Cả thế giới thiếu máy thở để chống COVID-19, các nhà máy Trung Quốc sản xuất 3 ca để đáp ứng nhu cầu
Cách thủ đô Bắc Kinh 40 phút lái xe, nhà máy Beijing Aeonmed đã phải làm việc quần quật từ ngày 20/1.
Sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước từ hai tuần trước, Beijing Aeonmed đang tăng công suất tối đa để hoàn thành đơn đặt hàng máy thở từ nước ngoài. Với ba ca làm việc và ngay cả nhân viên R&D cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất, hệ thống máy của công ty đang vận hành không ngừng nghỉ.
"Hiện tại, mọi nước đều muốn mua máy thở từ Trung Quốc", ông Li Kai - Giám đốc của Beijing Aeonmed, phát biểu. "Chúng tôi đang có hàng chục nghìn đơn hàng. Vấn đề là chúng tôi có thể sản xuất nhanh đến đâu".
Tình trạng thiếu máy thở để phục vụ nỗ lực chống dịch COVID-19
Khi số ca tử vong trên toàn thế giới phá ngưỡng 15.000 người, các bác sĩ từ Milan đến New York đều tuyệt vọng tìm mua máy thở. Trong các trường hợp nguy kịch, máy thở có thể giúp bệnh nhân nhiễm COVID-19 hô hấp, đóng vai trò quyết định sinh mạng của họ.
Cuối tuần trước, Thống đốc bang New York Andew Cuomo thừa nhận dù đang có khoảng 5.000 - 6.000 máy thở, có thể bang sẽ cần thêm 30.000 chiếc.
"Chúng tôi thực sự cần thêm máy thở", ông Cuomo nói trước báo giới. "Đây là nhu cầu cấp thiết nhất. Chính quyền bang New York đã cử người đến Trung Quốc mua thêm máy thở", vị thống đốc nói.
Trên toàn nước Mỹ, Hiệp hội Hồi sức Cấp cứu (SCCM) ước tính 960.000 bệnh nhân sẽ cần hỗ trợ máy thở do dịch COVID-19, tuy nhiên Mỹ chỉ có khoảng 200.000 thiết bị này.
Tại Italy - ổ dịch ghi nhận nhiều ca tử vong nhất thế giới, tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng đã buộc đội ngũ nhân viên y tế phải phân loại bệnh nhân để điều trị.
Theo Bloomberg, cuộc tranh giành điên cuồng đối với các vật tư y tế khan hiếm xảy ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc cố tình đổ lỗi cho nhau về hướng xử lí dịch bệnh.
Trung Quốc đang tìm cách giành lại vị trí lãnh đạo trên phạm vi quốc tế, quảng bá đất nước tỉ dân là vị cứu tinh của châu Âu trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 khi cung cấp khẩu trang y tế và các vật tư khác cho một số điểm nóng về dịch ở lục địa già.
Tuy nhiên, đối với các công ty như Beijing Aeonmed, hoạt động kinh doanh lại đang phất lên khi đơn hàng đổ về từ hàng chục quốc gia, mà nhiều trong số này còn sử dụng máy bay dân sự hoặc quân sự để vận chuyển máy móc.
Beijing Aeonmed không phải là công ty Trung Quốc duy nhất chạy đua với thời gian để sản xuất máy thở.
"Toàn bộ nhà máy sản xuất máy thở tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng công suất tối đa, cực kì bận rộn với các đơn hàng từ nước ngoài", ông Wu Chuanpu - giám đốc chuỗi cung ứng tại Vedeng.com (một trong các nền tảng chính ở Trung Quốc giúp kết nối nhà cung ứng với khách hàng), cho hay.
Theo ông Wu, các nhà máy sản xuất máy thở của Trung Quốc đã nhận được lệnh duy trì công suất tối đa cho đến tháng 5. Vedeng vẫn đang nhận được hơn 60 - 70 đơn đặt hàng mới mỗi ngày, mỗi đơn yêu cầu mua hàng trăm hoặc hàng nghìn máy và nhiều đơn đến từ chính phủ các nước.
Tổng thống Trump cũng phải giục doanh nghiệp sản xuất máy thở
Nhu cầu máy thở lớn đến mức Tổng thống Donald Trump đã "bật đèn xanh" cho các hãng chế tạo xe ô tô thay đổi cơ cấu nhà máy để sản xuất máy thở. Ford Motor, General Motors và Tesla đã được phép sản xuất máy thở, ông Trump cho hay trong một dòng tweet đăng hôm 22/3.
Tuy nhiên, khác với khẩu trang y tế hay nhiệt kế - thường các nhà máy có thể nhanh chóng gia tăng sản lượng thì máy thở lại phức tạp hơn, khiến việc nhanh chóng mở rộng sản xuất gặp khó khăn, ông Wu của Vendeng lí giải.
"Mở rộng dây chuyền sản xuất máy thở rất tốn thời gian và nguồn lực", ông nói. "Ngoài ra, nhà máy còn phải đào tạo nhân công, quá phức tạp".
Dựa trên số lượng máy thở mà các nhà máy cung ứng cho tâm dịch Vũ Hán trong tháng này, nhà phân tích Nikkie Lu của Bloomberg Intelligence dự đoán Trung Quốc có thể cung cấp ít nhất 14.000 máy thở không xâm nhập vào tháng 4. Bà Lu ước tính giá trị của số máy móc này nằm trong khoảng 100 - 300 triệu USD.
"Dịch COVID-19 không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào. Cuộc chiến chống lại đại dịch trên phạm vi toàn cầu là một bài thử về tốc độ và chất lượng sản xuất của Trung Quốc", ông Li của Beijing Aeonmed cho biết.