|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỉ lục mới: 6,6 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần, cao gấp đôi kỉ lục tuần trước

22:59 | 02/04/2020
Chia sẻ
Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua lên tới 6,6 triệu. Tính tổng hai tuần gần đây, đã có 10 triệu người Mỹ xin trợ cấp vì mất việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.
Kỉ lục mới: 6,6 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần, cao gấp đôi kỉ lục tuần trước - Ảnh 1.

CNBC dẫn số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28/3 đã có 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được nộp, cao gấp đôi mức 3,3 triệu đơn xin trợ cấp của tuần kết thúc ngày 21/3.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo số đơn xin trợ cấp của tuần 28/3 chỉ là khoảng 3,1 triệu. Số liệu của tuần 21/3 được điều chỉnh tăng thêm 24.000, từ 3,28 triệu lên 3,3 triệu.

Nếu chưa hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần 28/3 là 5,8 triệu. Một số nhà kinh tế cho rằng số liệu chưa qua điều chỉnh này sẽ có ý nghĩa hơn bởi vì tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế là cú sốc hết sức bất thường, không mang yếu tố mùa vụ.

Tuy nhiên bà Liz Ann Sonders – Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab nhận định: "Tôi nghĩ số liệu mà Bộ Lao động vừa công bố vẫn còn thấp hơn con số thực tế do hệ thống xin trợ cấp thất nghiệp bị quá tải và nhiều người không đăng kí được. Cho dù có tính toán đúng số liệu thì tôi cho là kịch bản tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước".

Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến làm cho phần lớn nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất một tuần trong lịch sử là 695.000 vào năm 1982. Trong tuần đen tối nhất cuộc Đại Suy thoái vào tháng 3/2009, con số cũng chỉ là 665.000, bằng khoảng 1/10 số đơn xin trợ cấp tuần vừa qua.

Người dân được yêu cầu phải ở yên trong nhà, nhiều hàng quán và doanh nghiệp phải đóng cửa để thực thi khuyến cáo về giãn cách xã hội (social distancing), tất cả đã khiến cho hàng triệu người lao động Mỹ rơi vào cảnh mất việc làm.

Bà Seema Shah – Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lí tài sản Principal Global Investors nhận định: "Số liệu được công bố thê thảm hơn nhiều so với dự báo trước đó. Không những vậy, các lệnh phong tỏa đang trở nên ngày càng nghiêm ngặt và được kéo dài hơn, do vậy nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lí cho việc tình trạng thất nghiệp còn tồi tệ hơn trong những tuần tới".

Bà Irina Novoselsky - CEO của công ty môi giới việc làm trực tuyến CareerBuilder nói: "Tôi đã trải qua cả cuộc Đại Suy thoái 2009 và vụ khủng bố 11/9 năm 2001. Những gì đang diễn ra hiện nay còn tồi tệ hơn cả hai biến cố đó".

Tất cả 50 bang của Mỹ đều báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên so với tuần trước. Những bang có số người xin trợ cấp tăng mạnh nhất là Pennsylvania (362.012 người), Ohio (189.263 người) và Massachusetts (141.003 người). Những bang có mức tăng thấp nhất là South Dakota (1.571), West Virginia (2.671) và Vermont (3.125).

Xét theo ngành nghề, nhóm có nhiều người đang tìm việc nhất là các phục vụ quầy bar, huấn luyện viên thể thao và bồi bàn, theo thống kê của CareerBuilder. Lái xe taxi và lái xe tải cùng với nhân viên chuẩn bị đồ ăn cũng nằm trong nhóm phải tìm việc nhiều.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến 22h30 hôm nay 2/4 (giờ Việt Nam), cả thế giới đã ghi nhận 965.000 ca dương tính với COVID-19, trong đó Mỹ dẫn đầu với 216.000 trường hợp.

Tổng số ca tử vong của thế giới là 49.180 người, Mỹ xếp thứ ba với 5.150 người chết, đứng sau Italy, Tây Ban Nha và đứng trước Trung Quốc.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có vẻ đã được kiểm soát khi nhiều ngày gần đây không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận rất ít số ca nhiễm mới. Tuy nhiên các chuyên gia cũng như người dân đang lo ngại các trường hợp nhiễm bệnh mà không có triệu chứng gì, khiến cho virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây lan rộng trong cộng đồng mà không bị phát hiện.

Mới đây, một quận với 640.000 dân tại tỉnh Hà Nam - miền trung Trung Quốc đã phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại sau khi phát hiện ba bác sĩ xét nghiệm dương tính với COVID-19 dù không có bất kì biểu hiện bệnh nào. Trước khi được cách li, ba bác sĩ này đã lây bệnh cho ít nhất một người khác.

Thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh gây ra là cực kì to lớn. Theo ước tính của các chuyên gia tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh St. Louis, nước Mỹ có thể sẽ có tới 47 triệu người mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp có khả năng lên tới 32%.

Song Ngọc