Lần khủng hoảng trước Trung Quốc giúp vực dậy kinh tế châu Á, lần này Trung Quốc đang chật vật tự cứu mình
Dù kinh tế Trung Quốc đã lao dốc khá mạnh vì COVID-19, nhưng mối nguy mà các nền kinh tế châu Á khác phải đối mặt còn nguy hiểm hơn. Châu Á sắp mất đi động lực tăng trưởng chính của mình.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, GDP quí I/2020 của Trung Quốc đã giảm 6,8% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 28 năm, Trung Quốc có quí tăng trưởng âm so với cùng kì.
Nhưng ngay cả trước khi thông tin này được công bố, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo kinh tế toàn cầu giảm sút 3,3% còn tăng trưởng toàn bộ khu vực châu Á sẽ bằng 0 trong năm nay.
Nhưng kể cả mức tăng trưởng 0% cũng vẫn còn có vẻ quá tích cực khi xét đến vai trò của Trung Quốc trong việc giúp châu Á vực dậy sau khủng hoảng tài chính 1997-1998 và cuộc Đại Suy thoái 10 năm sau đó.
Trong giai đoạn 1997-1998, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bùng nổ, phăm phăm tiến trên con đường trở thành công xưởng thế giới, và đoạt lấy ngôi vị nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu. Tiền đầu tư liên tục được rót vào Trung Quốc, và nước này nhận được lời mời gọi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích thích khổng lồ, chống đỡ cho hoạt động kinh tế của các địa phương.
Rốt cuộc, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 1,3% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và 4,7% trong thời kì Đại suy thoái. Nền kinh tế toàn cầu cũng chỉ giảm 0,1% trong năm suy thoái 2009.
Ông John Authers - Chuyên gia kinh tế của Bloomberg cũng nhận định: "Cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế toàn cầu vận hành trơn tru trong ba thập kỉ và suýt nữa kéo được tăng trưởng toàn cầu thoát khỏi ngưỡng âm trong năm 2009".
Nhưng giờ đây chính phủ Trung Quốc lại tỏ ra khá thờ ơ với các biện pháp kích thích tốn kém. Theo Bloomberg Economics, các gói chi tiêu tài khóa Bắc Kinh sử dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 chỉ bằng 3% GDP nước này.
Con số này là khá khiêm tốn, nếu so với việc chính phủ Mỹ và Nhật Bản đã tung ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ với qui mô lần lượt bằng 10% và 20% GDP của hai nước này.
Và mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực để hạ chi phí vay, các biện pháp mà ngân hàng này thực hiện dường như vẫn còn rất hạn chế nếu so với các công cụ chính sách tiền tệ đang được triển khai trên toàn thế giới.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại này?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã mạnh tay vung tiền để duy trì đà tăng trưởng. Các khoản chi tiêu Trung Quốc bỏ ra đã góp phần thúc đẩy châu Á hồi phục, nhưng đồng thời cũng khiến giới ngân hàng và doanh nghiệp nước này phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tỉ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc - tính cả khu vực tài chính - đã nhảy vọt từ 173% trong năm 2008 đến 300% trong năm 2019.
Tất cả những điều này cho cho thấy rằng phần còn lại của châu Á sẽ không thể trông chờ vào tác động tích cực lan tỏa từ các biện pháp chi tiêu của Bắc Kinh như trong hai cuộc khủng hoảng trước.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc IMF Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 15/4: "Trung Quốc sẽ không thể giải cứu châu Á lần này".
Có thể, Trung Quốc sẽ thực hiện thêm nhiều động thái nữa nếu triển vọng phục hồi trở nên xấu đi. IMF dự đoán tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc là 1,2% trong năm 2020; và nhảy vọt đến 9,2% trong năm 2021.
Trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, Trung Quốc cũng đạt được khá nhiều thành công trong việc kiềm hãm và rút lại một số hành động mà đã thổi phồng khối nợ của nước này. Và dĩ nhiên, điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới chậm lại.
Nhưng rất ít nhà quan sát đoán được rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ rơi xuống quá nhanh và quá thấp như vậy. Một trong những kịch bản cho thế giới trong năm 2060 mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từng vẽ ra là tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ dần rơi xuống mức bằng với Mỹ, vào khoảng dưới 2% một năm.
Báo cáo trên của OECD được viết năm 2018. Đại dịch COVID-19 sẽ chỉ càng khiến cho kết cục này diễn ra nhanh hơn.
Sự chuyển mình của Trung Quốc trong hơn 4 thập kỉ qua, từ một đất nước khép chặt cửa cho đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ lâu đã trở thành một thành phần quan trọng trong sự trỗi dậy của châu Á, đặc biệt là sau khi nền kinh tế Nhật Bản bị đình trệ kể từ đầu thập niên 90.
Việc nói rằng COVID-19 ngăn cản sự phát triển của cả châu Á cũng không phải là lời nói quá. Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã chững lại và khiến cho cả châu Á suy yếu đi.