|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19: Tổng thống Trump kí ban hành gói giải cứu 2.000 tỉ USD - lớn chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ

06:27 | 28/03/2020
Chia sẻ
Ngay sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ được chuyển tới văn phòng Tổng thống Donald Trump và được kí ban hành ngay trong ngày 27/3.
Tổng thống Trump kí ban hành gói cứu trợ 2.000 tỉ USD chống COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kí ban hành gói cứu trợ khẩn cấp 2.000 tỉ USD chống dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images.

"Tôi đã kí ban hành gói giải cứu kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ", Tổng thống Trump phát biểu tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. "Đạo luật này sẽ mang lại những hỗ trợ cấp thiết cho nhiều gia đình, người lao động và doanh nghiệp Mỹ".

Hiện chưa rõ cụ thể khi nào chính phủ có thể bắt đầu chi tiền cho một số chính sách giải cứu được đề cập trong đạo luật, bao gồm tăng trợ cấp thất nghiệp, cho vay doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ bệnh viện … 

Riêng với chính sách phát tiền mặt trực tiếp cho người dân, quan chức Nhà Trắng và các lãnh đạo Quốc hội từng khẳng định mỗi cá nhân sẽ nhận được 1.200 USD trong vòng ba tuần.

Tổng thống Trump kí ban hành gói giải cứu khổng lồ sau khi số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp nhảy vọt lên gần 3,3 triệu trong tuần trước, cao gấp gần 5 lần tuần tồi tệ nhất trong cuộc Đại Suy thoái 2008-2009. Nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đã phải đóng cửa để ngăn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Các bệnh viện, đặc biệt là tại tâm dịch New York, đã đề nghị được hỗ trợ thêm nguồn lực để có thể chăm sóc cho lượng bệnh nhân khổng lồ đang ào ạt đổ về.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện nay đã ghi nhận hơn 100.000 ca dương tính với COVID-19 – cao nhất trên thế giới, và gần 1.600 trường hợp tử vong. Bang New York chịu áp lực lớn nhất với gần 45.000 ca xác nhận nhiễm, chiếm gần một nửa tổng số ca của nước Mỹ.

Mọi người vì một người: Hàng trăm nghị sĩ tập trung trong mùa dịch vì một ý kiến bất đồng

Thượng viện Mỹ thông qua gói giải cứu này trong đêm thứ Tư 25/3 sau khi tranh luận căng thẳng xuyên qua cuối tuần trước. Tỉ lệ ủng hộ đạt mức tuyệt đối với 96 phiếu thuận và không có phiếu chống hay phiếu trắng.

Thượng viện Mỹ có 100 thành viên nhưng 4 người vắng mặt vì dương tính với COVID-19 hoặc phải tự cách li vì tiếp xúc với ca dương tính.

Dự luật sau đó được ngay lập tức chuyển tới cho Hạ viện. Các lãnh đạo Hạ viện ban đầu dự tính có thể thông qua dự luật khẩn cấp này bằng cách biểu quyết bằng lời nói, tức là các thành viên sẽ đồng loạt hô "Có" hoặc "Không" rồi chủ tọa sẽ xác định lời hô nào to hơn để quyết định có thông qua dự luật hay không. Cách biểu quyết này không đòi hỏi đa số Hạ viện phải tập hợp, chỉ cần một số thành viên có mặt tranh luận và đưa ra quyết định.

Tuy nhiên chỉ cần một nghị sĩ lên tiếng phản đối thì cách biểu quyết bằng lời nói này sẽ không được thực thi mà phải chuyển thành biểu quyết kiểu ghi danh truyền thống, tức là cần sự có mặt của đa số thành viên, mỗi người sẽ quyết định cụ thể đồng ý hoặc không đồng ý, kết quả sẽ được lưu trữ và kiểm đếm chính xác.

Tổng thống Trump kí ban hành gói cứu trợ 2.000 tỉ USD chống COVID-19 - Ảnh 4.

Hạ nghị sĩ Dusty Johnson của bang South Dakota (áo trắng) trên chuyến bay vắng vẻ tới thủ đô Washington ngày 27/3 để biểu quyết dự luật cứu trợ kinh tế. Các hành khách chú ý duy trì khoảng cách an toàn trong mùa dịch. Ảnh: Twitter nhân vật.

Thực tế lần này, Hạ nghị sĩ Thomas Massie (Đảng Cộng hòa, bang Kentucky) đã tuyên bố ông sẽ phản đối cách biểu quyết bằng lời nói và do vậy hàng trăm nghị sĩ Hạ viện đã phải lục tục kéo về thủ đô Washington từ khắp mọi miền đất nước bằng ô tô hoặc trên những chuyến bay gần như trống trơn trong mùa dịch.

Nhiều nghị sĩ khi có mặt tại Washington đã chỉ trích gay gắt ông Thomas Massie vì đã làm bao nhiêu người khác phải vất vả đi lại hàng nghìn cây số để rồi đối diện nguy cơ lây bệnh do tập trung đông người trong phòng họp. 

Hạ viện Mỹ có tổng cộng 435 ghế và cần đa số quá bán có mặt thì mới có thể biểu quyết theo cách thông thường. Thực tế đã có hai hạ nghị sĩ Mỹ xét nghiệm dương tính với COVID-19 và không thể dự họp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vô cùng giận dữ và muốn đuổi ông Thomas Massie ra khỏi Đảng Cộng hòa.

Lãnh đạo Hạ viện khuyến cáo các thành viên thực hiện đúng hướng dẫn về giãn cách xã hội (social distancing) và do vậy nhiều hạ nghị sĩ đã ngồi sang khu vực khán đài mà bình thường để dành cho công chúng nhằm tăng khoảng cách giữa người với người.

Hạ nghị sĩ Thomas Massie tiếp tục đòi Hạ viện phải biểu quyết ghi danh cụ thể, tức là các nghị sĩ sẽ phải tập trung tại điểm bấm nút, làm tăng nguy cơ lây bệnh đồng thời làm quá trình thông qua dự luật bị chậm trễ thêm vài giờ. "Tôi muốn đảm bảo rằng nền cộng hòa của chúng ta không chết vì sự đồng thuận tuyệt đối trong một phòng họp trống trơn", ông Massie nói.

Nghị sĩ điều hành phiên họp cho biết đa số thành viên Hạ viện đã có mặt ở phòng họp và do vậy không cần biểu quyết ghi danh cụ thể, chỉ cần hô "Có" hoặc "Không". Kết quả, dự luật được thông qua khi đa số các thành viên Hạ viện có mặt hô "Có".

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ, bang California) có một bài phát biểu kéo dài trước khi Hạ viện biểu quyết, mục đích là bà muốn đợi có đủ quá nửa số hạ nghị sĩ có mặt để quá trình biểu quyết diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Bà nói đùa: "Mọi người có mặt càng sớm thì bài phát biểu của tôi sẽ càng ngắn".

Bà Pelosi nhấn mạng rằng "Đây không thể là dự luật cuối cùng của chúng ta" để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Bà đã chỉ ra một số vấn đề ưu tiên như tăng cường phát tiền mặt cho người dân, cho người lao động nghỉ ốm và nghỉ thai sản nhiều hơn và tăng ngân sách cấp cho các bang.

Theo đạo luật vừa được quốc hội thông qua và Tổng thống Trump kí ban hành, người lớn có thu nhập không quá 75.000 USD/năm sẽ được nhận 1.200 USD tiền mặt. Cặp vợ chồng với tổng thu nhập không quá 150.000 USD/năm sẽ được nhận 2.400 USD và 500 USD cho mỗi con nhỏ.

Gói giải cứu cũng bao gồm 117 tỉ USD để hỗ trợ các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế cựu chiến binh; 16 tỉ USD để tăng cường kho dự trữ quốc gia về dược phẩm và trang thiết bị y tế; 500 tỉ USD để cho vay, bảo lãnh các khoản vay, đầu tư vào doanh nghiệp, các bang hay địa phương bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19.

Người thất nghiệp vì COVID-19 sẽ được thêm 600 USD/tuần trong vòng 4 tháng, chưa kể các phúc lợi thông thường như trước đây. Những người làm nghề tự do và theo đơn đặt hàng riêng cũng có thể được hưởng trợ cấp này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.