|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hải quan Mỹ bắt đầu tịch thu găng tay, khẩu trang xuất khẩu giữa lúc nguồn cung trong nước khan hiếm

08:33 | 09/04/2020
Chia sẻ
Theo một tuyên bố chung của Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) và Cơ quan Quản lí Khẩn cấp Liên bang (FEMA), CBP sẽ bắt đầu tịch thu thiết bị bảo hộ cá nhân xuất khẩu hiện đang rất khan hiếm do đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp nước Mỹ.

Theo CNBC, các thiết bị bảo hộ cá nhân nằm trong diện bị tịch thu gồm khẩu trang N95, mặt nạ làm sạch không khí, khẩu trang y tế, găng tay y tế và các loại khẩu trang khác. Sau đó, FEMA sẽ quyết định sản phẩm nào sẽ được trả về thị trường Mỹ, được chính phủ Mỹ mua lại hoặc xuất khẩu.

Chính sách mới nêu trên tuân theo chỉ thị từ Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn việc tuồn vật tư y tế quan trọng ra thị trường nước ngoài.

Hải quan Mỹ bắt đầu tịch thu găng tay, khẩu trang xuất khẩu giữa lúc nguồn cung trong nước khan hiếm - Ảnh 1.

CBP sẽ bắt đầu tịch thu thiết bị bảo hộ cá nhân xuất khẩu hiện đang rất khan hiếm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp nước Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Vào ngày 3/4, ông Trump đã ban hành một bản ghi nhớ liên quan đến phân bổ các nguồn vật tư y tế khan hiếm để sử dụng trong nước và chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa, FEMA và Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để duy trì nguồn cung vật tư y tế quan trọng ở Mỹ.

Mỹ đang trải qua tình trạng thiết hụt trầm trọng thiết bị và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan. Nhiều bệnh viện phải xây dựng trang web để xin quyên góp khẩu trang, còn các chuyên gia y tế buộc phải sử dụng thiết bị hết hạn.

Tuần trước, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết thành phố đang cần 3,3 triệu khẩu trang N95 và 400 máy thở. Thành phố New York hiện đang là điểm nóng về đại dịch với 4.571 ca tử vong, theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins tính đến sáng ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam).

Các thống đốc bang trên khắp nước Mỹ đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của chính quyền liên bang trước đại dịch, cho rằng việc thiếu chuẩn bị và thiếu vật tư y tế đã khiến các bang phải cạnh tranh mua thiết bị như hiện nay.

Thống đốc bang New York cho biết cuộc chiến tìm mua vật tư y tế đã góp phần thổi giá lên cao, khiến giá khẩu trang tăng từ 0,85 USD lên 7 USD.

Trong khi đó, các công ty đã chuyển đổi dây chuyền để sản xuất các thiết bị y tế quan trọng giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm, ngay cả khi họ không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Apple và Nike đang dốc sức chế tạo tấm che mặt, trong khi Ford và General Electric (GE) có kế hoạch sản xuất 50.000 máy thở trong 100 ngày.

Hôm 2/4, ông Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tiếp tục huy động sự giúp đỡ từ các hãng chế tạo. Ông chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh tạo điều kiện cung cấp vật liệu sản xuất máy thở cho 6 công ty gồm GE, Hill-Rom Holdings, Medtronic, Resmed, Royal Philips N.V và Vyaire Medical.

Trong một tuyên bố, ông Trump nói: "Tôi rất biết ơn 6 hãng này cùng nhiều nhà sản xuất nội địa khác vì đã tăng cường sản lượng máy thở trong giai đoạn khó khăn này".

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins tính đến sáng ngày 9/4 (giờ Việt Nam), Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới 430.376 ca nhiễm COVID-19 (chiếm gần 30% tổng số ca nhiễm trên thế giới) và 14.739 ca tử vong.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.