Giá dầu thô nhảy múa, tăng gần 10% chỉ trong vòng 'một nốt nhạc'
Đầu phiên giao dịch sáng nay (10/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô tăng mạnh trở lại sau cú lao dốc hơn 20% vào cuối phiên giao dịch hôm qua.
Theo đó, tại thời điểm 7h44 phút (giờ Việt Nam) giá dầu WTI tăng 3,6% kên 32,3 USD/thùng, theo số liệu của Investing.com. Giá dầu Brent tăng 7% lên 35,8 USD/thùng.
Đà tăng vẫn chưa dừng khi chỉ ít phút sau đó, tại thời điểm 8h10, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 9,4% và 6% lên lần lượt 36,6 USD/thùng và 33 USD/thùng.
Trước đó, cuối phiên giao dịch hôm 9/3, giá dầu thô giảm mạnh tới 20% do căng thẳng giữa Nga và Arab Saudi leo thang khiến thị trường lo ngại sẽ nổ ra cuộc chiến về giá giữa hai cường quốc dầu mỏ này.
Với đợt giảm này, cả dầu Brent và WTI chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 và là đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1991. Khối lượng giao dịch ở phiên trước cũng đạt ngưỡng kỉ lục.
Đà bán tháo bắt đầu từ cuối tuần trước sau khi OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) thất bại trong việc nâng hạn mức giảm sản lượng khai thác dầu thô. Điều này khiến Arab Saudi bất ngờ hạ giá bán và chuẩn bị tăng sản lượng lên trên 10 triệu thùng/ngày.
Mới đây, ngân hàng Goldman giảm dự báo giá dầu Brent trong quí II và III xuống còn 30 USD/thùng và thậm chí có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng.
OPEC và các nước đồng minh thất bại trong việc giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm. Tuy nhiên Nga đã từ chối điều này. Bên cạnh đó, các nước cũng chưa đưa ra được phương hướng tiêp theo đối với thỏa thuận giảm sản lượng. Điều đó đồng nghĩa các nước sẽ tự do khai thác với sản lượng tùy ý.
Mặc dù tăng vào đầu sáng nay, giới phân tích không kì vọng giá dầu thô có thể sớm phục hồi hoàn toàn từ mức giảm 25% do dịch virus corona lan mạnh khiến nhu cầu xăng dầu giảm sút.
“Giá dầu thô hiếm khi giảm xuống dưới giá thành. Tuy nhiên, với việc thị trường dự đoán tồn kho tăng trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi cho rằng giá dầu khó lòng phục hồi từ đợt lao dốc vừa qua”, chuyên gia phân tích Bernstein Energy nhận định
Ngoài Arab Saudi, Nga cũng cho biết có thể nâng sản lượng nhằm đối phó với tình trạng giá dầu thấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu dầu thô trong năm 2020 có thể giảm 90.000 thùng/ngày so với năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên nhu cầu giảm kể từ năm 2009.