|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau thông tin tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt

07:08 | 04/04/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần 3/4 đồng loạt đi xuống giữa những thông tin tiêu cực như số người chết vì COVID-19 ở New York lên cao đột biến và tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, cho thấy những thiệt hại ghê gớm của đại dịch với nước Mỹ.
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau thông tin tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt - Ảnh 1.

Biến động thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 361 điểm, hay 1,7%, đóng cửa ở 21.053 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm 1,5%.

Đây là tuần giảm điểm thứ 3 của thị trường chứng khoán Mỹ trong 4 tuần gần đây. Tính chung một tuần qua, Dow Jones mất 2,7% trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,1% và 1,7%.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 3/4 cho biết số người chết vì COVID-19 tại bang này tăng thêm 562 người trong 24h qua – mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Ông nói thêm rằng đường biểu diễn số ca xác nhận nhiễm "tiếp tục đi lên" và cho biết hiện đã có hơn 100.000 ca dương tính ở New York.

Ông Brian Nick, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lí tài sản Nuveen nhận định: "Có vẻ như chúng ta đang ngày càng đi sâu vào một đường hầm tối tăm chứ không phải đang đi ra ngoài. Tôi thấy ánh sáng ở sau lưng nhưng không thấy có gì le lói ở phía trước".

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện nay nước Mỹ đã ghi nhận 276.000 ca dương tính với COVID-19, dẫn đầu thế giới và cao gấp 2,5 lần quốc gia đứng thứ hai là Italy. Mỹ cũng đã có hơn 7.000 người tử vong vì đại dịch này.

Trên toàn thế giới, số người xác nhận nhiễm và tử vong vì COVID-19 lần lượt là 1,1 triệu và 58.800.

Trong một diễn biến khác, ngày 3/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 3 nền kinh tế nước này mất đi 701.000 việc làm phi nông nghiệp, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Tỉ lệ thất nghiệp do vậy mà tăng vọt từ 3,5% trong tháng 2 lên 4,4% trong tháng 3.

Chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau thông tin tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt - Ảnh 2.

Hơn 700.000 người mất việc làm khiến tỉ lệ thất nghiệp vọt lên 4,4%.

Theo CNBC, số liệu này của Bộ Lao động vẫn chưa thể hiện đầy đủ thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra. Trong tuần kết thúc ngày 21/3, Mỹ ghi nhận số đơn xin trợ cấp thất nghiệp kỉ lục là 3,3 triệu. Trong tuần 28/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại tăng gấp đôi lên kỉ lục mới 6,6 triệu. Như vậy trong hai tuần đã có 10 triệu người Mỹ xin hỗ trợ của chính phủ vì mất việc làm.

Kỉ lục trước đó là 695.000 đơn xin trợ cấp một tuần vào năm 1982 và 665.000 đơn một tuần vào cuộc Đại Suy thoái 2009.

"Báo cáo việc làm hôm nay chỉ xác nhận điều mà chúng ta đã biết: Nền kinh tế Mỹ vận hành tốt trước khi COVID-19 ập đến và khi nó ập đến, thiệt hại nó gây ra là vô cùng ghê gớm", ông Lauren Goodwin – Chiến lược gia danh mục đầu tư tại công ty quản lí quĩ New York Life Investments nhận định.

"Tình trạng mất việc làm sẽ còn tăng lên khi các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc được thắt chặt và gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế", ông Lauren Goodwin nói thêm.

Các cổ phiếu American Express, UnitedHealth và IBM cùng giảm hơn 3%, dẫn đầu đà lao dốc của Dow Jones. Walmart đi ngược thị trường với mức tăng 0,7% sau thông tin doanh số của đại gia bán lẻ này tăng 20% trong tháng qua.

Nhóm cổ phiếu tài chính và tiện ích diễn biến tiêu cực nhất chỉ số S&P 500 với mức giảm lần lượt 2,3% và 3,6%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đầu phiên diễn biến tích cực khi giá dầu thô tăng 12% sau khi ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử. Hôm 2/4, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) nhảy vọt 24% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Putin và Thái tử Arab Saudi bin Salman.

Ông Trump tuyên bố Nga và Arab Saudi có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu khoảng 10-15 triệu thùng mỗi ngày. Hôm 2/4, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng tăng hơn 2%.

Tính từ đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2 đến nay, Dow Jones và S&P 500 đều đã giảm khoảng hơn 26%.

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.