|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch bệnh tạm lắng, các nhà máy Trung Quốc muốn hoạt động trở lại nhưng đang thiếu một mắt xích quan trọng

10:17 | 06/04/2020
Chia sẻ
Sau khi tạm kiểm soát đại dịch COVID-19, ngành chế tạo Trung Quốc đang dốc sức mở cửa trở lại. Tuy nhiên, một châu Phi nghèo khó đang oằn mình chống đại dịch lại là yếu tố có thể khiến các nhà máy ở Trung Quốc chùn bước.

Vào một ngày làm việc bình thường, hàng trăm người đàn ông mặc quần yếm, mang thiết bị bảo hộ và đèn pin đeo đầu sẽ tập hợp tại các khu hầm mỏ của Nam Phi. Họ chen chân vào thang máy chật hẹp, đi xuống dưới lòng đất hàng cây số để đào vàng, platinum hoặc quặng trong cái nóng như đổ lửa và độ ẩm cao.

Sau hàng giờ lao động cật lực, họ trở lại mặt đất để tắm rửa trong các khu tập trung và nhiều người cùng chia sẻ bữa ăn lẫn giường ngủ trong các nhà nghỉ chật chội.

Tuy nhiên, nhịp lao động thường nhật như vậy nay đã không còn.

Châu Phi xa xôi nhưng có vai trò quyết định với ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc

Vào ngày 26/3, Nam Phi đã áp lệnh phong tỏa kéo dài ba tuần nhằm chống lại đại dịch COVID-19, buộc hàng triệu người dân phải ở yên trong nhà và phần lớn hoạt động kinh doanh đều phải đóng cửa, bao gồm cả việc khai khoáng.

Nhà máy ở Trung Quốc muốn hoạt động trở lại nhưng nào có dễ  - Ảnh 1.

Binh lính Nam Phi kiểm tra nhà dân nhằm thực thi lệnh phong tỏa tại Johannesburg hôm 2/4. (Ảnh: AFP)

Theo Bloomberg, hoạt động khai khoáng tại Nam Phi là mắt xích đầu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp vật liệu cho các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc cũng như hàng loạt nhà máy chế tạo ô tô ở Detroit (Mỹ), Turin (Italy) hay Tokyo (Nhật Bản) và cuối cùng "dừng chân" trong các cửa hàng và showroom trên khắp thế giới.

Ngay cả khi châu Á dần mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa, các nhà máy trong khu vực lại có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do đại dịch đã lây lan đến các quốc gia sản xuất nguyên liệu thô quan trọng.

Không ở khu vực nào mà vấn đề lại đáng lo ngại hơn châu Phi - nơi cung cấp kim loại và khoáng sản cần thiết cho mọi sản phẩm công nghiệp, đồng thời cũng là nơi mà các nước vốn phụ thuộc nặng nề vào thương mại với Trung Quốc phải chịu thiệt hại khi giá hàng hóa giảm sâu.

Mặc dù số ca nhiễm được xác nhận trên khắp châu Phi còn khá thấp so với các khu vực khác trên thế giới (khoảng 7.000 ca trên lục địa 1,3 tỉ dân), thì giãn cách xã hội lại là một thứ xa xỉ mà châu Phi khó có thể đáp ứng.

Hầu hết các chính phủ trong khu vực đều thiếu nguồn lực cần thiết để thực thi hiệu quả các biện pháp chống dịch, và hệ thống y tế có nguy cơ quá tải nếu đại dịch lan đến các khu ổ chuột đông dân của châu Phi.

"Đối với châu Phi, tình thế có lẽ còn hiểm nghèo hơn cả tưởng tượng của mọi người", ông Auret van Heerden - CEO công ty tư vấn chuỗi cung ứng Equiception (có trụ sở tại Geneva), nhận định.

"Họ đã vượt qua dịch Ebola, đối phó được với bệnh sốt rét và bệnh lao, nhưng tôi không nghĩ họ có đủ nguồn lực để chống lại đại dịch lây lan nhanh như COVID-19", ông nói thêm.

Các mỏ khai khoáng châu Phi chuyên sản xuất nguyên liệu thô cho nhiều nhà máy trên toàn cầu đang chuẩn bị cho đợt tấn công của đại dịch COVID-19.

Tại Nam Phi, Kumba Iron Ore - hãng khai thác quặng sắt lớn nhất châu lục, và Anglo American Platinum cùng Sibanye Stillwater - hai trong số các nhà cung ứng platinum lớn nhất thế giới, đã giảm phần lớn sản lượng. Các mỏ chrome và mangan (dùng để luyện thép) hầu như đều đã đóng cửa.

Nhà máy ở Trung Quốc muốn hoạt động trở lại nhưng nào có dễ  - Ảnh 2.

Nhà máy chế biến của Kumba Iron Ore ở Nam Phi. (Ảnh: Bloomberg)

Tại Luabala - một tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Congo đồng thời là nhà cung ứng đồng và coban (hai vật liệu chế tạo pin sạc) lớn, các mỏ vẫn mở nhưng lực lượng lao động chỉ giới hạn ở các công nhân quan trọng nhằm giảm rủi ro lây nhiễm bệnh.

Tenke Fungurume, một khu mỏ thuộc sở hữu của công ty China Molybdenum, đã bị phong tỏa, khoảng 2.000 người được yêu cầu ở yên tại chỗ và tránh "tiếp xúc với thế giới bên ngoài", Bloomberg dẫn bản thông báo nội bộ cho biết.

Ngay cả các cơ sở tiếp tục hoạt động vẫn gặp rủi ro gián đoạn trong quá trình phân phối hàng hóa ra thị trường. Dù trong trạng thái tốt nhất, mạng lưới giao thông của châu Phi vẫn phân mảnh và vận hành kém hiệu quả, còn các cảng biển và dịch vụ hải quan hoạt động rất chậm chạp.

Hàng hóa ứ đọng kéo dài vì lệnh phong tỏa, giới nghiêm

Hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Phi đều đã đóng cửa biên giới và nhiều nơi còn hạn chế di chuyển trong nước hoặc ban bố lệnh phong tỏa.

Mặc dù hàng hóa thường không bị ràng buộc bởi lệnh hạn chế di chuyển, việc tăng cường kiểm soát an ninh, đảm bảo vệ sinh và lượng nhân công tại các cảng biển cũng như đường sắt giảm đều đe dọa gây ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.

Ví dụ, hầu hết đồng và coban từ các mỏ khai khoáng ở Congo thường được vận chuyển bằng xe tải qua Zambia và sau đó đến các cảng ở Nam Phi và Tanzania. Mặc dù xe tải chuyển hàng vẫn có thể đi qua Zambia, loạt biện pháp đảm bảo vệ sinh mới khiến dòng xe cộ ùn tắc, nối đuôi nhau dài đến hơn 40 km ở biên giới.

Theo ông Dennis Ombok - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Vận tải Kenya, giờ giới nghiêm từ lúc hoàng hôn đến bình minh của nước này khiến hàng hóa ứ đọng tại cảng biển, đẩy cước phí vận chuyển tăng gần 1/3.

"Phải mất đến ba ngày để được thông quan tại biên giới giữa Kenya và Uganda", ông Ombok nói. "Cảnh sát địa phương cần phải giảm bớt thủ tục. Chúng tôi đang vận chuyển thực phẩm và nguyên liệu thô, chúng rất thiết yếu mà".

Tại Nam Phi, Durban là cảng biển nhộn nhịp nhất ở khu vực châu Phi hạ Sahara và thường phục vụ hai quốc gia không giáp biển Zambia và Zimbabwe. Cảng Durban hiện chỉ tiếp nhận các lô hàng thiết yếu, trong khi cảnh sát đã dừng tất cả các xe tải chở hàng khác vài ngày qua.

Vào ngày 2/4, các bên đã hành động để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng Durban. Trong bối cảnh khó đoán biết được tình huống, First Quantum Minerals (chiếm khoảng một nửa sản lượng đồng ở Zambia) cho biết họ đã bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa thay thế.

Nhà máy ở Trung Quốc muốn hoạt động trở lại nhưng nào có dễ  - Ảnh 3.

Tại ngã giao chính giữa Zambia và Congo, hơn 1.000 xe tải chở thực phẩm, thiết bị và vật tư cho các mỏ đã phải xếp hàng chờ từ tuần trước sau khi lệnh phong tỏa một phần có hiệu lực.

Hiện tại, Zambia đã thuyết phục thành công chính phủ Mozambique cho phép xe tải chở nhiên liệu từ cảng Beira rời khỏi Mozambique sau một thời gian bị ách lại ở biên giới.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phân tán mạnh mẽ như hiện nay, các mỏ khai khoáng tại châu Phi có nguy cơ thiếu hụt một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng và cần thiết để tiếp tục hoạt động vì nhà cung ứng trên khắp thế giới đã giảm sản lượng, chẳng hạn axit sulfuric là thành phần quan trọng để chế biến đồng.

Cả Zambia và Naminbia - hai nhà xuất khẩu đồng và uranium sang Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt hóa chất quan trọng cho các mỏ khai khoáng của họ.

Yên Khê