|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Cuộc chiến ngành dầu mỏ thực sự diễn ra khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng

22:04 | 08/03/2020
Chia sẻ
Sau khi Nga ra quyết định từ chối lời đề xuất cắt giảm sản lượng sâu hơn nhằm cải thiện nhu cầu bị tác động do virus corona, thị trường biến động mạnh và chỉ riêng phiên thứ Sáu (6/3), giá dầu đã giảm tới 10%. Giới chuyên gia cảnh báo thị trường nên chuẩn bị sẵn tâm lí do đợt giảm mạnh trong tuần tới.
Giá xăng dầu tuần tới: Cuộc chiến ngành dầu mỏ thực sự diễn ra khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Trước cuộc họp vào ngày 6/3, có suy đoán rằng OPEC + có thể đồng ý cắt giảm tới 1,5 triệu thùng/ngày với Saudi đảm đương khối lượng 1 triệu thùng/ngày và phần còn lại là của Nga. OPEC + còn đề xuất một thỏa thuận riêng để giảm tới 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 3.

Tuy nhiên, OPEC +, gồm Nga và các nước thành viên chính thức khác, sau cuộc hội đàm tại Vienna hôm thứ Sáu (6/3) đưa ra tuyên bố sẽ tiếp tục tham vấn để ổn định thị trường dầu mỏ, theo Investing.com.

Giá dầu giảm 10% vào ngày 6/3, một trong những đợt sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay, khiến giá dầu thô của Mỹ chạm đáy 4 năm do Nga từ chối ủng hộ Arab Saudi và các đồng minh khác trong việc cắt giảm sản lượng sâu hơn để bù đắp cho nhu cầu bị ảnh hưởng do virus corona.

Giá dầu WTI giảm 4,62 USD, tương đương 10%, xuống 41,28 USD/thùng. Trước đó con số này đã giảm xuống còn 41,05 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm gần 8%.

Giá dầu Brent đóng cửa giảm 4,72 USD/thùng, tương đương 9,4%, xuống còn 45,27 USD/thùng. Trước đó giá dầu chạm 45,19 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017 và ghi nhận mức giảm hàng tuần 10%.

Các ngân hàng, giới đầu tư và quĩ phòng hộ tại Phố Wall và nhiều nơi khác đều thắc mắc tại sao Nga có thể từ chối lời đề xuất trong tình cảnh thế giới lao đao vì dịch bệnh như hiện tại.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Price Futures Group, Chicago bày tỏ: "Không có gì đáng ngạc nhiên khi một cường quốc như Nga từ chối cắt giảm trong khi chứng kiến khối lượng dầu đá phiến của Mỹ ngày một tăng".  

"Nhưng trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là khi nhu cầu dầu giảm hàng trăm nghìn thùng/ngày và giá dầu có thể chạm mức 35 USD/thùng so với 55 USD/thùng chỉ trong vài tuần trước, động thái của Nga thật bất hợp lý". 

Kể từ năm 2016, Nga đã đồng ý 3 thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC. Liên minh OPEC +, gồm hơn 20 quốc gia, đã giảm trung bình khoảng 1 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đạt mức cao kỉ lục 13,1 triệu thùng/ngày tính đến tuần trước.

Hơn nữa, xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng đã tăng vọt, khiến quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu dầu ròng lần đầu tiên trong lịch sử. Mới tuần trước, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt hơn 4 triệu thùng/ngày và duy trì ổn định từ tháng 12/2019 tới giờ.

Đây là một bước chuyển đáng kinh ngạc đối với một quốc gia giữ lệnh cấm vận chuyển dầu thô trong 4 thập kỉ cho đến năm 2016 vì lo sợ thị trường nội địa sẽ xảy ra một cú sốc cung giống như những năm 1970. 

Lần hợp tác không thành công giữa Nga và Arab Saudi lần này diễn ra chỉ sau 8 tháng khi bộ trưởng năng lượng của hai nước tuyên bố cùng liên minh nhằm cải thiện thị trường dầu. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak dường như không tỏ ra thất vọng và trả lời báo chí rằng các bên kí kết với OPEC + được tự do sản xuất như mong muốn khi hiệp ước hiện tại hết hạn vào ngày 31/3. 

Cuối ngày thứ Bảy (7/3), Arab Saudi đã có động thái đáp trả và chính thức giảm giá bán của dầu thô, mức giảm mạnh nhất trong 20 năm, nhằm biến dầu của nước này trở nên cạnh tranh hơn. Trong khi đó, vương quốc cũng tuyên bố có thể tăng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày.

Một cuộc chiến sản xuất toàn diện trong ngành dầu mỏ thực diễn ra và chỉ có thời gian mới có thể trả lời ai là người được, kẻ mất.

Nga có thể giành được thị phần vào năm 2021 nếu nhu cầu dầu toàn cầu trở lại bình thường và một số giàn khoan đá phiến của Mỹ ngừng hoạt động hoặc OPEC giơ tay đầu hàng. Giá dầu hiện tại của Nga là 40 USD/thùng dầu và nước này luôn sẵn sàng giảm giá.

Dự kiến vào thứ Hai tuần tới (9/3), thị trường dầu sẽ tiếp tục lao đao khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố triển vọng toàn cầu hàng tháng mới nhất về cung-cầu dầu. 

Giám đốc điều hành Fatih Birol tại phiên điều trần của Quốc hội tại Washington vào thứ Năm (5/3) cảnh báo thị trường nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho phiên giảm giá mạnh. Các tác động nghiêm trọng chủ yếu do lĩnh vực giao thông bị ảnh hưởng nặng nề.

Tháng trước, IEA đã dự báo dịch virus corona có thể hạn chế mức tăng trưởng tiêu thụ dầu hàng năm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, 800.000 thùng/ngày.


Linh Giang