|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19 bùng phát ở Mỹ: Tổng thống Trump trấn an, chuyên gia dưới quyền cảnh báo rủi ro thêm nghiêm trọng

09:19 | 10/03/2020
Chia sẻ
Sau khi thị trường tài chính Mỹ lao dốc vào đầu phiên 9/3 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã đăng tweet trấn an về diễn biến dịch COVID-19, tuy nhiên các quan chức cấp cao của ông đều đưa ra cảnh báo ngược lại. Và đây không phải lần duy nhất quan điểm của ông Trump và quan chức cấp dưới đối lập như vậy.

Đối lập chan chát trong bình luận của ông Trump và quan chức Nhà Trắng

Trong bối cảnh thị trường tài chính lao dốc trong phiên giao dịch sáng 9/3 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Alex Azar cho hay chính quyền Tổng thống Trump đang tích cực ứng phó với "mối đe dọa sức khỏe cộng đồng cực kì nghiêm trọng" mà dịch virus corona (COVID-19) gây ra.

Chia sẻ với kênh Fox News, ông Azar nói: "Không có ai đang cố giảm thiểu rủi ro của dịch COVID-19".

6 phút sau, ông Trump đã làm điều đó. Trong một nội dung đăng tải lên Twitter khi đang trên đường đến Orlando (bang Florida) để gây quĩ tranh cử, ông Trump cho biết số ca tử vong do cúm mùa tại Mỹ cho đến nay đã vượt xa số ca tử vong vì nhiễm COVID-19.

Năm ngoái, nước Mỹ có 37.000 ca tử vong vì cúm mùa. Bình quân 27.000 - 70.000 ca/năm. Không hoạt động nào đình trệ, cuộc sống và nền kinh tế vẫn tiếp diễn. Tại thời điểm này, Mỹ chỉ có 546 ca dương tính với virus corona và 22 ca tử vong. Hãy nghĩ xem!

Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Theo Bloomberg, dịch COVID-19 đang đẩy các chuyên gia y tế và khoa học của ông Trump vào thế khó xử khi phải phản bác những tuyên bố của Tổng thống một cách thận trọng nhưng cũng phải thật rõ ràng, có căn cứ khoa học về rủi ro của dịch bệnh. Nhiều người dân Mỹ được khuyến cáo phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Trong quá khứ, các trợ lí dám đi chệch hướng với ông Trump quá nhiều hoặc bày tỏ mối lo ngại về thái độ khoe khoang và bạo miệng của ông - thứ mà ông Trump xem là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán quan trọng, thường sẽ bị sa thải khỏi chính quyền.

Tuy nhiên, với việc nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, các thành viên trong nhóm chuyên trách của ông Trump phải chấp nhận tình cảnh đối nghịch với quan điểm "đừng lo lắng" của ông trước dịch bệnh.

Trong tuần qua, ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho hay virus corona có thể không biến mất khi thời tiết ấm hơn như ông Trump từng dự đoán.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC hồi cuối tuần qua, ông Fauci cũng gửi lời khuyên cứng rắn đến những người dân Mỹ lớn tuổi và dễ mắc bệnh, cho hay họ "không nên tập trung đông người, không đi du lịch dài ngày và trên hết, không lên một chuyến du thuyền nào".

Phó Tổng thống Mike Pence, một trong những đồng minh trung thành nhất của ông Trump, đã cố làm rõ khẳng định của ông chủ Nhà Trắng rằng tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 thấp hơn 1%. Ông Pence cho hay dữ liệu mới sắp được công bố.

Tuyên bố của Tổng thống Trump về dịch COVID-19 thường đối lập chan chát với nhận định của các chuyên gia dưới trướng - Ảnh 2.

Ông Trump trong chuyến công tác tại CDC ở Atlanta. (Ảnh: AP)

Các thông điệp đối lập chan chát từ nhóm chuyên trách và ông Trump có thể giúp lí giải tại sao bình luận lạc quan của ông không thể chặn được phiên bán tháo lịch sử trên thị trường tài chính. Người dân Mỹ cũng không ngừng hủy bỏ các chuyến du lịch và mua tích trữ hàng hóa từ các cửa hàng.

Trong phiên giao dịch sáng 9/3 (theo giờ Mỹ), chỉ số S&P 500 mất 7,6%, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2008. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên giảm gần 2.014 điểm, tương đương 7,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008.

Căng thẳng giữa ông Trump và các quan chức y tế cộng đồng Mỹ đã thể hiện rõ từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 lan đến nước Mỹ.

Vào ngày 25/2, ông Trump chia sẻ với báo giới khi đang trên đường đến Ấn Độ rằng dịch COVID-19 "đang được kiểm soát rất tốt tại Mỹ" và nước Mỹ "đang trong tình trạng ổn định".

"Cho đến nay, có thể nói chúng tôi đang rất may mắn. Và tôi nghĩ trong tương lai cũng sẽ may mắn như vậy", ông Trump nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, các quan chức y tế liên bang Mỹ đã cảnh báo rằng sự lây lan của dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi và khuyến nghị doanh nghiệp nên sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà cũng như cân nhắc hủy bỏ các cuộc họp và hội thảo.

"Tình hình có thể xấu đi"

"Câu hỏi quan trọng lúc này không phải là dịch bệnh có bùng phát hay không mà vấn đề chỉ là khi nào sẽ bùng phát", bà Nancy Messonnier - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng và Bệnh hô hấp Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho hay hôm 25/2.

"Chúng tôi đang yêu cầu người dân Mỹ hợp tác để chuẩn bị cho kịch bản tình hình có thể xấu đi", bà Messonnier nhấn mạnh.

Dự đoán bi quan trên đã khiến thị trường tài chính rung chuyển, và ông Trump phải dành nguyên chuyến bay kéo dài gần một ngày từ Ấn Độ để khắc chế cuộc khủng hoảng có thể gây đe dọa đến nhiệm kì tổng thống của ông.

Khi trở về Mỹ, ông Trump một lần nữa cố gắng làm dịu lại mối đe dọa do dịch COVID-19 gây ra, cho rằng ông không tin sự lây lan của dịch là "không thể tránh khỏi".

"Chúng tôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh", ông Trump nói. "Chúng tôi thực sự đã làm rất tốt".

Nhiều tuần sau đó, Tổng thống Trump đã ra sức trấn an người dân Mỹ rằng dịch bệnh không có gì quá đáng sợ, ngay cả khi các quan chức y tế hàng đầu của ông đã lên tiếng cảnh báo.

Các đối thủ chính trị của ông Trump đã đưa ra một số thông điệp trái chiều, trong đó ứng viên tiềm năng hàng đầu Đảng Dân chủ Joe Biden hôm 9/3 cho hay ông mong ông Trump sẽ "im lặng" và "để chuyên gia nói chuyện".

"Không ai tin tưởng vào Tổng thống Trump, vào bất kì điều gì ông ta nói hoặc làm", cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói.

"Ông Trump biến mọi thứ thành những gì ông ta nghĩ là có lợi cho min về mặt chính trị...Nhưng có nhiều người ngoài cuộc vô tội đang bị tổn hại nặng nề", ông Biden chia sẻ với đài MSNBC.

Yên Khê

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.