|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bật tăng mạnh mẽ khi đại dịch giảm tốc, liệu chứng khoán Mỹ đã tìm thấy đáy?

15:11 | 07/04/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/4 hồi phục mạnh mẽ sau những dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm COVID-19 sắp đạt đỉnh, làm dấy lên hi vọng về viễn cảnh nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại. Các nhà phân tích hiện đang tranh luận liệu thị trường đã tạo được đáy hay chưa.
Bật tăng mạnh mẽ phiên 6/4, liệu chứng khoán Mỹ đã tìm thấy đáy? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tuyên bố "đã thấy ánh sáng cuối đường hầm" trong cuộc chiến chống COVID-19.. Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/4 hồi phục mạnh mẽ sau một tuần sụt giảm, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đi lên ít nhất 7%.

Các nhà đầu tư Mỹ dần lấy lại tự tin trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Mỹ dường như đang tiến gần đến đỉnh và sẽ phải nới lỏng gọng kìm đối với nền kinh tế.

Ổ dịch lớn nhất thế giới vẫn lóe lên một số tia hi vọng giữa tình cảnh số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 liên tục tăng lên. Các chuyên gia y tế cảnh báo tuần này sẽ là giai đoạn then chốt trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Mỹ và số người chết sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tại một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh như New York, New Orleans và Detroit có thể đang gần đạt đỉnh và sẽ sớm đi xuống.

Các nhà đầu tư đang cảm thấy vững tâm nhờ vào dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca xác nhận nhiễm COVID-19 tại Mỹ có vẻ đã tăng chậm lại, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định xu hướng này sẽ được duy trì.

Lần lượt trong thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy tuần trước, số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng thêm 30.000, 32.100, 33.300 ca. Nhưng vào Chủ Nhật (5/4), số ca nhiễm mới lại sụt giảm còn 28.200 ca. 

Bật tăng mạnh mẽ phiên 6/4, liệu chứng khoán Mỹ đã tìm thấy đáy? - Ảnh 2.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận xét: "Có vẻ rằng cứ mỗi ngày trôi qua, dịch bệnh lại được khống chế tốt hơn. Nước Mỹ vẫn còn phải đi qua một con đường dài trước khi thoát khỏi COVID-19, nhưng dường như một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang dần kiểm soát được virus nguy hiểm này."

"Nước Mỹ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để có thể mở cửa lại hoạt động kinh tế, nhưng chúng ta có hi vọng. Biện pháp phong tỏa dường như đang phát huy tác dụng".

Các nhà đầu tư cũng cảm thấy lạc quan trước những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tại châu Âu đang dần chậm lại. Đức phác thảo kế hoạch để chấm dứt tình trạng phong tỏa, số ca nhiễm mới tại Italy giảm mạnh, số ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha đang trên đà đi xuống.

Tại bang New York - ổ dịch lớn nhất của Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng giảm dần, Thống đốc Andrew Cuomo phát biểu trong cuộc họp báo sáng 6/4 rằng có thể New York đang dần vượt qua đỉnh dịch.

Ngày 5/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố "chúng ta đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm", đồng thời cảnh báo tỉ lệ tử vong tại Mỹ sẽ tiến tới "con số kinh khủng" trong thời gian tới khi số ca tử vong tiếp tục tăng.

Chứng khoán Mỹ đã tìm được đáy?  

Đóng cửa ngày 6/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1.627 điểm lên 22.680 điểm, tương đương tăng 7,7%. Tính từ mức thấp ngày 23/3, Dow Jones đã tăng 24,5%.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 7% lên 2.663 điểm, và hiện cao hơn 21,5% so với mức thấp vào cuối tháng 3. Một số chuyên gia phân tích nhận định chứng khoán Mỹ có thể đã tạo đáy vào cuối tháng 3, nhưng tin rằng thị trường có thể kiểm tra đáy cũ.

Bật tăng mạnh mẽ phiên 6/4, liệu chứng khoán Mỹ đã tìm thấy đáy? - Ảnh 3.

Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Nuveen Asset Management cho biết: "Thị trường chứng khoán có thể đã chạm đáy khi S&P 500 rơi xuống mức 2.192 điểm. Thông thường, giá cổ phiếu chạm đáy 4 hoặc 5 tháng sau khi xảy ra suy thoái. Có lẽ bây giờ chính là thời điểm đó".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền Mỹ đang trải qua một cuộc suy thoái, và GDP quí II sẽ giảm khoảng 30%. Nhưng họ cũng kì vọng nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục mạnh mẽ từ quí III.

Ông Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nói: "Các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với một thử thách mới khi Mỹ bắt đầu hồi phục. Họ sẽ phải chấp nhận sự thật rằng nền kinh tế đã thay đổi, và sẽ không thể mau chóng quay trở lại bình thường ".

"Ít nhất trong hiện tại, thị trường chứng khoán sẽ coi bất kì tin tức tốt nào về virus corona chủng mới là tín hiệu tích cực. Đầu tiên, nhà đầu tư bàn tán về virus này sẽ phát tán trong bao lâu, rồi họ lại bàn luận về thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa. Cuối cùng, tất cả chúng ta sẽ chỉ còn quan tâm đến việc sẽ mất bao lâu để nền kinh tế quay trở lại bình thường".

"Hỏa lực kép" từ các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa cũng đang hỗ trợ cho thị trường, và được kì vọng là sẽ tiếp tục trợ giúp cho nền kinh tế một khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Nuveen Asset Management nói rằng thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn thứ hai trong thị trường gấu, và sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới.

Ông Doll nói với CNBC: "Những gì nhà đầu tư muốn thấy trong các phiên hồi phục và lao dốc sắp tới là cường độ tăng giảm của các chỉ số chính bớt cực đoan, chỉ số biến động CBOE (VIX) giảm đi, và có ít các cổ phiếu rơi xuống đáy một năm hơn.

"Theo tôi, đó chính là những nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán trong tình hình hiện nay, chứ không phải là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp".

Có một sự tương đồng trong phiên hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ ngày đầu tuần 6/4 và 30/3. Trong phiên giao dịch 30/3, chỉ số S&P 500 cũng đi lên mạnh mẽ, tăng 3,4%.

Thị trường chứng khoán tăng điểm trong ngày 30/3 do nhà đầu tư cảm thấy hưng phấn trước triển vọng của các phương pháp điều trị và xét nghiệm mới, và cảm giác rằng chính quyền ông Trump đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được kéo dài thêm một tháng. 

Bật tăng mạnh mẽ phiên 6/4, liệu chứng khoán Mỹ đã tìm thấy đáy? - Ảnh 4.

Nhưng niềm lạc quan của các nhà đầu tư không kéo dài được lâu. Tính chung trong tuần trước, chỉ số S&P 500 mất 2% giữa những lo ngại về thiệt hại kinh tế của biện pháp phong tỏa và các thông tin tiêu cực về tỉ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, sự hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ ngày 6/4 tiếp tục làm dấy lên các cuộc tranh luận rằng liệu thị trường đã tạo đáy hay chưa.

Ông Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group cho biết: "Tôi tin rằng thị trường đã tạo được một đáy vào cuối tháng 3, nhưng tôi không chắc bao giờ thị trường sẽ chạm đến cái đáy thực sự".

Ông Mike Wilson, chuyên gia phân tích cổ phiếu của Morgan Stanley viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: "Chúng tôi không cho rằng thị trường chứng khoán sẽ thực sự kiểm tra đáy, và cũng không nghĩ rằng hiện giờ là giai đoạn khởi đầu của một cuộc khủng hoảng".

Ông Wilson dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 20%. Bất chấp điều này, giá trị của nhiều cổ phiếu vẫn rất hấp dẫn trong thời điểm hiện nay.

Giang