|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghiên cứu vắc xin ngừa lao từ hơn 100 năm trước để chống COVID-19

17:57 | 30/03/2020
Chia sẻ
Trực khuẩn BCG - loại vắc xin được sử dụng để ngừa bệnh lao, đã bắt đầu thử nghiệm ngẫu nhiên trên 4.000 nhân viên y tế tình nguyện tại Australia để đánh giá liệu nó có tác dụng chống lại virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19 hay không.
Vắc xin ngừa lao 100 năm tuổi là nhân tố tiềm năng để làm lá chắn chống COVID-19 - Ảnh 1.

Trực khuẩn BCG đang là một nhân tố tiềm năng trong cuộc đua sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Trực khuẩn Calmette-Guerin (hay vắc xin lao BCG) đã được sử dụng rộng rãi trong khoảng 100 năm qua vì giá trị ngày càng lớn của hiệu ứng "off-target". Đây là hiệu ứng xảy ra khi các RNA tác động qua lại lẫn nhau làm mất đi khả năng biểu hiện tính trạng trên một gen.

BCG hiện không chỉ là một liệu pháp miễn dịch phổ biến cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu mà loại vắc xin này dường như còn giúp cải thiện hệ miễn dịch tuyến đầu của cơ thể để chống lại nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trong khi vắc xin ngừa COVID-19 cần ít nhất một năm nữa mới có kết quả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc nắm rõ liệu vắc xin BCG có thể làm thuyên giảm bệnh ở những người nhiễm COVID-19 hay không là rất quan trọng.

Cơ quan này đang khuyến khích các tổ chức quốc tế hợp tác với công trình nghiên cứu do ông Nigel Curtis - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em Murdoch (Melbourne), dẫn dắt.

"BCG có thể tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm, nhiều chủng virus và vi khuẩn nói chung", ông Curtis - giáo sư về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Melbourne kiêm trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi khoa Hoàng gia Melbourne, cho hay.

Theo Bloomberg, kể từ ngày 30/3, 4.000 nhân viên y tế tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng tại Australia sẽ được tiêm phòng ngẫu nhiên bệnh cúm mùa và bệnh lao, hoặc chỉ bệnh cúm mùa.

Trong các thử nghiệm thường có một nhóm đối chứng được tiêm một loại thuốc không có tác dụng chữa bệnh nhưng được thông báo là thuốc thật (hiệu ứng placebo). Tuy nhiên thử nghiệm lần này không có nhóm đối chứng vì mũi tiêm BCG thường gây ra phản ứng cục bộ trên da, từ đó để lại sẹo cho thấy rõ cá nhân nào đã được tiêm phòng bằng thuốc thật.

Nghiên cứu ưu tiên thử nghiệm trên đội ngũ nhân viên y tế

Nghiên cứu tương tự cũng đang diễn ra tại Hà Lan. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/3, giáo sư Curtis cho hay ông đang thảo luận với các cơ sở thử nghiệm tiềm năng ở các thành phố khác của Australia cũng như tại Boston, Mỹ.

Vắc xin ngừa bệnh lao BCG hiện được sử dụng để tiêm chủng cho khoảng 130 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới mỗi năm.

Mặc dù loại vắc xin rẻ tiền này có khả năng bảo vệ cho nhiều nhóm cộng đồng rộng lớn hơn, ưu tiên hàng đầu của thử nghiệm vẫn là đội ngũ nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao trong lúc chăm sóc bệnh nhân.

"Chúng tôi cần phải nghĩ ra mọi phương án khả thi để bảo vệ nhân viên y tế", ông Curtis nói. "Đồng thời, chúng tôi cũng cần phải rút ngắn thời gian vắng mặt của các nhân viên y tế đang tham gia thử nghiệm".

Nghiên cứu trên trẻ sơ sinh tại châu Phi cũng chỉ ra rằng vắc xin BCG bảo vệ bệnh nhân khỏi bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng nhi khoa khác.

Giới chuyên gia nhận định vắc xin BCG nhiều khả năng phát huy hiệu quả thông qua việc tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể, đặc biệt là ở các tế bào bạch cầu nhắm vào mầm bệnh lạ trước khi cơ thể sản sinh ra kháng thể vài ngày sau đó.

Các mẫu máu được lấy vào thời điểm bắt đầu và kết thúc thử nghiệm sẽ xác định ai đã nhiễm COVID-19, đồng thời bất kì triệu chứng nào xuất hiện ở các tình nguyện viên trong suốt thời gian thử nghiệm cũng được ghi lại.

Ủy ban giám sát dữ liệu của nghiên cứu sẽ đánh giá kết quả sau ba tháng để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy phương pháp này có hiệu quả.

"Chúng tôi sẽ không khởi xướng nghiên cứu nếu không tin vắc xin BCG có thể mang lại hiệu quả", ông Curtis chia sẻ. "Chúng tôi không thể đảm bảo nghiên cứu sẽ gặt hái thành công. Dĩ nhiên, cách duy nhất để biết chắc là thông qua thử nghiệm".

Khả Nhân