Thế giới có thể khống chế COVID-19 vào cuối tháng 4, song dịch vẫn có khả năng tái bùng phát vào năm sau
"Trong bối cảnh mọi quốc gia đang áp dụng những biện pháp quyết liệt và hiệu quả, tôi tin dịch COVID-19 có thể được kiểm soát. Dự đoán của tôi là vào khoảng cuối tháng 4", Zhong Nanshan, người đứng đầu nhóm chuyên gia hàng đầu tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về khống chế dịch, bình luận trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thâm Quyến trong chương trình tối 1/4.
Song ông Zhong nói thêm rằng, sau tháng 4, không ai biết chắc liệu COVID-19 sẽ tái bùng phát vào mùa xuân năm tới, hay nó sẽ biến mất với thời tiết nóng hơn, mặc dù hoạt động của nCoV sẽ giảm dần khi nhiệt độ tăng, theo South China Morning Post.
Zhong cũng không tiết lộ cách thức ông đưa ra dự đoán, song nhiều chuyên gia khác cũng dự báo khung thời gian tương tự dựa trên những diễn biến mới nhất ở Mỹ và châu Âu - hai khu vực đang là tâm chấn của cuộc khủng hoảng y tế COVID-19.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định nhiều dấu hiệu cho thấy dịch đang ổn định ở châu Âu khi lệnh giới nghiêm mà các nước thực thi hồi tháng 3 bắt đầu phát huy tác dụng.
Ở Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ thuộc Đại học Washington dự đoán các bệnh viện sẽ tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn nhất vào khoảng ngày 20/4.
Trong số gần một triệu ca nhiễm bệnh trên thế giới, hơn 215.000 ca xảy ra ở Mỹ, theo số liệu mới nhất của Đại học John Hopkins hôm 2/4. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu xác nhận hơn 421.000 người nhiễm COVID-19 ở liên minh châu Âu và Anh, với số lượng bệnh nhân ở Italy, Anh và Tây Ban Nha chiếm gần một nửa.
Quan điểm của Zhong là các chính phủ trên toàn thế giới phải hợp tác với nhau để chống dịch.
"Các quốc gia, bao gồm Mỹ, đã thực thi các biện pháp quyết liệt và hiệu quả. Biện pháp sơ khai và hiệu quả nhất là giữ người dân ở nhà", ông nhận xét.
Một nghiên cứu của Đại học Thực nghiệm London trong tuần này ước tính 11 nước châu Âu đang triển khai biện pháp giãn cách xã hội đã giảm mức độ lây lan của nCoV và ngăn chặn tối da 59.000 ca tử vong.
Mặc dù nhiều người ở Trung Quốc lo ngại nguy cơ lây nhiễm của những người mang nCoV nhưng không có triệu chứng, Zhong tin rằng quá trình theo dõi và các biện pháp cách li mà chính phủ áp dụng ở đại lục có thể ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai.
"Việc xét nghiệm kháng nguyên cùng với chất dịch của người dân trong quá trình cách li 14 ngày cũng sẽ giúp nhân viên y tế phát hiện dễ dàng hơn những người nhiễm nCoV", ông khẳng định.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng, tính tới hôm 1/4, lực lượng y tế đã theo dõi 1.075 người nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng. 1.863 người mới nhiễm đang điều trị trong các bệnh viện, và 701 người trong số họ tới từ nước ngoài.