|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cú lao dốc 30% của giá dầu thô: Bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần

14:48 | 09/03/2020
Chia sẻ
Sau cú lao dốc 30% của giá dầu thô đầu phiên sáng nay, giới chuyên gia cho rằng việc Arab Saudi hạ giá đồng thời đánh trúng khách hàng mục tiêu của Nga có thể chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần.

Giá dầu thô có thể giảm xuống khoảng 20 USD/thùng

Giá dầu thô lao dốc tới 30% trong đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai (9/3) sau khi Arab Saudi hạ giá bán mặt hàng này cho các khách hàng của mình, theo CNBC

Đồng thời, nước này chuẩn bị tăng sản lượng như một động thái đáp trả việc Nga không đồng ý nâng hạn mức trong thỏa thuận giảm sản lượng khai thác.

Theo chuyên gia  phân tích John Kilduff đến từ công ty Again Capital: “Động thái này được coi như một hành động tiêu thổ của Arab Saudi sau nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề dư cung kéo dài dai dẳng”.

Giá dầu Brent sáng nay giao dịch ở mức 33,8 USD/thùng, giảm gần 50% tính từ đầu năm tới nay, giá dầu WTI giao dịch ở mức 30,72 USD/thùng, giảm 33% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991.

“Mức giá 20 USD/thùng đang đến gần”, chuyên gia Ali Khedery, cựu cố vấn của công ty Exxon khu vực Trung Đông hiện đang làm CEO của công ty Dragoman Ventures chia sẻ trên trang Twitter cá nhân của mình. 

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô giảm tới 48% trong năm nay và Arab Saudi tuyên bố giảm giá bán cho các khách hàng của mình đối với lô hàng giao trong tháng 4.

Bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần

Theo tờ The Sydney Morning Herald, giới chuyên gia nhận định rằng việc Arab Saudi hạ giá đồng thời đánh trúng khách hàng mục tiêu của Nga có thể chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần. 

Cú lao dốc 30% của giá dầu thô: Bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần - Ảnh 1.

Cuộc đua xuất khẩu dầu thô của 3 ông lớn Arab Saudi, Nga và Mỹ. Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

Theo tờ Financial Times, Arab Saudi sẽ nâng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và đưa ra tuyên bố chưa từng có trong lịch sử:  giảm giá gần 20% tại các thị trường chính nhằm trừng phạt Nga vì đã từ chối nâng hạn mức giảm sản lượng khai tác. 

Bên cạnh đó, việc này còn nhằm siết chặt ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ và các quốc gia khai thác dầu thô khác có chi phí sản xuất cao.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đánh giá rằng giá dầu thô sẽ còn giảm hơn nữa. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô tiếp tục giảm, thị trường sẽ mất ổn định trong khi nhiều nền kinh tế đã chịu tác động mạnh trước sự dịch bệnh virus corona. 

Thị trường tài chính đang gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi virus corona. Việc giá dầu giảm sẽ càng đặt gánh nặng lên nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các công ty dầu khí. 

Các chuyên gia nhận định nếu giá dầu thô vẫn giữ ở mức bằng hoặc thậm chí thấp hơn hiên tại trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến làn sóng phá sản nhiều công ty năng lượng trên thế giới trong khi tình hình xã hội tại các nước khai thác dầu thô như Iran, Iraq, Venezuela và Angola vẫn chưa ổn định.

OPEC và các nước ngoài đồng minh (OPEC+) đã duy trì thỏa thuận giảm sản lượng khai thác kể từ năm 2017 đến nay nằm thắt chặt nguồn cung trên thị trường đồng thời đẩy giá dầu thô lên. 

Việc cắt giảm này cũng là phản ứng trước cuộc “tấn công” của nền công nghiệp sản xuất dầu đá phiến của Mỹ phát triển nở rộ bắt đầu từ năm 2014 đã khiến thị trường dư thừa nguồn cung. 

Cú lao dốc 30% của giá dầu thô: Bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần - Ảnh 2.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong giai đoạn 2010 - 2019 và triển vọng đến năm 2024. Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

Giá dầu thô khi đó đã rơi từ 100 USD/thùng xuống chỉ còn 40 USD/thùng, tạo áp lực cho Arab Saudi cũng như OPEC.

Arab Saudi muốn tăng lượng dầu thô cắt giảm trong bản thỏa thuận giữa các nước OPEC+ và kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm nay, tuy nhiên Nga lại từ chối điều này. 

Nga tỏ ra ngày càng lo lắng trước tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ lên ngành năng lượng của nước này. Quyết định từ thỏa thuận giảm sản lượng của Nga cho thấy họ tin rằng ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ hiện tại dễ bị tổn thương hơn so với thời điểm năm 2014.

Nhu cầu dầu thô cũng giảm trong bối cảnh dịch virus corona lan mạnh khiến hoạt động giao thông bị hạn chế. Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với lượng 3 triệu thùng/ngày, cũng đang ghi nhận mức độ tiêu thụ giảm 20%. Đây cũng là yếu tố lớn càng khiến giá dầu thô giảm trong năm nay.

Với tốc độ lan truyền của virus corona nhanh như hiện nay, giới chuyên gia phân tích cho rằng khả năng dầu thô giảm xuống khoảng 20 USD/thùng. Đây là mức giá đã được ghi nhận vào những năm 2000 - thời điểm bong bóng dotcom tan vỡ.

Nhìn ở một khía cạnh tích cực hơn, theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz việc giá dầu thô giảm giúp chi phí nhiên liệu cho các ngành khác giảm theo. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trên thế giới vẫn giảm nên ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp khác là điều không thể tránh khỏi. 

H.Mĩ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.