|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cú hích từ các gói kích thích đã qua, chứng khoán Mỹ giờ chỉ tập trung vào diễn biến COVID-19

06:39 | 05/04/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia chứng khoán, mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư trong tuần tới là diễn biến của COVID-19, thông tin về các loại thuốc hay vắc xin để chống dịch, và hoạt động của các doanh nghiệp sẽ còn bị gián đoạn đến bao giờ. Số người thất nghiệp và giá dầu cũng có thể gây ảnh hưởng đến biến động của thị trường.
Cú hích từ các gói kích thích đã qua, chứng khoán Mỹ giờ chỉ tập trung vào diễn biến COVID-19 - Ảnh 1.

Tòa nhà Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Anadolu Agency

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ tuần sau (6-10/4) sẽ bước vào khoảng thời gian tạm yên ả trước mùa công bố kết quả kinh doanh. Nhưng trái ngược với thông thường, giờ đây những tin tức có khả năng khuấy đảo thị trường nhất lại là diễn biến của tình hình đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia nhận định mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư lúc này là COVID-19 đang lây lan nhanh đến đâu, những loại thuốc hay vắc xin nào có thể chống dịch bệnh, và sẽ mất bao lâu để Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.

Bà Lori Calvasina, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) nhận xét: "Tôi nghĩ với tình hình hiện nay, nhà đầu tư chỉ có thể quan sát và chờ đợi. Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy giảm. Nếu chúng ta nhìn lại những phiên thị trường hồi phục mạnh mẽ cuối tháng 3, thì phần lớn đó là kết quả của phản ứng nhà đầu tư trước động thái của Fed và gói cứu trợ kinh tế của chính phủ".

"Thị trường đã phản ứng tích cực trước những chính sách trên, nhưng những tin tức này cũng cũ rồi. Tôi nghĩ Fed đã làm tốt, họ đã có được lòng tin của nhà đầu tư… Bây giờ, điều mà chúng ta cần là số ca nhiễm mới COVID-19 ở Mỹ giảm".

Thông tin về giá dầu cũng có thể là một nhân tố tác động trong tuần tới. OPEC và Nga sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào ngày 6/4 để đàm phán cắt giảm sản lượng. Hôm 2/4, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) nhảy vọt 24% sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã nói chuyện với Nga và Saudi Arabia, và cho biết cả hai bên đều đạt được một thỏa thuận giảm sản lượng 10-15 triệu thùng/ngày.

Phiên cuối tuần 3/4 đánh dấu tuần giảm điểm thứ 3 của thị trường chứng khoán Mỹ trong 4 tuần gần đây. Thị trường đón nhận nhiều thông tin tiêu cực như số lượng người thất nghiệp tăng vọt, nhiều nhà đầu tư lo ngại về thời gian doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,7%; 2,1% và 1,7%.

Triển vọng tình hình việc làm

Theo CNBC, hôm 29/3, Tổng thống Trump tuyên bố gia hạn hướng dẫn cách li xã hội trên toàn nước quốc đến ngày 30/4 trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng vọt.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 28/3 đã có 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được nộp, cao gấp đôi mức 3,3 triệu đơn xin trợ cấp của tuần kết thúc ngày 21/3.

Tổng cộng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong hai tuần vừa qua lên đến 10 triệu đơn. Trong tuần tới, dữ liệu có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục là số đơn xin trợ cấp được công bố ngày 9/4.

Cú hích từ các gói kích thích đã qua, chứng khoán Mỹ giờ chỉ tập trung vào diễn biến COVID-19 - Ảnh 2.

Biến động thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây.

Nhà kinh tế Jesse Edgerton của J.P. Morgan nhận xét: "Chúng tôi dự kiến trong tuần kết thúc ngày 4/4 sẽ có thêm 7 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới. Nhưng dĩ nhiên con số thực tế có thể sẽ khác biệt đáng kể với dự báo này, thậm chí có khả năng số liệu được công bố sẽ thấp hơn nhiều".

Báo cáo tâm lí người tiêu dùng sẽ được công bố vào ngày 9/4, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng được báo cáo vào ngày tiếp theo.

Ông Mike Swell, Giám đốc quản lí danh mục đầu tư toàn cầu của Goldman Sachs Asset Management cho biết: "Tôi không tin rằng nhà đầu tư sẽ thu được nhiều thông tin chỉ từ một loại dữ liệu. Thế giới cần mở cửa hoạt động trở lại. Các nền kinh tế toàn cầu cần nối lại hoạt động để chúng ta có thể nắm được tác động của đại dịch này đến việc làm sẽ lớn đến đâu".

"Hiện tại, mối quan tâm lớn của ban lãnh đạo các doanh nghiệp là nên tiết kiệm chi phí tài sản cố định đến bao nhiêu, và cần phải hạn chế thuê thêm nhân viên đến mức nào".

Fed đã công bố biên bản cuộc họp ngày 1/4.  Ông Swell nói: "Lịch trình của các cuộc họp không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng bây giờ là diễn biến của dịch bệnh, mức độ suy giảm của nền kinh tế và hoạt động của thị trường vốn".

"Tất cả những điều trên sẽ quyết định những gì Fed sẽ làm tiếp theo, và Fed sẽ hành động vào thời điểm cần thiết".

Trong những tuần vừa qua, Fed đã liên tục bơm thêm thanh khoản cho thị trường. Danh mục tài sản của cơ quan này đã đạt mức cao chưa từng thấy sau khi liên tục mua vào trái phiếu Kho bạc và chứng khoán có thế chấp.

Ông Swell nhận xét rằng các chương trình của Fed đang giúp các thị trường mà cơ quan này nhắm đến, bao gồm nợ doanh nghiệp, chứng khoán có thế chấp và thương phiếu.

Kết quả kinh doanh

Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí I của doanh nghiệp Mỹ sẽ bắt đầu sau một tuần nữa. Từ bây giờ cho đến khoảng thời gian đó, có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp quyết định không đưa ra dự báo kết quả hoạt động trong tương lai.

Bà Calvasina, Giám đốc đầu tư tại RBC nói: "Chúng ta đều đã nhận ra rằng các lệnh cách li và phong tỏa sẽ kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, và điều này sẽ khiến doanh số suy giảm mạnh."

"Giờ đây doanh nghiệp lại chỉ báo cáo các dữ liệu trong quá khứ, và không nói thêm cho chúng ta biết bất kì điều gì… họ không đưa ra dự báo cho kết quả kinh doanh của chính bản thân trong tương lai. Điều này còn tệ hơn việc họ tự hạ thấp mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Liệu nhà đầu tư chúng ta không thể có được chút phương hướng nào về tình hình tương lai hay sao?"

Theo Refinitiv, các nhà phân tích dự kiến lợi nhuận của doanh nghiệp trong quí I sẽ giảm khoảng 5,5%.

Vị Giám đốc đầu tư này cho biết bà kì vọng thị trường sẽ kiểm tra đáy cũ thiết lập vào ngày 23/3, một phần là vì dường như nhà đầu tư vẫn chưa đủ tiêu cực. Bà Calvasina nói rằng có vẻ nhà đầu tư vẫn chưa tính đến các dự báo ảm đạm mới nhất của các nhà kinh tế rằng GDP quí II có thể giảm hơn 30%.

Cú hích từ các gói kích thích đã qua, chứng khoán Mỹ giờ chỉ tập trung vào diễn biến COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: CNBC

Bà Calvasin cho rằng thị trường vẫn chưa chạm đáy thực sự, chỉ ra rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thị trường chứng khoán đã lao dốc 49%. Nếu tính theo con số này, chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống mức 1.727 điểm.

Khảo sát khách hàng của riêng bà Calvasin cho thấy rằng nhà đầu tư vẫn duy trì nhận định tiêu cực về thị trường trong 6-12 tháng tiếp theo.

Bà Calvasin nhận định: "Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang suy nghĩ thận trọng. Họ thích những gì Fed đã làm. Dường như một bộ phận nhà đầu tư đánh giá rằng thiệt hại thực sự của COVID-19 đến nền kinh tế sẽ chỉ tập trung xảy ra trong quí II, và rằng chúng sẽ được kiềm chế cả về mức độ lẫn thời gian".

Giang