Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 12 năm, Dow Jones sụt hơn 2.000 điểm giữa cú sốc kép từ giá dầu và COVID-19
Kết phiên 9/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 2.014 điểm, tương đương 7,79% và đóng cửa ở 23.851 điểm. Toàn bộ 30 cổ phiếu thành phần đều chìm trong sắc đỏ. Những cái tên lớn như Boeing, Apple, Goldman Sachs và Caterpillar – mỗi cổ phiếu đều kéo tụt Dow Jones hơn 100 điểm.
Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên giảm sâu nhất của Dow Jones kể từ ngày 15/10/2008 khi chỉ số này sụt 7,87%. Tính theo số điểm, đây là phiên lao dốc mạnh nhất của Dow Jones trong lịch sử hơn 100 năm của chỉ số này.
Chỉ số S&P 500 cũng sụt gần 226 điểm, tương đương 7,6% trong phiên 9/3, giảm mạnh nhất là các cổ phiếu ngành tài chính và năng lượng. Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên sụt giảm sâu nhất của S&P 500 kể từ ngày 1/12/2008.
Các tên tuổi trong ngành năng lượng như Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil đều lao dốc trên 20%. Nhóm cổ phiếu tài chính giảm hơn 10%, đại gia ngân hàng JP Morgan Chase mất 13,6% phiên 9/3.
Chỉ số Nasdaq kết phiên cũng giảm 7,29% và đóng cửa ở dưới ngưỡng 8.000 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo trong hoảng loạn đã đẩy các chỉ số giảm quá ngưỡng 7% ngay từ đầu phiên 9/3, khiến thị trường phải tạm ngừng giao dịch 15 phút để các nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh và có thời gian để hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sau khi giao dịch trở lại, thị trường hồi phục nhẹ, Dow Jones có lúc thu hẹp mức giảm còn khoảng 1.300 điểm tuy nhiên về cuối phiên đà lao dốc lại nới rộng lên thành hơn 2.000 điểm.
Trong tuần trước thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua nhiều biến động mạnh, chỉ số S&P 500 gần đây đã có 4 phiên liên tiếp tăng hoặc giảm trên 2,5%.
Giữa những lo ngại về việc dịch COVID-19 sẽ làm đứt gãy nguồn cung và đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái, các nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi cổ phiếu để chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng.
Phiên 9/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0,5%, thậm chí có lúc chỉ còn 0,318%. Lợi suất kì hạn 30 năm cũng xuống dưới ngưỡng 1%. Lợi suất và giá trái phiếu luôn biến động ngược chiều, lợi suất đi xuống đồng nghĩa với giá trái phiếu đi lên.
Một loại tài sản an toàn khác là vàng chứng kiến giá tăng vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce và lên đỉnh cao nhất kể từ tháng 12/2012. Trái lại, giá kim loại đồng xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm gần đây.
Giá đồng thường được coi là một chỉ báo về sức khỏe của nền kinh tế vì khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhu cầu sử dụng đồng cho xây dựng và sản xuất thiết bị sẽ tăng cao; ngược lại, khi hoạt động kinh tế trì trệ, giá đồng sẽ sa sút.
Tâm lí lo lắng của nhà đầu tư phiên 9/3 chủ yếu đến từ cuộc chiến giá dầu giữa Nga và OPEC, đặc biệt là vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia.
Cuối tuần qua, các bên đã không thể đạt được thống nhất về đề xuất đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu để hỗ trợ giá, thậm chí không thể thống nhất gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đang áp dụng hiện tại. Khi thỏa thuận hết hiệu lực vào tháng 4, các nước sẽ "mạnh ai nấy bán" dẫn tới dư thừa nguồn cung.
Vốn dĩ thị trường dầu mỏ hai tháng gần đây đã xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu vì hoạt động kinh tế trì trệ do các biện pháp cách li, phong tỏa để chống dịch COVID-19.
Sau khi có thêm tin đàm phán OPEC và Nga đổ vỡ, giá dầu lập tức lao dốc 31% ngay trong vài giây đầu tiên của phiên giao dịch 9/3. Giá dầu thô WTI còn 28 USD/thùng, dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế còn 32 USD/thùng. Đây là phiên giảm sâu nhất của giá dầu kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh gần 30 năm về trước.
Một số nhà phân tích còn dự báo giá dầu có thể sẽ chỉ còn 20 USD/thùng.
Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán tháo mạnh do lợi suất xuống thấp sẽ tác động tiêu cực tới biên lợi nhuận của các nhà băng, còn giá dầu giảm sẽ khiến các công ty năng lượng mất khả năng trả nợ. Cổ phiếu các đại gia JP Morgan Chase, Citigroup và Bank of America đều sụt trên 13% trong phiên 9/3.
Qua trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng giá xăng dầu xuống thấp là "tốt cho người tiêu dùng". Ông cũng đổ lỗi cho giới truyền thông và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi là nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Thế giới hiện nay đã ghi nhận trên 111.000 ca dương tính với trên 3.800 ca tử vong. Tại Mỹ, số ca nhiễm cũng đang tăng nhanh và tính đến ngày 9/3, ba bang New York, California và Oregon đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.
Tuần trước hôm 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản để hạn chế tác động kinh tế tiêu cực của dịch COVID-19. Hôm 9/3, Fed chi nhánh New York thông báo sẽ nâng nguồn vốn cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ 100 tỉ USD lên 150 tỉ USD để giúp các nhà băng đảm bảo nguồn vốn hoạt động.
Sau khi thị trường đóng cửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với báo chí rằng ông đang xem xét việc hạ thuế bảng lương (payroll tax) và các biện pháp hỗ trợ tài chính khác để giúp nền kinh tế ứng phó với nguy cơ suy thoái vì dịch COVID-19.
"Chúng ta đã, đang và sẽ chăm lo cho người dân và nền kinh tế Mỹ", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết chính phủ của ông sẽ làm việc với các hãng hàng không và du thuyền - những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất do người dân sợ đi du lịch trong thời dịch bệnh.
Thị trường phái sinh Mỹ phản ứng tích cực sau các thông tin trên, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones tăng hơn 350 điểm, cho thấy các nhà đầu tư đang dự báo chỉ số cơ sở sẽ tăng khoảng 400 điểm khi thị trường mở cửa trở lại.