|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dừng tài trợ cho WHO, Tổng thống Trump tự tay trao cho Trung Quốc một thắng lợi

09:49 | 17/04/2020
Chia sẻ
Dù việc Tổng thống Trump chỉ trích WHO giúp Trung Quốc che đậy thông tin về COVID-19 là có cơ sở, nhưng quyết định ngừng tài trợ cho WHO của ông Trump có thể đẩy cơ quan y tế của Liên Hợp quốc này vào vòng tay của đối thủ.

Ngày 14/4, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đã chỉ đạo Nhà Trắng ngừng tài trợ cho WHO trong 60 - 90 ngày tới để đánh giá phản ứng của cơ quan này trong đại dịch COVID-19. Theo Nikkei Asian Review, chưa rõ động thái đóng băng tài trợ thực tế sẽ kéo dài bao lâu.

Nhiều quan chức trong chính quyền của ông Trump và Đảng Cộng hòa cho rằng vì lo sợ Bắc Kinh tức giận mà WHO đã không xem xét kĩ càng tình hình ở thành phố Vũ Hán và cảnh báo cho thế giới quá muộn, khiến virus corona lây lan trên toàn cầu.

Nikkei: Đóng băng tài trợ cho WHO, Tổng thống Trump tự tay trao cho Trung Quốc một thắng lợi - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump cắt tài trợ cho WHO có thể gây ra phản ứng ngược. (Ảnh: AP)

Đối với ông Trump, cáo buộc WHO che đậy thông tin về đại dịch cũng góp phần giúp ông làm chệch hướng làn sóng chỉ trích xoay quanh phản ứng chậm chạp của chính ông đối với tình hình dịch bệnh tại Mỹ.

"WHO đã thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của họ" là đảm bảo chia sẻ thông tin kịp thời về các mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu và do đó, WHO "phải chịu trách nhiệm", ông Trump phát biểu trước báo giới hôm 14/4.

Bên cạnh đó, ông Trump còn cáo buộc WHO chỉ trích các lệnh hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc mà Washington và một số nước châu Âu từng áp dụng.

Mất nhà tài trợ lớn nhất sẽ là một đòn đau với WHO. Theo Nikkei, Washington đóng góp đến 890 triệu USD trong hai năm 2018 và 2019, tương đương 16% tổng kinh phí của tổ chức này. Ngược lại, Trung Quốc chỉ tài trợ 86 triệu USD trong cùng kì.

Hôm 15/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ sự thất vọng của bản thân trước quyết định của Mỹ.

"Mỹ từ lâu đã là một người bạn hào phóng của WHO và chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai", ông Tedros cho hay tại một cuộc họp báo ở Geneva. "Chúng tôi rất thất vọng vì quyết định ngừng tài trợ của Tổng thống Trump".

Ông Tedros nói thêm, ngoài chống lại đại dịch COVID-19, WHO còn giúp đỡ nhiều quốc gia nghèo đói đang phải vật lộn với hàng loạt dịch bệnh và điều kiện hiểm nghèo khác. Chương trình của WHO còn bao gồm bệnh bại liệt, sởi, sốt rét, Ebola, HIV/AIDS, lao, suy dinh dưỡng, ung thư, tiểu đường và bệnh tâm lí.

"WHO đang xem xét tác động của việc đóng băng tài trợ từ phía Mỹ đối với hoạt động của tổ chức. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác khác để lấp đầy bất kì lỗ hổng tài chính nào mà WHO gặp phải và đảm bảo các chương trình của chúng tôi không bị gián đoạn", Tổng giám đốc Tedros nói thêm.

Động thái ngừng tài trợ cho WHO của Mỹ xảy ra vào thời điểm COVID-19 có nguy cơ lây lan qua Trung Đông, châu Phi và châu Á - những khu vực tập trung nhiều quốc gia thiếu thốn các nguồn lực cần thiết để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Tỉ phú, nhà từ thiện Bill Gates là một trong số những cá nhân lên tiếng chỉ trích ông Trump. Trong một dòng tweet, nhà đồng sáng lập Microsoft cho hay: "Ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu như COVID-19 là cực kì nguy hiểm".

Bill Gates khẳng định vai trò của WHO trong việc làm chậm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 là không thể thay thế bởi bất kì tổ chức nào khác. Ông viết: "Thế giới đang cần WHO hơn bao giờ hết".

WHO thiên vị và che đậy cho Trung Quốc?

Cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc của ông Trump là có căn cứ.

Một số bình luận của Tổng giám đốc WHO là rất đáng lưu tâm. Trong một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 28/1 ở thủ đô bắc Kinh, ông Tedros đã ca ngợi các bước đi "quyết liệt" nhằm ngăn chặn đại dịch của Bắc Kinh, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức chính phủ Trung Quốc cho hay.

Ông Tedros một lần nữa ca ngợi phản ứng "chưa từng có" của Trung Quốc trong một cuộc họp báo hai ngày sau đó, nói rằng Bắc Kinh "đáng được khen ngợi vì những biện pháp phi thường mà họ đã thực hiện để kiểm soát dịch bệnh".

Vào khoảng thời gian đó, Tổng giám đốc Tedros cũng cảnh báo về "các biện pháp can thiệp không cần thiết đến hoạt động du lịch và thương mại quốc tế" mà một số nước đang áp dụng đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Bằng chứng cho thấy WHO thiên vị Trung Quốc xuất hiện thêm thời gian gần đây. Đài Loan từng cho biết họ không nhận được hồi âm nào cho tin nhắn gửi đến WHO vào cuối tháng 12. Trong tin nhắn, Đài Loan cho hay virus corona có khả năng lây truyền từ người sang người.

Một số quan chức tại Washington thất vọng vì WHO - một cơ quan của Liên Hợp Quốc không nghiêm túc đánh giá cảnh báo trên, khi mà điều đó có thể giúp cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng chống dịch nhanh chóng hơn.

Mỹ cắt tài trợ, WHO sẽ ngả về phía Trung Quốc

Dù cáo buộc của ông Trump là có cơ sở, việc cắt tài trợ cho WHO là một bước đi không hợp lí vì động thái này nhiều khả năng sẽ gây tác dụng ngược. Trung Quốc có thể tăng mức đóng góp để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, củng cố thêm tầm ảnh hưởng của đất nước tỉ dân.

WHO đang yêu cầu các nước thành viên chi thêm 1 tỉ USD nhằm chống lại đại dịch COVID-19, theo Reuters.

Nếu Mỹ từ chối đóng góp, WHO sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phụ thuộc vào Trung Quốc. Dù mức đóng góp tương đối nhỏ so với của Mỹ, ngân sách mà Trung Quốc chi cho WHO đã tăng mạnh trong vài năm gần đây và vẫn còn có thể tăng thêm.

Việc đóng băng tài trợ cũng có nguy cơ thúc đẩy các nước thành viên WHO nghiêng về phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã củng cố sự ủng hộ của các nước đến từ những khu vực như châu Phi thông qua sử dụng viện trợ quốc tế như một công cụ ngoại giao, từ từ xâm nhập vào hệ thống cốt lõi của WHO.

Lập trường bài xích Trung Quốc cứng rắn tại Washington có thể châm ngòi cho một phản ứng dữ dội, khiến các nước đang ngả mình về phía Trung Quốc chống lại Mỹ.

Thay vì đe dọa về mặt tài chính, Washington nên tăng cường sự tham gia của mình tại WHO và làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cụ thể, Nikkei cho rằng Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nên đóng góp hào phóng cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 như WHO yêu cầu để đổi lấy ảnh hưởng lớn hơn.

Khả Nhân