|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quá thiếu vật tư y tế, bang New York phải mua với giá cao gấp 5-10 lần bình thường

17:37 | 06/04/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát gây ra tình trạng thiếu hụt thiết bị và vật tư y tế nghiêm trọng, bang New York đang phải trả những mức giá cao gấp nhiều lần thông thường. Các qui định cấm nâng giá trục lợi hầu như không có tác dụng gì.

Bang New York đang phải trả đến 20 xu cho một đôi găng tay mà thường có giá chưa đến 5 xu và chi 7,5 USD cho mỗi chiếc khẩu trang, gấp gần 15 lần so với thông thường.

Ngoài ra, bang này còn trả đến 2.795 USD cho bơm truyền dịch - nhiều hơn gấp đôi so với bình thường, và 248.841 USD cho máy chụp X quang cầm tay (dùng để kiểm tra mức độ tổn thương ở phổi của bệnh nhân) thường được bán với giá 30.000 - 80.000 USD.

Số liệu nêu trên, được cung cấp bởi các quan chức địa phương, cho thấy tình trạng thiếu hụt các thiết bị y tế quan trọng đang đẩy giá sản phẩm lên cao như thế nào.

Tuyệt vọng, bang New York sẵn sàng chi gấp 15 lần bình thường cho thiết bị y tế - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế gục đầu mệt mỏi bên ngoài Trung tâm Bệnh viện Brooklyn, New York hôm 1/4. (Ảnh: Getty Images)

Khi luật pháp không thể can thiệp

Buộc phải thu mua sản phẩm nằm ngoài các nhà cung ứng và hợp đồng quen thuộc, nhiều tiểu bang và thành phố tại Mỹ đang phải nai lưng chi trả cho máy móc và vật tư y tế "đắt cắt cổ" trên thị trường giao ngay thường được quyết định bởi qui luật cung - cầu.

Theo trang ProPublica, mặc dù Giám đốc Sở Tư pháp bang New York Letitia James đã lên án hành vi chặt chém giá và yêu cầu thương nhân ngừng bán nước rửa tay cùng thuốc xịt khử trùng cao vượt mức bình thường, luật không áp dụng cho các đơn hàng của chính quyền bang.

Do không nhận được hướng dẫn rõ ràng từ chính quyền Tổng thống Trump, cuộc cạnh tranh giữa các bang, thành phố, bệnh viện và cơ quan liên bang đang góp phần "thổi giá" thiết bị và vật tư y tế. Chính quyền bang New York ước tính họ sẽ tiêu tốn 15 tỉ USD cho thiết bị y tế và mất doanh thu từ các hoạt động kinh doanh trong đại dịch.

Cuộc cạnh tranh trên còn dấy lên lo ngại rằng các cơ sở không dư giả ngân sách như phòng khám y tế ở khu vực nông thôn không thể mua được thiết bị cần thiết.

Là tâm dịch COVID-19 của nước Mỹ, chiếm khoảng 40% tổng số ca bệnh, bang New York đang tuyệt vọng vì khan hiếm thiết bị y tế, bất kể sẵn sàng trả giá cao đến đâu.

"Chúng tôi biết New York, các tiểu bang khác và thậm chí là nhiều nước khác trên thế giới đang chen chân vào thị trường cùng lúc, đấu giá cùng các mặt hàng. Cuộc cạnh tranh này rõ ràng đang gây ra sự biến động về giá", phát ngôn viên văn phòng ngân sách bang New York Freeman Klopott cho hay.

Văn phòng Dịch vụ Tổng hợp (OGS) - cơ quan mua sắm thiết bị chính của bang New York, từ chối cho biết công ty nào đang thổi giá thiết bị y tế thiết yếu.

"Tại thời điểm này, đội ngũ nhân viên của bang đang tập trung mua sắm hàng hóa và dịch vụ cần thiết dựa theo điều kiện hiện tại trên thị trường", phát ngôn viên Heather Groll của OGS thông tin.

"Sau này, khi đại dịch đã chấm dứt, chúng tôi sẽ nhìn lại và thu thập thông tin về vấn đề", ông Groll nhấn mạnh.

Dù bị chắt chém, New York và nhiều nơi khác phải chấp nhận giữ im lặng

Theo ProPublica, bang New York không phải chính quyền địa phương duy nhất chấp nhận trả giá đắt cắt cổ và giữ im lặng về công ty thổi giá hàng hóa.

Phát biểu trước báo giới tuần trước, ông Sylvester Turner - Thị trưởng thành phố Houston (Texas), cho biết ông đã ủy quyền trả 4 USD/khẩu trang N95, tuy nhiên thành phố vẫn không mua được hàng.

Bà Mary Benton - phát ngôn viên của ông Turner, cho hay mức giá như vậy là rất bình thường nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

"Điều mà Thị trưởng Turner đề cập không phải là một sự cố riêng lẻ mà là vấn đề chung khi nhu cầu khẩu trang y tế khan tăng đột biến như hiện nay", ProPublica dẫn lời bà Benton nói.

"Trong bối cảnh thành phố Houston đang khẩn cấp đối phó với đại dịch cũng như với nhu cầu khẩu trang và vật tư y tế khác, ở thời điểm này chúng tôi không nhận thấy cần phải công khai tên các thành phố hay công ty có liên quan", bà Benton nhấn mạnh.

Tuyệt vọng, bang New York sẵn sàng chi gấp 15 lần bình thường cho thiết bị y tế - Ảnh 3.

Giá khẩu trang N95 tăng đến mức nhiều tiểu bang, thành phố và cơ quan không thể mua nổi. (Ảnh minh họa: Reuters)

Mức giá như trên là quá sức đối với lực lượng Cảnh sát Bờ biển Mỹ. Hôm 17/3, cơ quan này đã đặt 1 triệu khẩu trang N95 với giá 5 USD/chiếc, sau đó giảm đơn hàng xuống còn 200.000 chiếc rồi sau đó hủy đơn, theo dữ liệu mua sắm liên bang và các cuộc phỏng vấn với nhà thầu trung gian Clean Harbors.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thường phàn nàn về việc phải cạnh tranh với các tiểu bang và Cơ quan Quản lí Khẩn cấp Liên bang (FEMA) để mua thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở.

Cứ như tôi đang ở trên eBay cùng 50 bang khác tranh giành một chiếc máy thở. Sau đó, FEMA chen chân vào và bắt đầu đấu giá. Cuối cùng, FEMA đưa ra giá cao nhất. Do vậy, chính FEMA đang đẩy giá máy thở lên cao. Thật là chẳng ra sao cả.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo phát biểu trước báo giới hôm 31/3.

Phát ngôn viên của FEMA cho biết, "nếu phát sinh xung đột trong quá trình đấu thầu, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với bang New York để giải quyết vấn đề theo hướng có lợi nhất cho người dân".

Thông thường, bang New York mua nhiều loại vật tư y tế từ một danh sách nhà phân phối đã được phê duyệt với mức giá định sẵn.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi tình thế. Bang New York đã mời bất cứ ai có nguồn cung vật tư y tế đến bán cho chính quyền, điều đó có nghĩa là các nhà cung ứng tiềm năng có thể bán với giá nào cũng được miễn là thị trường gồng gánh nổi.

Hackensack - nhà cung ứng mới được phê duyệt của bang New York, cung cấp găng tay cao su với giá 3,5 xu/chiếc và khẩu trang y tế đơn giản với giá 3 xu/chiếc. Tuy nhiên CEO Joe Kastner cho biết gần đây ông đã bán hết hàng.

Nếu chính quyền bang New York muốn đặt hàng, ông Kastner có thể buộc phải nâng giá. Hackensack thu mua một số sản phẩm từ các công ty Trung Quốc, số doanh nghiệp này đã hạn chế xuất khẩu khi đại dịch leo thang ở đất nước tỉ dân nhưng hiện đã nối lại việc xuất khẩu vật tư y tế đến Mỹ, với mức giá cao hơn.

Ông Kastner nói: "Trong một số trường hợp, giá sản phẩm tăng 15 - 20 lần so với bình thường".

Vai trò định hướng của chính quyền liên bang ở đâu?

New York phải tiêu tốn nhiều tiền cho thiết bị y tế còn vì một lí do khác: Các nhà phân phối lớn cấp quốc gia của Mỹ ngần ngại cung ứng thiết bị đến các bang có nhiều ca nhiễm COVID-19.

Vì lo ngại bị cáo buộc thiên vị hoặc thậm chí là thông đồng, và để ngăn chặn hành vi tích trữ thiết bị, các hãng này phân bổ thiết bị y tế dựa theo lịch sử mua hàng trước đây của các bang. Họ cho rằng chính phủ liên bang nên giúp điều chỉnh hạn ngạch phân bổ thiết bị dựa theo nhu cầu của từng bang.

"Chỉ chính phủ liên bang mới có dữ liệu và thẩm quyền để định hướng chiến lược cho chuỗi cung ứng và hệ thống y tế", Chủ tịch Matthew Rowan của Hiệp hội Nhà phân phối Ngành Y tế viết thư gửi đến FEMA hồi tuần trước.

Nếu không có sự can thiệp của chính phủ liên bang, các tiểu bang và bệnh viện chỉ có thể trở nên dễ bị tổn hại hơn trước những hạch sách của nhà môi giới và đầu cơ bên ngoài chuỗi cung ứng bình thường, ông Chaun Powell - Phó Chủ tịch tại công ty tư vấn y tế Premier, nhận định.

"Càng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19, bệnh viện lại càng tiêu tốn nhiều khẩu trang y tế hơn", ông Powell nói. "Bệnh viện đang tuyệt vọng vì dùng hết vật tư y tế quá nhanh, do vậy họ sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần".

Yên Khê