|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHTW thị trường mới nổi và thế 'tiến thoái lưỡng nan' trước cú lao dốc của giá dầu

10:32 | 10/03/2020
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho biết ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi đang phải đối mặt với những quyết định tiến thoái lưỡng nan về chính sách khi cú sốc kép về giá dầu xảy ra (giảm nhu cầu dầu mỏ cùng với sự gia tăng nguồn cung).
NHTW thị trường mới nổi và thế 'tiến thoái lưỡng nan' trước cú lao dốc của giá dầu - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: CNBC).

CNBC dẫn lời nhận định của một nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm giá dầu đã ảnh hưởng đến các đồng tiền của thị trường mới nổi và ngân hàng trung ương (NHTW) của các nước này hiện đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải về chính sách: làm sao để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

"Ngân hàng trung ương trên khắp các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với xu hướng bán tháo mạnh mẽ đồng tiền của họ và mặt khác là sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng kinh tế", ông Ced Ced Chehab, người đứng đầu bộ phận Rủi ro quốc gia và Chiến lược toàn cầu tại Fitch Solutions, nói với CNBC.

Do đó, họ phải đối mặt với những quyết định tiến thoái lưỡng nan về chính sách kiểu như:  Có nên cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng hay tăng lãi suất để hỗ trợ tiền tệ?

Giá dầu đã giảm xuống khoảng 30 USD/thùng vào thứ Hai (9/3) sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thất bại trong việc đạt được thỏa thuận với các đồng minh - bao gồm Nga - để cắt giảm sản lượng trong tuần trước.

Arab Saudi - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã giảm giá trong tháng 4 và có kế hoạch tăng sản lượng trên 10 triệu thùng mỗi ngày vào tháng tới, theo Reuters. Vương quốc này hiện đang bơm khoảng 9,7 triệu thùng mỗi ngày, nhưng sản lượng sắp tới có khả năng tăng vọt lên tới 12,5 triệu thùng mỗi ngày.

Theo ông Chehab, diễn biến trên thị trường dầu mỏ đã làm tổn hại đến các loại tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi có sự tiếp xúc lớn với dầu mỏ như Mexico và Nga cũng như những nước có tài khoản vãng lai và tài khoản hiện tại như Indonesia.

Hôm thứ Hai, đồng đô la Mỹ (USD) đã tăng hơn 6% so với đồng rup của Nga, hơn 4% so với đồng peso của Mexico và gần 1% so với đồng rupiah của Indonesia.

Cú sốc kép trong thị trường dầu

Sự yếu kém trong thị trường dầu mỏ và các đồng tiền của thị trường mới nổi xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang "ốm đi" bởi sự lây lan của dịch bệnh do virus corona gây ra (COVID-19).

Một số ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất để làm dịu cú sốc kinh tế từ virus corona và nhiều NHTW khác dự kiến sẽ theo sau. Sự bùng phát virus cũng đã làm tổn thương nhu cầu về dầu.

Sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ cùng với sự gia tăng nguồn cung dự kiến là cú sốc kép đối với thị trường dầu, theo Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData.

Chuyên gia này cũng cho biết rằng có vẻ như chúng ta sẽ không nhận được những tin tức tốt hơn trừ khi việc giá giảm này sẽ kéo Nga và Saudi quay trở lại bàn đàm phán. 

Một số nhà phân tích nói thêm rằng giá dầu thấp hơn có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ dự trữ. Nhưng Vishnu Varathan, người đứng đầu ngành kinh tế và chiến lược tại Mizuho, cảnh báo rằng giá dầu thấp không phải là liều thuốc chữa bách bệnh trước tất cả những thách thức của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ví dụ tại thị trường Ấn Độ, ông chỉ ra rằng giá dầu giảm sẽ dẫn đến đồng rupee tăng giá và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, nhưng xu hướng tương tự sẽ không xảy ra vào thời điểm này khi mọi người lo ngại về cú sốc cầu. 

"Tất cả mọi thứ xung quanh đều rất tệ", ông nói với CNBC

Đồng đô la Mỹ gần như không thay đổi so với đồng rupee của Ấn Độ. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Ấn Độ Sensex và Nifty 50 đã giảm gần 4% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai.

Diệp Bình