Dự báo GDP Mỹ giảm 30-50%: Ý nghĩa của con số không khủng khiếp như nhiều người tưởng
Theo Bloomberg, tại Mỹ, dữ liệu chính thức về tổng sản phẩm quốc nội được lấy từ báo cáo hàng quí của Cục Thống kê Kinh tế (BEA) là phần trăm thay đổi của GDP so với quí trước, nhưng đã được điều chỉnh để phản ánh thời kì một năm.
Các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) và những tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thường chỉ báo cáo phần trăm GDP thay đổi hàng quí, mà không điều chỉnh cho cả năm.
Cả hai phương thức biểu diễn sự thay đổi của GDP trên đều có ưu điểm riêng. Phiên bản của BEA Mỹ cung cấp cái nhìn nhất quán hơn về tốc độ tăng trưởng của GDP qua hàng quí và hàng năm. Cách tính của các quốc gia khác lại mang đến cái nhìn thực tế hơn về đóng góp của riêng một quí đến tăng trưởng GDP cả năm.
Công thức tính tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ số liệu một quí được tính bằng cách lấy lũy thừa bậc 4 của thương số giữa GDP quí hiện tại và GDP quí trước trừ cho 1, rồi nhân với 100%.
Nhưng trong hầu hết trường hợp, mọi người có thể tính ra đáp án xấp xỉ bằng cách lấy tốc độ tăng trưởng GDP của quí nhân với 4.
Do đó, giả sử Mỹ công bố tốc độ tăng trưởng GDP quí I là 2%, còn Anh thông báo GDP nước này tăng trưởng 0,5% trong cùng kì, thì thực chất, tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước đều bằng nhau.
Dĩ nhiên, các chuyên gia kinh tế đều biết điều này, nhưng có lẽ phần đông độc giả đọc tin tức kinh doanh thì không để ý.
Trong thời kì bình thường, tác dụng chính của những cách tính GDP khác nhau này có lẽ là để mang lại cho người Mỹ cảm giác rằng nước họ có ưu thế kinh tế vượt trội hơn phần còn lại của thế giới.
Dù đúng là trong 10 năm qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia giàu có khác trong khối OECD, nhưng trung bình, mức chênh lệch hàng quí chỉ vào khoảng 0,05%.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cách tính GDP của Mỹ có thể sẽ khiến cho nhiều người tưởng rằng suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 tệ hơn hơn rất nhiều so với thực tế.
Các nhà kinh tế học của Morgan Stanley, Goldman Sachs và quan chức Fed đưa ra dự báo rằng GDP của Mỹ trong quí II sẽ giảm 30%, nhưng đây là con số đã được điều chỉnh để biểu diễn cho kì một năm. Đôi khi các tiêu đề bài báo và tin tức lại diễn giải những con số này theo cách hiểu là GDP sẽ giảm 30% chỉ tính riêng trong một quí.
Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của những con số dự báo này là GDP Mỹ sẽ giảm khoảng 7,5% (30% chia 4) trong quí II. Con số này vẫn thực sự khủng khiếp. Kể cả trong quí tệ nhất của cuộc suy thoái năm 2008-2009, GDP thực chỉ giảm khoảng 2,2%; tính trên cơ sở không điều chỉnh.
Nhưng ở cuộc khủng hoảng đó, GDP của Mỹ cũng giảm trong 4 quí khác, với mức suy giảm từ đỉnh tới đáy là 4%.
Nếu trong năm 2020, kinh tế Mỹ có thể hồi phục trong quí III và quí IV, thì hi vọng rằng GDP toàn năm của Mỹ cũng chỉ giảm 4% không phải là không có cơ sở, dù đây là một mục tiêu rất khó khăn. Ngược lại, trong giai đoạn diễn ra Đại Khủng hoảng, GDP thực của Mỹ lao dốc tới 26%.
Dữ liệu kinh tế thực trong quí II của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 30/7. Báo cáo về GDP quí I sẽ được phát hành vào ngày 29/4, nhưng nó sẽ không thể phản ánh được đầy đủ ảnh hưởng kinh tế của COVID-19, vì phần lớn các lệnh phong tỏa và đóng cửa ở Mỹ chỉ mới bắt đầu từ tháng 3.
Ngoài GDP, nhiều số liệu kinh tế khác – chủ yếu liên quan đến tình hình việc làm, cũng rất được nhiều người quan tâm, ví dụ như tỉ lệ thất nghiệp. Cách thống kê tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tương tự như nhiều nơi khác trên thế giới, được tính bằng cách chia số lượng người thất nghiệp cho tổng số người trong lực lượng lao động, và được biểu diễn dưới dạng phần trăm.
Trong những tuần và tháng kế tiếp, nhiều khả năng những con số này sẽ tăng lên mức kỉ lục, chỉ trong ba tuần qua đã có tới gần 17 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. Đây hoàn toàn không phải là tin tốt. Vậy nên, ít nhất, chúng ta không nên khiến cho tình hình thêm tồi tệ bằng việc nói rằng GDP Mỹ sẽ giảm 30% mà không giải thích ý nghĩa con số rõ ràng.