Triển vọng hồi phục theo hình chữ V của kinh tế Mỹ ngày càng nhạt nhòa
Khi Mỹ bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa, nhiều chuyên gia kinh tế đã ấp ủ hi vọng rằng một khi yêu cầu giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nền kinh tế số một thế giới sẽ tiếp tục phi mã và tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, viễn cảnh về kịch bản khôi phục kinh tế theo mô hình chữ V - nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại ngay sau khi chạm đáy - đang ngày càng nhạt nhòa.
Hoạt động kinh tế bị đóng băng do các biện pháp chống COVID-19 khiến cho người tiêu dùng ngày càng phải chịu nhiều thiệt hại, doanh nghiệp nhỏ cạn tiền bị đẩy sát bờ vực phá sản, và ngày càng có thêm lo ngại rằng dịch COVID-19 sẽ khó mà sớm được kiểm soát.
Theo CNBC, giờ đây, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thay vì kịch bản hồi phục hình chữ V, nền kinh tế Mỹ có nhiều khả năng sẽ phục hồi theo hình chữ U, chữ L, hay thậm chí là dấu "swoosh" giống logo của Nike.
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen nói với CNBC: "Tôi nghĩ kinh tế Mỹ có khả năng hồi phục theo hình chữ V. Nhưng tôi lo rằng kết quả thực tế sẽ tồi tệ hơn nhiều. Thực sự, tôi nghĩ rằng mọi chuyện phụ thuộc vào việc nền kinh tế sẽ bị tổn hại đến đâu trong thời gian hoạt động kinh tế bị đóng băng như hiện nay".
Theo Financial Times, các quan chức Fed đã thừa nhận rằng Mỹ dường như đang rơi vào suy thoái. Các ước tính về hoạt động kinh tế mới hàng tuần của chi nhánh New York của Fed chỉ ra rằng GDP Mỹ giảm mạnh hơn, và nhanh hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Theo các dự đoán mới nhất của Goldman Sachs, đỉnh điểm của cuộc suy thoái sẽ diễn ra vào quí II/2020, và nhiều khả năng GDP sẽ giảm 11 – 12% so với trước khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Nếu thực tế diễn ra đúng theo ước tính của Goldman Sachs, GDP quí II của Mỹ sẽ giảm 34% so với cùng kì.
Goldman Sachs cũng dự đoán GDP Mỹ sẽ hồi phục rất chậm chạp, và sẽ chỉ bắt kịp tốc độ tăng trưởng của giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào cuối năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ sẽ "bỏ phí" tới hai năm.
Cú đánh vào doanh nghiệp nhỏ
Theo CNBC, các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ rất dễ chịu tổn thương trước sự gián đoạn hoạt động kinh doanh do COVID-19.
Ông Gus Faucher, chuyên gia kinh tế trưởng tại PNC Financial cho biết: "Các biện pháp phong tỏa kéo dài càng lâu thì cấu trúc nền kinh tế càng phải hứng chịu nhiều thiệt hại, và quá trình phục hồi kinh tế sẽ càng yếu ớt".
"Các doanh nghiệp nhỏ sẽ là nạn nhân lớn nhất, vì họ có rất ít nguồn lực dự trữ. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể xoay xở tạo ra đủ doanh thu để hòa vốn. Họ là nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất".
Rủi ro trong thị trường tài chính
Trước khi COVID-19 bùng phát, nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính tại Mỹ đã mạnh tay chấp nhận nhiều rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận.
Giờ đây, cuộc suy thoái có vẻ sẽ có ảnh hưởng nặng tới thị trường tài chính. Theo công ty phân tích Dealogic, trong quí I/2020, doanh thu từ hoạt động mua bán và sáp nhập trên toàn cầu và thị trường Bắc Mỹ đã giảm lần lượt 50% và 19%. Hoạt động huy động vốn qua cổ phiếu giảm khoảng 3%.
Fed đã rất cố gắng để giúp thị trường tài chính hoạt động trơn tru, và kết quả của những nỗ lực này sẽ đóng vai trò lớn trong sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông Eric Schiffer, CEO của công ty đầu tư Patriarch Organization cho rằng ngành tài chính và cả nền kinh tế sẽ gặp khó khăn lớn do những khoản nợ khổng lồ được tích lũy trong quá khứ. Những khoản nợ này sẽ rất khó để giải quyết trong giai đoạn suy thoái.
Ác mộng nợ nần
Giờ đây, ngày càng nhiều nhà phân tích lo lắng rằng rủi ro vỡ nợ và phá sản của các doanh nghiệp Mỹ đang tăng cao, do các công ty buộc phải đẩy mạnh vay nợ để có tiền duy trì hoạt động trong bối cảnh doanh thu cạn kiệt.
Không chỉ tư nhân, các khoản nợ của chính phủ Mỹ cũng đang tăng vọt nhanh chóng sau khi phải bỏ ra hàng nghìn tỉ USD để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp.
Chỉ trong vòng 9 ngày qua, nợ chính phủ Mỹ đã tăng thêm 319 tỉ USD, lên đến 23,8 nghìn tỉ USD. Goldman Sachs ước tính thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ vào khoảng 3,6 nghìn tỉ USD năm 2020 và 2,4 nghìn tỉ USD trong năm 2021, tương đương 17,7% và 11,2% GDP toàn quốc trong hai năm này.
Nếu ước tính trên của Goldman Sachs là đúng, thì theo ông Jeff Klingelhofer, đồng Chủ tịch công ty đầu tư Thornburg Investment Management, nền kinh tế sẽ hồi phục theo hình dấu "swoosh" giống như logo của Nike.
Ông Klingelhofer cho rằng: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ gần giống với một đường ngang, chủ yếu là vì khi thoát khỏi khủng hoảng COVID-19, khoản nợ của nước Mỹ sẽ lên cao kỉ lục. Nền kinh tế sẽ không nhanh chóng trở lại bình thường 100% sau khi dịch bệnh được kiểm soát".
Tuy nhiên, nếu xét theo diễn biến của thị trường chứng khoán ngày 6/4, tương lai của nền kinh tế Mỹ có vẻ tươi sáng hơn nhận định của ông Klingelhofer.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn một chặng đường dài trước khi lấy lại những gì đã mất trong các đợt bán tháo hồi tháng 3. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ vào ngày 6/4 nhờ vào những dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm COVID-19 sắp đạt đỉnh, làm dấy lên hi vọng về viễn cảnh các biện pháp phong tỏa sẽ được dỡ bỏ.
Bà Lindsey Bell, Giám đốc đầu tư tại Ally Invest cho biết "Tôi hơi nghi ngờ về khả năng kinh tế Mỹ hồi phục theo hình chữ V, bất chấp rằng đó là điều nhiều nhà đầu tư đang nghĩ đến, được thể hiện qua sự đi lên của thị trường chứng khoán ngày 6/4".
"Mọi chuyện không thể đơn giản như việc bật một cái công tắc và rồi tất cả mọi người đột ngột quay trở lại làm việc vào tháng 5. Qui trình khởi động lại nền kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn. Dường như các nhà đầu tư đang hơi lạc quan quá mức".