Chiến lược 'ngoại giao khẩu trang' không thể giúp Trung Quốc soán ngôi Mỹ
Trong khi nước Mỹ mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn người chết vì COVID-19 và hoạt động kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng thì nền kinh tế của Trung Quốc lại đang dần dần hồi phục. Giờ đây, Bắc Kinh đang gửi dụng cụ y tế, máy thở và thậm chí là cả bác sĩ đến các quốc gia khác nhằm quảng bá sự hào phóng của mình.
Điều này làm dấy lên dự đoán rằng Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ để chiếm lấy ngôi vị siêu cường số một trong thế giới hậu COVID-19.
Theo tờ South China Mornign Post (SCMP), ngay chính trong nội bộ nước Mỹ cũng đang xảy ra tình trạng đổ lỗi lẫn nhau, đặc biệt là những chỉ trích rằng Tổng thống Donald Trump đã quá chậm trễ trong giai đoạn chuẩn bị để đối phó với đại dịch. COVID-19 đã làm lộ ra tình trạng vô tổ chức của hệ thống y tế Mỹ.
Đáp lại, ông Trump lại cố gắng chuyển hướng chỉ trích sang phía Bắc Kinh, với cách gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc", và phàn nàn rằng lẽ ra dịch bệnh "đã phải được chặn lại ở Trung Quốc".
Dĩ nhiên, Trung Quốc đã mắc các sai lầm, ví dụ như khi quan chức ở Vũ Hán che giấu thông tin về bùng phát COVID-19 mặc dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận "các sai sót và khó khăn trong phản ứng với dịch bệnh".
Dòng tiền vẫn ở lại Mỹ
Tuy nhiên, sự thay đổi của trật tự thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn là những đánh giá của mọi người về các nguyên thủ quốc gia và phản ứng tức thời của họ đối với COVID-19.
Theo SCMP, đại dịch COVID-19 đã nêu bật lên rằng các nền tảng cho sức mạnh và quyền lực của Mỹ vững chắc hơn nhiều so với Trung Quốc.
Các đầu mối quan trọng đến từ việc quan sát nơi mà các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân tìm đến để gửi gắm vốn và của cải trong thời kì khủng hoảng như hiện tại.
Điểm đến các nhà đầu tư lựa chọn là nơi mà họ thực sự tin tưởng vào triển vọng tương lai, và cũng là nơi họ sẵn sàng đánh cược vào triển vọng dài hạn.
Mỹ là nơi có thị trường vốn và thị trường tài chính phát triển nhất và uy tín nhất trên thế giới. Đây là lí do tại sao có tới khoảng 160 công ty Trung Quốc – với tổng giá trị vốn hóa lên tới 1.000 tỉ USD - lựa chọn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Việc các doanh nghiệp toàn cầu đổ xô mua vào và nắm giữ các tài sản tài chính có mệnh giá bằng USD khi diễn biến của đại dịch ngày càng xấu đi cho thấy niềm tin của thế giới vào tương lai của nước Mỹ vẫn rất vững chắc.
Ngược lại, việc COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán đã làm trầm trọng thêm các lo lắng về triển vọng lâu dài của Trung Quốc liên quan tới tính ổn định kinh tế chính trị và uy tín của các tổ chức.
Ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đang lên đến đỉnh điểm và cao gấp nhiều lần số ca nhiễm mà Trung Quốc công bố, thế giới cũng không vội vã mua vào tài sản tài chính của Trung Quốc.
Khó khăn của Trung Quốc
Việc đồng nhân dân tệ không được thả nổi hoàn toàn và cũng không được chuyển đổi tự do cũng gây bất lợi cho vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Các hạn chế này gây khó khăn cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân tệ trở thành công cụ lưu trữ giá trị chủ chốt, và đồng tiền dự trữ của thế giới đúng nghĩa.
Trong khi đó, tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới khiến cho các quốc gia luôn có nhu cầu với đồng USD, giúp Mỹ giảm chi phí đi vay.
Theo SCMP, dù Trung Quốc có thị trường trái phiếu lớn nhất trên thế giới để tài trợ cho nền kinh tế phụ thuộc vay nợ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 2% số trái phiếu này.
Đại dịch COVID-19 thường được coi một cú đánh mạnh vào nền kinh tế số một thế giới. Nhưng khác với một cuộc chiến thực sự, COVID-19 không phá hủy vĩnh viễn các tài sản vốn hoặc những yếu tố đã sản sinh ra nền tảng kiến thức và sự sáng tạo của Mỹ.
Sẽ rất khó để tưởng tượng rằng một khi COVID-19 được kiểm soát, các quan chức Mỹ sẽ ủng hộ việc kinh doanh với Trung Quốc như trước.
Đây rõ ràng là tin xấu đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và tham vọng phát triển ngành công nghiệp của Bắc Kinh, ví dụ như kế hoạch "Made in China 2025", vốn phụ thuộc vào dòng chảy liên tục và tự do của kiến thức và sự sáng tạo của Mỹ vào Trung Quốc.
Trung Quốc có trách nhiệm ngăn chặn đại dịch trên cả thế giới?
Cuối cùng, liệu Trung Quốc có thể giành được chiến thắng trong lĩnh vực ngoại giao hay không? Có một thực tế là dù chính phủ các quốc gia vẫn nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng họ không thấy mình cần phải quá biết ơn nước này.
Các quốc gia có thể không đồng tình với mọi tuyên bố của ông Trump, nhưng họ đồng ý rằng COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc, và nước này có trách nhiệm phải ngăn chặn được nó lây lan ra thế giới.
Các chỉ trích thường thấy về việc WHO đã bắt chước Trung Quốc trong việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19 hồi tháng 1 càng làm tổn hại danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Bắc Kinh đang thua trong trận chiến tuyên truyền mà nước này đã phát động nhằm quảng bá năng lực và tính ưu việt của hệ thống quản lí nhà nước.
Mỹ còn nhiều việc phải làm để phối hợp tốt hơn với các nước đồng minh và đối tác trong cuộc chiến chống COVID-19 để thể thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng Mỹ sẽ để mất vị thế đứng đầu thế giới vào tay Trung Quốc. Trung Quốc và những đồng minh như Nga, Pakistan và Iran có thể kết hợp để trở thành một thế lực lớn, nhưng các nước này vẫn không có đủ khả năng để định hình lại thế giới.
Trung Quốc đang cố gắng sử dụng đại dịch COVID-19 để nâng cao ảnh hưởng và quyền lực của mình trên toàn cầu của mình. Nhưng liệu Bắc Kinh có chiến thắng hay không phụ thuộc vào năng lực của chính nước này, và việc giải quyết các vấn đề nội bộ, chứ không thể dựa vào các điểm yếu của Mỹ.