cân nhắc cho doanh nghiệp tạm ngừng đóng các khoản phí an sinh xã hội. Nhưng cho đến hiện nay, Trung Quốc chưa tung ra biện pháp mạnh mẽ nào để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn.

Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận rằng một số đơn hàng xuất khẩu của nước này đã bị hủy do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời, Bộ Thương mại hứa sẽ giúp đỡ các công ty xuất khẩu thông qua việc giảm thuế, cung cấp khoản vay hoặc tạm ngừng hoặc cắt giảm phí bảo hiểm.

Chính phủ Trung Quốc sẽ giúp một số công ty xây dựng nhà kho tại các quốc gia là đối tác thương mại quan trọng, đơn giản hóa thủ tục hải quan, và cung cấp thêm các hỗ trợ khác.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Macquarie Group cảnh báo: "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến đối với xuất khẩu và chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nhiều khả năng sản lượng xuất khẩu cả năm 2020 của Trung Quốc có thể giảm 10% hoặc hơn".

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.