|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sức hút kinh tế khó cưỡng lại của Trung Quốc

06:47 | 18/11/2019
Chia sẻ
Các danh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đổ tiền vào Trung Quốc kể cả sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi các tập đoàn Mỹ bỏ Trung Quốc để đi nơi khác. Rõ ràng, sức mạnh tiêu dùng của 1,4 tỉ dân là thứ khó có thể cưỡng lại.
china Reuters

Lễ kỉ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc (1949 - 2019). Ảnh: Reuters.

Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Tesla hay Walmart đang tích cực mở rộng hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng rủ nhau góp vui.

Thực ra gọi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có vẻ không hoàn toàn đúng cho lắm. Qui đổi theo ngang giá sức mua (PPP), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2018 là 25.360 tỉ USD, chiếm 18,58% tổng toàn cầu; trong khi đó con số của Mỹ lần lượt là 20.490 tỉ USD và 15,02%. 

GDP tính theo PPP của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ từ lâu. Sau một cuộc họp của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014, tờ Financial Times tóm tắt thông tin: "Vậy là chính thức rồi. Năm 2014, IMF ước tính qui mô nền kinh tế Mỹ là 17.400 tỉ USD còn Trung Quốc là 17.600 tỉ USD".

Financial Times còn chỉ ra rằng: "Vừa mới năm 2005, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng chưa đầy 1/2 nền kinh tế Mỹ. IMF dự báo đến năm 2019, Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ 20%". Thực tế đến năm 2018, GDP tính theo PPP của Trung Quốc đã vượt Mỹ gần 24%.

Trang MarketWatch năm 2014 thì cảm thán: "Không có cách dễ dàng nào để thông báo tin này cả, nên tôi cứ thẳng ra vậy: Nước Mỹ không còn là số 1 nữa".

Đối với những người dân Mỹ sinh ra và lớn lên khi nước Mỹ đồng nghĩa với số 1, việc Trung Quốc có thể soán ngôi "nền kinh tế lớn nhất thế giới" là điều không tưởng. Nhiều người Mỹ coi sự thống trị về kinh tế là một quyền bất khả xâm phạm, tới mức nó trở thành bản sắc dân tộc Mỹ.

Cũng vì thế nên nhiều người Mỹ vội đi tìm những thước đo kinh tế mà Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc như GDP bình quân đầu người, các chỉ tiêu rộng hơn về chất lượng cuộc sống và quyền con người hay thậm chí là GDP tính theo giá danh nghĩa (không qui đổi PPP).

GDP tính theo giá danh nghĩa của Mỹ vẫn lớn nhất thế giới tuy nhiên GDP tính theo PPP mới là thước đo chính xác nhất để so sánh nền kinh tế của hai quốc gia. Hơn nữa, trong hầu hết các tiêu chí khác, Trung Quốc đều đã vượt lên. 

Cụ thể, Trung Quốc hiện là trung tâm sản xuất của thế giới khi dẫn đầu về sản lượng tàu thuyền, sắt thép, nhôm, nội thất, may mặc, da giày, điện thoại, máy tính, …

Với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc còn là thị trường tiêu dùng lớn nhất với đa số mặt hàng. 

Mỹ là cái nôi sản sinh ra xe hơi nhưng giờ đây Trung Quốc vừa là nước sản xuất, vừa là nước tiêu thụ xe hơi đứng đầu thế giới. Năm 2018, Trung Quốc tiêu thụ hơn 28 triệu chiếc, so với nước Mỹ 17,7 triệu chiếc.

car sale

Doanh số xe hơi tại một số nước lớn năm 2018. Trung Quốc bỏ xa các thị trường còn lại. Nguồn: Statista, Kiên Dương tổng hợp.

Trung Quốc còn là thị trường điện thoại và thương mại điện tử lớn nhất, có số người dùng Internet nhiều nhất. Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu, tiêu thụ nhiều năng lượng và lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Theo tính toán của IMF, năm 2019 Trung Quốc là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế thế giới với đóng góp 32,7%. Cũng theo dự báo của IMF, quốc gia tỉ dân này vẫn sẽ dẫn đầu vào năm 2024 khi đóng góp 28,3% tăng trưởng. Trong khi đó, đóng góp của Mỹ vào tăng trưởng của thế giới được dự báo giảm từ 13,8% năm 2019 xuống còn 9,2% năm 2024.

Cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và các đợt thuế quan trả đũa qua lại đã khiến cho nhiều doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc, nhưng ngược lại nhiều doanh nghiệp khác không những nhất quyết ở lại mà còn mở rộng sản xuất để khai thác tiềm năng của thị trường 1,4 tỉ dân.

FDI vào Trung Quốc vẫn tăng giữa thương chiến

Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong 9 tháng đầu năm tăng gần 3% so với cùng kì năm ngoái. Mức tăng này tương đồng với mức năm 2018. Năm ngoái, FDI vào Mỹ tăng mạnh hơn rất nhiều nhưng nếu so từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống đến nay, FDI đang trong xu thế đi xuống.

fdi china

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng đều qua các năm. Nguồn: Bloomberg, Kiên Dương tổng hợp.

Trao đổi với Bloomberg, ông David Dollar, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Brookings Institution nhận định: "Các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn vì với tình trạng thuế quan thương mại bất ổn như hiện nay, sản xuất ở nơi khác rồi mang đến Trung Quốc tiêu thụ là việc làm rất rủi ro".

Ông David Dollar cũng từng là tùy viên thương mại của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh. Theo ông Dollar, cuộc chiến thương mại còn có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp thiết lập cơ sở hoạt động ở Trung Quốc.

Xu thế này đi ngược lại với điều mà Tổng thống Trump mong đợi. Hồi tháng 8, ông Trump đăng tweet ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ "ngay lập tức tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc".

fdi US

Vốn FDI vào Mỹ qua các năm (không có số liệu cho giai đoạn 2009-2013). Nguồn: Cục Phân tích kinh tế (bea.gov), Kiên Dương tổng hợp.

Ông Arthur Kroeber - Giám đốc và nhà sáng lập tại công ty nghiên cứu đầu tư Gavekal nhận định: "Các doanh nghiệp lớn của Mỹ sẽ không nghe theo mệnh lệnh chính trị từ Washington mà rời khỏi thị trường Trung Quốc vì lợi ích từ đất nước này quá lớn".

Một trong những vấn đề phức tạp khi phân tích xu hướng FDI là việc khó xác định đâu là vốn đầu tư nước ngoài thực sự bởi trong một số trường hợp, các công ty đại lục chuyển tiền ra nước ngoài rồi lại đưa về nước.

Khoảng 3/4 vốn FDI vào Trung Quốc năm 2018 là đến từ Hong Kong, British Virgin Islands hoặc Cayman Islands. Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi đây là những nguồn "FDI ma".

Sự bùng nổ trên thị trường xe điện

Thực tế vẫn có khá nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp đang đặt cược lớn vào người tiêu dùng Trung Quốc. Hãng xe điện Mỹ Tesla đã hoàn thành siêu nhà máy (gigafactory) ở ngoại ô thành phố Thượng Hải chỉ trong thời gian ngắn kỉ lục là 168 ngày và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt ngay trong năm nay.

Theo Bloomberg, Tesla có thể nhanh chóng hoàn thành nhà máy như vậy là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc trong thực hiện thủ tục cũng như nhận được các khoản vay lên tới 521 triệu USD từ các nhà băng Trung Quốc.

Hoạt động đồng tư như của Tesla đã, đang và sẽ tạo ra những chuyển động lớn trong chuỗi cung ứng.

Hồi tháng 10, LG Chem - nhà sản xuất pin lithium-ion battery lớn thứ hai thế giới cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch đầu tư khoảng 430 triệu USD vào chi nhánh tại Trung Quốc.

Tháng 6 năm nay, LG Chem cũng hợp tác với Geely Automobile Holdings để thành lập một liên doanh sản xuất pin cho xe điện. LG Chem còn được cho là nhà cung cấp pin cho dòng xe Model 3 của Tesla được sản xuất tại Trung Quốc.

"Trung Quốc là tâm điểm của hoạt động đầu tư sản xuất pin của chúng tôi", phát ngôn viên của LG Chem nói hồi đầu tháng 11.

Những khoản đầu tư làm lực đẩy kinh tế

Việc dòng vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc có thể phần nào ngăn chặn đà giảm của hoạt động đầu tư nói chung, giúp Trung Quốc đạt mục tiêu về việc làm cho dù nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần ba thập kỉ.

Một số tập đoàn lớn khác gần đây cũng công bố kế hoạch "bạo chi" vào Trung Quốc bao gồm:

Hồi tháng 7, GE Renewable Energy - công ty con của General Electric công bố khoản đầu tư (không nêu rõ giá trị) vào một nhà máy điện gió ở ngoài khơi và một trung tâm vận hành & phát triển.

Vào tháng 1, hãng hóa chất lớn nhất thế giới BASF SE kí một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Quảng Đông về việc xây dựng một tổ hợp sản xuất trị giá 10 tỉ USD. BASF cũng là công ty hóa chất nước ngoài đầu tiên được phép sở hữu dự án 100%, không cần liên doanh với một đơn vị Trung Quốc.

(Tesla là hãng xe hơi đầu tiên được Trung Quốc cho phép sở hữu 100% nhà máy mà không cần liên doanh với công ty trong nước).

Tháng 7 vừa qua, đại gia ngành bán lẻ Walmart tuyên bố sẽ đầu tư 8 tỉ nhân dân tệ (1,1 tỉ USD) vào các trung tâm phân phối ở Trung Quốc.

"Dù có chiến tranh thương mại hay không thì sức hút kinh tế của 1,4 tỉ người là thứ không thể xem nhẹ", ông Pascal Soriot, Tổng Giám đốc hãng dược phẩm AstraZeneca nhận định. "Chúng tôi phải tăng cường đầu tư vào Trung Quốc.

Theo ông Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải: Nhà đầu tư Trung Quốc chỉ nhận được những cái nhìn lạnh nhạt khi tới Mỹ; ngược lại, doanh nghiệp Mỹ lại vẫn được chào đón nồng hậu ở Trung Quốc.

"Ở cấp tỉnh, thành phố, chúng tôi thấy chính quyền tỏ ra vô cùng hăng hái trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nói là họ đang săn đón chúng tôi", ông Gibbs nói.

Đức Quyền, Kiên Dương