|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WHO cảnh báo: Chỉ đeo khẩu trang là không đủ để ngăn COVID-19

10:34 | 09/04/2020
Chia sẻ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng khẩu trang có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh nhưng bản thân nó là không đủ để bảo vệ con người – kể cả những người khỏe mạnh – khỏi những bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.
WHO cảnh báo: Chỉ đeo khẩu trang là không đủ để ngăn COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang khi đi siêu thị mua sắm trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Song Ngọc.

Tờ The Guardian dẫn lời Giáo sư David Heymann – Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học và kĩ thuật của WHO về nguy cơ truyền nhiễm cho biết ngoại trừ những người làm việc trong môi trường y tế, việc đeo khẩu trang chủ yếu là "để bảo vệ người khác, không phải để tự bảo vệ người đeo".

Ủy ban của Giáo sư David Heymann công nhận rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể được lan truyền bởi những người chưa có triệu chứng, tuy nhiên cần phải thông qua các giọt nhỏ hoặc các bề mặt có virus. Các biện pháp phòng bệnh như giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên có thể giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm này.

Theo khuyến cáo mới đây của WHO, những người có triệu chiếu giống với COVID-19 cần đeo khẩu trang, tự cách li và liên hệ với cơ quan y tế sớm nhất có thể. Những người chăm sóc cho người có triệu chứng COVID-19 cần luôn đeo khẩu trang khi ở chung một phòng.

Giáo sư Heymann cho rằng khẩu trang có thể tạo ra một cảm giác an toàn giả tạo, khiến cho người dân có rủi ro nhiễm bệnh lớn hơn. Kể cả khi mũi và miệng được che kín, virus vẫn có thể vào cơ thể người thông qua mắt.

"Nhiều người nghĩ rằng mình đã được hoàn toàn bảo vệ nhưng thực ra thì không", Giáo sư Heymann nói. "Các nhân viên y tế không chỉ đeo khẩu trang mà còn đeo tấm che mặt để ngăn lây nhiễm qua đường mắt".

Một điểm đáng lo ngại khác là nhiều người có thể khiến bản thân mình nhiễm bệnh khi đưa tay lên mặt để điều chỉnh, đeo hoặc gỡ bở khẩu trang. Vì vậy mà WHO đã khuyến cáo người dân không chạm tay vào mặt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Ông William Keevil  - Giáo sư y tế môi trường tại Đại học Southampton cho rằng các chính phủ muốn tỏ vẻ mình đang làm được điều gì đó nên đã đưa ra một số chính sách gây lãng phí thời gian và nguồn lực.

"Khẩu trang vải và những khẩu trang phẫu thuật chất lượng kém sẽ không thể lọc được những giọt hô hấp siêu nhỏ và chắc chắn không lọc được khí dung – một nguồn có nguy cơ lây bệnh", giáo sư Keevil nói. "Câu hỏi lớn cần được trả lời lúc này là: Thế còn bảo vệ mắt thì sao? Mắt đã được xác định chắc chắn là một con đường lây bệnh hô hấp".

Tiến sĩ Elaine Shuo Feng – một chuyên gia dịch tễ tại Đại học Oxford ủng hộ chính sách của Mỹ về khẩu trang và cho rằng nên khuyến khích những người có khả năng từng tiếp xúc với SARS-CoV-2 hoặc có sức khỏe yếu đeo khẩu trang khi ra ngoài.

"Những người có rủi ro cao như người già, người có bệnh mãn tính nên đeo khẩu trang nếu buộc phải tới những nơi đông người bởi những đối tượng này có rủi ro diễn biến nặng cao nhất nếu nhiễm bệnh", Tiến sĩ Feng nói.

Song Ngọc