Tỉ phú Ray Dalio dự đoán khủng hoảng kinh tế vì COVID-19 sẽ còn nguy hại hơn khủng hoảng 2008
Rất nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng sự gián đoạn hoạt động kinh tế và việc đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp, hàng quán trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu.
Nhưng tỉ phú đầu tư Ray Dalio thậm chí còn tiến xa hơn, đưa ra dự đoán rằng thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông Dalio, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch quĩ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, nhận thấy rằng sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế sắp tới giống với các tác động của cuộc Đại Khủng hoảng.
Đại Khủng hoảng được coi là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ, kéo dài từ năm 1929 đến 1933. Trong giai đoạn này, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới đỉnh điểm 25%, trong khi GDP sụt giảm 30%.
"Liệu tôi có nghĩ chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng hay không? Có chứ", ông Dalio trả lời trong chương trình "Ted Connects".
Vị tỉ phú này chỉ ra tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ có khả năng lên tới "hai chữ số", và GDP giảm hơn 10%. Theo ông, các tác động của tỉ lệ thất nghiệp cao và GDP thấp sẽ kéo dài hàng năm trời chứ không phải chỉ vài tháng.
Trong một cuộc suy thoái, sản lượng của nền kinh tế - được biểu thị qua GDP - sụt giảm trong vài quí liên tiếp, và các tác động kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế thường kéo dài trong nhiều năm.
Nhận định về tình trạng thất nghiệp và sự sụt giảm GDP của các nhà kinh tế của JPMorgan thậm chí còn bi quan hơn ông Dalio. Theo báo cáo mới được công bố, các nhà kinh tế của hãng phân tích này dự đoán GDP Mỹ sẽ giảm tới 40% trong quí II, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 20% trong tháng 4, đồng nghĩa với 25 triệu người rơi vào cảnh không có việc làm.
Ông Dalio phát biểu: "Tôi nghĩ chúng ta có thể coi đại dịch COVID-19 và biện pháp giãn cách xã hội (social distancing) là một cơn sóng thần đánh vào nền kinh tế, để lại hậu quả là cảnh tượng đổ nát, hoang tàn".
Tỉ phú Dalio cho rằng "đống đổ nát" là những ảnh hưởng trong dài hạn đến bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp và thu nhập của các cá nhân, vốn đang bị tàn phá "nghiêm trọng" trong trường hợp người lao động bị sa thải.
Dù chưa có ai biết được chính xác đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những tác động dài hạn nào đến nền kinh tế toàn cầu, chỉ tính riêng tại Mỹ, hơn 16 triệu người – tương đương với 10% lực lượng lao động - đã phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong ba tuần vừa qua.
Goldman Sachs dự đoán tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể nhảy vọt lên 15% trong mùa hè 2020, với GDP trong quí II giảm 34%.
Tháng trước, trên chương trình "Squawk Box" của CNBC, ông Dalio ước tính thiệt hại của giới doanh nghiệm Mỹ sẽ lên đến 4.000 tỉ USD. Ông nói thêm sự sụt giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 sẽ khiến cho "rất nhiều người phá sản".
Vị tỉ phú này ước tính tổng thiệt hại trên toàn cầu vào khoảng 12 - 20.000 tỉ USD. Tổn thất này là rất lớn khi so với qui mô nền kinh tế toàn cầu là khoảng 85.000 tỉ USD.
Ông Dalio tuyên bố trong cuộc phỏng vấn: "Cuộc khủng hoảng từ COVID-19 còn lớn hơn cả những gì xảy ra trong năm 2008". Trong khủng hoảng tài chính 2008 và cuộc Đại Suy thoái diễn ra sau đó, GDP Mỹ giảm 4,3%; tỉ lệ thất nghiệp cao nhất là 10%.
Ông Dalio lưu ý cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà ở tại Mỹ, và một chuỗi phá sản của các tổ chức tài chính sử dụng đòn bẩy cao bằng khối nợ khổng lồ.
Kết quả, chính phủ Mỹ đã phải đứng ra can thiệp với gói cứu trợ 700 tỉ USD, ngăn chặn sự sụp đổ của ngành tài chính, tránh gây ra hiệu ứng domino tới phần còn lại của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp đại dịch COVID-19, không chỉ có mỗi các ngân hàng hay một ngành kinh tế là đang phải đương đầu với rắc rối. Có đến hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ đang phải đóng cửa hoặc tăng cường vay nợ để có thể duy trì hoạt động kinh doanh.
"Cuộc khủng hoảng hiện nay phức tạp hơn năm 2008, vì ngoài ngân hàng, còn có rất nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn. Tất cả những doanh nghiệp nhỏ, tất cả những lĩnh vực khác ngoài tài chính đều phải vật lộn với COVID-19".
Ông Dalio cũng lưu ý rằng chính sách tiền tệ của Mỹ bây giờ khác với năm 2008, khi mà Fed có thể cắt giảm mạnh lãi suất để kích thích nền kinh tế đang đi xuống.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, lãi suất vốn đã ở mức khá thấp, do đó ông Dalio cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ "không thể kích thích kinh tế theo cách thông thường".
Ông Dalio tin rằng nền kinh tế sẽ phải mất "một thời gian dài" để quay trở về đỉnh cao trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhưng ông chưa có ước tính cụ thể.
Các ý kiến trái chiều
Tỉ phú Dalio không phải là người duy nhất dự đoán nền kinh tế sẽ rơi vào viễn cảnh xấu nhất trong đại dịch COVID-19. Ông Joe Biden, Ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 nói với CNN rằng việc vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ là "thách thức lớn nhất trong lịch sử hiện đại".
Ông Biden cũng nói rằng thiệt hại do virus corona chủng mới gây ra có thể lớn hơn gấp nhiều lần những gì xảy ra trong cuộc Đại Khủng hoảng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khác tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là độc nhất, vì nó bắt nguồn từ vấn đề y tế - một đại dịch toàn cầu, mà không phải là kết quả của một nền kinh tế bất ổn hoặc năng suất thấp.
Do đó, các chuyên gia này lạc quan hơn, và tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng một khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Bất chấp các dự báo tiêu cực về tình hình kinh tế trong quí II, JPMorgan giữ nguyên quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ hồi phục trong nửa cuối năm, với giả định rằng các gián đoạn trong hoạt động kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ giảm dần vào tháng 6.
Các nhà kinh tế của JPMorgan kì vọng tăng trưởng GDP quí III của Mỹ sẽ đạt 23%, và quí IV là 13%.
Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc phỏng vấn với NBC: "Tôi sẽ chỉ ra điểm khác biệt giữa suy thoái từ COVID-19 và một cuộc suy thoái thông thường: Nền kinh tế của chúng ta hiện nay không có bất kì vấn đề nào về cốt lõi nào cả".
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 9/4, Chủ tịch Powell nhắc lại niềm tin của mình rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục "mạnh mẽ" khi đại dịch kết thúc, nhưng không đưa ra thời điểm chính xác.
Ông Powell nói với CNBC: "Chúng tôi kì vọng rằng khi đại dịch qua đi và mọi người có thể quay lại làm việc an toàn, doanh nghiệp mở cửa trở lại, nền kinh tế sẽ hồi phục khá nhanh".
"Tôi nghĩ hầu hết mọi người kì vọng rằng việc này sẽ diễn ra vào nửa cuối năm, sau khi kết thúc quí II. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc cố gắng đưa ra dự đoán chính xác về thời điểm là điều hợp lí".