|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỗi đại dịch đều có hai trợ thủ

11:27 | 12/04/2020
Chia sẻ
Những con virus, vi khuẩn muốn tạo nên đại dịch qui mô toàn cầu và gây ra những thiệt hại tối đa sẽ không thể "hành sự" một mình mà luôn cần sự tham gia của hai trợ thủ đắc lực. Virus corona chủng mới gây dịch COVID-19 đang hoành hành hiện nay cũng không phải ngoại lệ.
Mỗi đại dịch đều có hai trợ thủ - Ảnh 1.

Tâm lí kì thị sắc tộc lên cao mỗi khi có đại dịch. Tranh minh họa: npr.org.

Bộ ba rắc rối

Các đại dịch lây lan ra khắp nơi trên thế giới là nhờ vào cánh tay nối dài của xu thế toàn cầu hóa. Lẩn khuất ngay phía sau hai người khổng lồ này chính là sự kì thị về sắc tộc, cuộc khủng hoảng do đó mà càng thêm trầm trọng.

"Bộ ba rắc rối" này tỏ ra đặc biệt đáng ngại trong thời điểm hiện nay khi đại dịch COVID-19 đã có mặt ở mọi quốc gia, gây thiệt hại nặng nề nhất ở các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, …

Bây giờ là lúc tất cả phải đoàn kết để đối phó với kẻ thù chung nhưng thay vào đó, nhiều người – cả dân chúng lẫn chính trị gia – lại đang bận đổ lỗi, công kích lẫn nhau vì những chuyện vụn vặt.

Tổng thống Donald Trump thì gọi virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 là "virus Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì dùng cụm "virus Vũ Hán", một Thượng nghị sĩ Mỹ thì phát biểu rằng loại virus này được quân đội Trung Quốc phát triển trong một phòng thí nghiệm để làm vũ khí sinh học.

Người Trung Quốc hay những ai trông giống người Trung Quốc ở nhiều nước đang bị cộng đồng xa lánh, thậm chí đánh đập.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nghi ngờ chính Mỹ đã tạo ra loại virus này rồi mang đến Trung Quốc khi tham dự Olympic thể thao quân sự.

Những hiện tượng này không có gì là mới.

Thời xưa khi giao thương quốc tế còn được thực hiện bằng thuyền buồm, làn sóng di cư cũng như sự lây lan của dịch bệnh gặp phải một rào cản tự nhiên về thời gian.

Hành trình vượt qua Đại Tây Dương từ châu Âu sang Mỹ kéo dài hơn một tháng, nếu trên tàu có người mắc các bệnh truyền nhiễm thì gần như không ai còn sống để mà phát tán dịch bệnh khi cập cảng.

Chẳng hạn trong thập niên 1840, nhiều người di cư Ireland muốn tránh nạn đói ở quê nhà nên đã lên tàu để sang Mỹ. Đang lênh đênh trên biển thì bệnh sốt phát ban bùng phát, thế là những con tàu này đã trở thành cỗ quan tài tập thể của hàng trăm người.

Sự ra đời của tàu hơi nước đã làm thay đổi tất cả. Các hành trình vận tải hàng hóa xuyên Đại Tây Dương có chi phí rẻ hơn và thời gian ngắn hơn, thường chưa tới một tuần. Hàng triệu người từ châu Âu do vậy có thể vượt đại dương để đến với "vùng đất mới" Bắc Mỹ. Nhưng dịch bệnh cũng theo đó mà phát tán dễ dàng hơn.

Theo Bloomberg, bệnh tả trước đây chỉ xuất hiện ở một khu vực quanh Vịnh Bengal (Ấn Độ) nhưng rồi được các binh sĩ và thương nhân của Đế chế Anh mang đến khắp các châu lục trên thế giới.

Bệnh sốt vàng da liên tục tấn công phía nam nước Mỹ từ khu vực biển Caribbe và Trung Mỹ. Năm 1889, đại dịch cúm hiện đại đầu tiên lây lan nhanh chóng từ nước Nga xa xôi tới tận Bắc Mỹ.

Ngày nay, một người có thể đi đến bất cứ đâu trên trái đất bằng máy bay chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Do đó, các hạn chế về nhập cư và những biện pháp tăng cường y tế cộng đồng đã trở thành "cặp bài trùng" không thể thiếu trong kiểm soát dịch bệnh.

Theo một bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2007, "Di chuyển quốc tế là nhân tố thiết yếu dẫn tới sự phát tán của các bệnh truyền nhiễm mãn tính. Lịch sử của các chính sách y tế và ngoại giao cho thấy mối liên hệ lâu dài với vấn đề di cư". Các biện pháp hạn chế di chuyển có vai trò quan trọng trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi dịch bệnh tấn công vào điểm yếu trong hàng phòng thủ miễn dịch của con người thì tư tưởng phân biệt sắc tộc lại lợi dụng sai lầm trong tư duy. Một sai lầm phổ biến là: Vì sự di chuyển quốc tế làm phát tán dịch bệnh nên chắc chắn phải có một nhóm người nước ngoài nào đó mang tác nhân gây bệnh trên người.

Tuy nhiên virus lại khác con người ở chỗ nó không biết phân biệt màu da hay chủng tộc.

Dịch COVID-19 ở Italy là một ví dụ điển hình. Nhiều người cáo buộc một cách thiếu căn cứ rằng sở dĩ dịch bệnh bùng phát mạnh ở phía bắc nước này là do đây là khu vực có nhiều công nhân may mặc người Trung Quốc.

Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng "bệnh nhân số 0" ở Italy là một nhân viên người Italia 38 tuổi làm việc cho tập đoàn Unilever.

Dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các nhóm ngoại quốc thiểu số là tác nhân gây bệnh, những hành động phân biệt chủng tộc vẫn cứ tiếp diễn xưa nay.

Một bức biếm họa trên tạp chí Bulletin tại Australia từ thế kỉ 19 đã mô tả Trung Quốc là một con bạch tuộc xấu xa tấn công nước Úc, 2 trong số 8 xúc tu của con bạch tuộc này được đề chữ "đậu mùa" và "thương hàn".

Tương tự ở Mỹ, trước đây những người gốc Á thường dễ bị từ chối nhập cảnh hơn so với người gốc Âu.

Trong một thế kỉ trở lại đây có tương đối ít các dịch bệnh qui mô lớn và do vậy mối liên minh giữa dịch bệnh và phân biệt chủng tộc có vẻ đã suy yếu. Vắc xin, thuốc kháng sinh, nâng cao hiểu biết người dân đã trở thành những công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tuy nhiên sự xuất hiện của COVID-19 có thể đe dọa thành quả này, đặc biệt là khi các quan chức hàng đầu của Mỹ liên tục gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán".

Khi những đòn đánh phản tác dụng

Tổng thống, Ngoại trưởng và các nghị sĩ Mỹ tỏ ra rất hăng hái trong đổ lỗi cho Trung Quốc, nhưng có lẽ do mải mê bày ra các thuyết âm mưu nên giới lãnh đạo Mỹ đã không còn nghĩ đến việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch.

Tổng thống Trump, vì quá sốt sắng trấn an nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đã liên tục khẳng định Mỹ có thể kiểm soát tốt COVID-19, trong khi các chuyên gia y tế lại cảnh báo điều ngược lại.

Thượng nghị sĩ Mỹ sau khi nắm được tin tức sớm về nguy cơ của dịch bệnh đã âm thầm bán hết cổ phiếu trên đỉnh của thị trường nhưng không hề lên tiếng cảnh báo rộng rãi cho công chúng.

Cho dù COVID-19 có nguồn gốc từ nước nào, tiến hóa trong tự nhiên hay do quân đội nghiên cứu làm vũ khí sinh học, thì việc Trung Quốc phải gồng mình chống dịch suốt từ cuối tháng 1 lẽ ra phải là hồi chuông cảnh báo sớm đối với thế giới. Đáng tiếc là nhiều nước, trong đó có Mỹ, lại bỏ phí khoảng thời gian chuẩn bị quí giá, để tới nỗi khi đại dịch ập đến lại trở tay không kịp.

Không chỉ thiếu máy thở, giường bệnh, các bệnh viện tại Mỹ còn thiếu đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Những chiếc khẩu trang lẽ ra chỉ được dùng một lần duy nhất thì giờ đây đang phải được tái sử dụng suốt từ ngày này qua ngày khác cho đến khi có hàng thay thế. 

Tính đến sáng nay 12/4, Mỹ đã vươn lên đứng đầu thế giới cả về số ca xác nhận nhiễm và tử vong vì COVID-19.

Thái độ kì thị và châm chọc của phương Tây còn khiến người Trung Quốc vì giận dữ mà đoàn kết lại dưới lá cờ chủ nghĩa dân tộc như từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử.

Ví dụ gần đây nhất, Mỹ tổng công kích Huawei bằng cách cắt đứt nguồn cung linh kiện cũng như dịch vụ phần mềm cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc này với lí do "an ninh quốc gia".

Để đáp trả, người tiêu dùng tại đất nước tỉ dân đã tẩy chay loạt sản phẩm Mỹ, ưu tiên dùng hàng trong nước. Doanh số tiêu thụ của Huawei ở nước ngoài giảm sút nhưng ở Trung Quốc thì tăng vọt, Apple đột nhiên trở thành nạn nhân bất đắc dĩ khi mất thị phần điện thoại thông minh vào tay Huawei.

Cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20, triều đại nhà Thanh suy vong, Trung Quốc bị các nước đế quốc chia năm xẻ bảy, nhân dân bị đàn áp, đầu độc trong làn khói thuốc phiện từ nước ngoài, bị gán cho biệt danh "Đông Á bệnh phu" hay "Con bệnh của Đông Á".

Sau khi nhà Thanh sụp đổ lại đến mấy chục năm nội chiến liên miên và phát xít Nhật xâm lược, hàng triệu người dân Trung Quốc phải bỏ mạng.

Năm 1882, Mỹ ban hành Luật Loại trừ người Trung Quốc, cấm người Trung Quốc nhập cảnh vì "có khả năng đe dọa trật tự tại một số địa phương". Đến năm 1943, luật này mới được gỡ bỏ.

Các thế hệ người Trung Quốc đều đã nằm lòng về "thế kỉ nhục nhã" này và quyết tâm không bao giờ để bị coi thường một lần nữa. Vì thế, Trung Quốc không chỉ muốn xây dựng sự thịnh vượng về kinh tế mà còn phải hùng cường về quân sự, được kính nể về chính trị.

Những lời chỉ trích, buộc tội đa phần thiếu căn cứ khoa học từ phía Mỹ sẽ chỉ khiến cho tinh thần tự tôn dân tộc của Trung Quốc lên cao.

Tổng thống Trump và nhiều đồng minh vẫn còn tỏ ra hoài nghi về cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên có một thực tế không thể chối cãi là giờ đây Trung Quốc đã cảm thấy đủ tự tin với tình hình quê nhà tới mức sẵn sàng cử bác sĩ, chuyên gia và trang thiết bị y tế tới dập dịch ở châu Âu hay các nước nghèo hơn như Pakistan hay Ethiopia.

Tại Italy, nước có số ca tử vong vì COVID-19 lớn nhất châu Âu và thứ nhì thế giới, các chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo sai lầm trong chính sách cho những người nghi nhiễm cách li tại nhà tương tự như Vũ Hán từng làm. Theo kinh nghiệm đau thương của Vũ Hán, bắt buộc cách li tập trung mới là bước đi đúng.

Mỗi đại dịch đều có hai trợ thủ - Ảnh 2.

Chuyên gia y tế Trung Quốc hỗ trợ dập dịch tại Milan, Italy. Ảnh: Getty Images.

Mới đây Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã phát trực tiếp (stream) qua Facebook một video về đoàn từ thiện Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay và chuẩn bị hỗ trợ kiểm soát dịch. 

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thì tung hô Trung Quốc là "quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ chúng ta" sau khi chỉ trích Liên minh châu Âu thiếu "tình đoàn kết". Ngôi sao quần vợt Novak Djokovic người Serbia đăng Twitter: "Xin cám ơn, tôi yêu Trung Quốc".

Nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, bao gồm cả tập đoàn công nghệ Huawei bị Mỹ cấm vận, đã tham gia vào nỗ lực hỗ trợ các điểm nóng về dịch trên thế giới. "Con đường tơ lụa y tế" dường như đang mang lại cho Trung Quốc nhiều thiện cảm trong mắt thế giới hơn là sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.