Hi vọng về vắc xin ngừa COVID-19 tăng nhờ phát hiện hệ miễn dịch của khỉ có thể chống virus, song nỗi lo cũng tăng do virus có thể xâm nhập qua mắt
Giới khoa học khắp hành tinh đang chạy đua với thời gian để điều chế một loại vắc xin ngừa COVID-19 và những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên có thể diễn ra ở Mỹ và Trung Quốc trong vòng một tháng tới.
Song số lượng ca tái nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh và rời khỏi bệnh viện, khiến nhiều người hoài nghi về quá trình điều trị.
Tỉ lệ người tái nhiễm dao động từ 0,1 tới 1% trên phạm vi toàn quốc, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, ở một số tỉnh như Quảng Đông, tới 14% bệnh nhân đã xuất viện đã quay trở lại do dương tính với SARS-CoV-2.
Nếu những bệnh nhân ấy nhiễm bệnh bởi cùng chủng viurs trước đó, vắc xin sẽ trở nên vô hiệu. Song thử nghiệm trên khỉ do nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc có thể xua tan nỗi sợ đó.
Hệ miễn dịch của khỉ vàng có khả năng chống SARS-CoV-2
Giáo sư Qin Chuan, trưởng nhóm nghiên cứu, viết rằng nhóm của ông để 4 con khỉ vàng với chủng SARS-CoV-2 và chúng bắt đầu có triệu chứng ốm 3 ngày sau đó. Chúng lên cơn sốt bắt đầu khó thở, chán ăn và giảm cân, theo báo South China Morning Post.
Vào ngày thứ 7 trong thử nghiệm, Qin gây mê một con khỉ và nhận thấy virus đã lan khắp cơ thể nó - từ mũi tới bàng quang - với những tổn thương rõ rệt trên mô phổi.
Song 3 con khỉ kia phục hồi sức khỏe dần và cuối cùng không còn thể hiện triệu chứng.
Khoảng một tháng sau, khi kết quả xét nghiệm âm tính và phim X-quang cho thấy các cơ quan nội tạng đã hoàn toàn bình phục, nhóm nghiên cứu cho hai con khỉ lây nhiễm virus cqua đường miệng.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy thân nhiệt tạm thời tăng, song ngoài trừ hiện tượng ấy, mọi chỉ số khác đều bình thường.
Hai tuần sau, nhóm nghiên cứu phẫu thuật hai con khỉ, và không thấy bất kì dấu vết nào của virus trong cơ thể chúng.
Ngược lại, họ thấy hàm lượng kháng sinh rất cao sau hai tuần, cho thấy hệ miễn dịch đã sẵn sàng chống bệnh.
"Kết quả có ý nghĩa rất lớn đối với việc đánh giá sự phát triển vắc xin", giáo sư Qin nhận định.
Nhóm nghiên cứu lập luận việc một số bệnh nhân đã khỏi nhưng tái nhiễm virus có thể do những nguyên nhân khác, chứ không phải vì tái nhiễm virus.
"Có thể một nguyên nhân là kết quả xét nghiệm âm tính sai trước khi bệnh nhân rời khởi bệnh viện, hoặc bệnh nhân chưa phục hồi hoàn toàn dù họ đáp ứng các điều kiện để rời bệnh viện", nhóm nghiên cứu bình luận.
Hi vọng về vắc xin chống virus tăng
Thử nghiệm trên khỉ vàng của nhóm giáo sư Qin phù hợp với kết quả quan sát của một số bác sĩ trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch.
Giáo sư Zhong Nanshan, một nhà khoa học hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, từng tuyên bố tại Quảng Châu hồi tuần trước rằng họ phát hiện hàm lượng kháng nguyên lớn trong cơ thể những người khỏi bệnh, nghĩa là virus đã không còn dùng họ làm vật truyền nhiễm.
"Giờ đây, câu hỏi mà mọi người quan tâm là nếu bệnh nhân tái nhiễm virus, liệu những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và các thành viên gia đình có thể lây nhiễm hay không. Đến thời điểm hiện nay, tôi chưa thấy bất kì bằng chứng nào", Zhong phát biểu.
Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng. Từ ngày 5/3, mọi bệnh nhân rời khỏi bệnh viện phải ở trong cơ sở cách li thêm hai tuần nữa.
Một bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong một bệnh viện công ở Bắc Kinh nói rằng thử nghiệm của Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc cung cấp thông tin quí vì khỉ có cấu trúc gene khá gần con người, song ông nhấn mạnh rằng những quá trình diễn ra trên khỉ không luôn luôn xảy ra trên cơ thể người.
Vị bác sĩ nói thêm rằng một trường hợp gần đây ở Nhật Bản đã khiến giới y khoa lo ngại. Giới chức y tế Nhật Bản thông báo một bệnh nhân 70 tuổi từng phục hồi nhưng phải quay lại bệnh viện do có những triệu chứng COVID-19 một lần nữa, như sốt và khó thở.
Giả thuyết virus xâm nhập cơ thể qua mắt
Trong một thử nghiệm khác liên quan tới 3 con khỉ vàng, Qin và các cộng sự cũng thấy bằng chứng về việc con người có thể nhiễm virus qua mắt.
Wang Guangfa, một chuyên gia y khoa cấp cao từ Bức Kinh, nhiễm virus sau một chuyến công tác tới Vũ Hán để điều tra sự bùng phát dịch ở giai đoạn đầu dù ông đeo khẩu trang và các công cụ bảo hộ khác.
Ông nghi virus xâm nhập cơ thể qua hai mắt khi ông lau mồ hôi từ trán, nhưng không có bằng chứng để chứng minh giả thuyết. Sau đó, Wang phục hồi tại nhà riêng ở Bắc Kinh với những triệu chứng khá nhẹ.
Để kiểm chứng giả thuyết virus lây nhiễm qua mắt, Qin và các cộng sự nhỏ dung dịch chứa virus vào mắt của hai con khỉ.
Kì lạ thay, họ không thấy virus trên bề mặt của mắt hai con khỉ trong ngày tiếp theo. Song vài ngày sau, cả hai con đều có kết quả dương tính với virus.
Khi nghiên cứu kĩ hơn, nhóm nhận thấy virus có thể xâm nhập vào màng kết, một mô kết nối phần trong của mi mắt và bao phủ lòng trắng của mắt, rồi di chuyển qua ống tuyến lệ trước khi hiện diện ở phần trên của họng.
Mặc dù vậy, mức viêm nhiễm trong cơ thể nhóm khỉ có vẻ không nặng như các loài động vật khác khi chúng nhiễm virus qua họng.
Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong khi khí hoặc bề mặt kim loại trong nhiều ngày.
Nhóm nghiên cứu viết rằng, phát hiện của họ cho thấy người dân nên chú ý tới việc bảo vệ mắt.
Họ cảnh báo sự lây nhiễm virus có thể được chặn bằng việc rửa tay trong cuộc sống hàng ngày và đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc ở nơi đông đúc, đặc biệt đối với nhân viên y tế.