|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao Fed đang mạnh tay vung hàng nghìn tỉ USD giải cứu mà không lo bị chỉ trích như lần khủng hoảng trước?

13:40 | 13/04/2020
Chia sẻ
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, việc Fed giải cứu các ngân hàng và thị trường tài chính bị các thành viên Quốc hội và giới chính trị gia Mỹ coi là rủi ro đạo đức. Nhưng hiện nay, Fed gần như không gặp bất kì sự phản đối nào dù bỏ ra hàng nghìn tỉ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19.
Khác với khủng hoảng tài chính 2008, giờ Fed có thể mạnh tay vung tiền hỗ trợ nền kinh tế mà không bị chỉ trích  - Ảnh 1.

Mọi người đeo khẩu trang, đi bộ bên ngoài chi nhánh New York của Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Ảnh: Reuters

Từ tháng 3 cho đến nay, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra hàng nghìn tỉ USD để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ COVID-19. 

Lần gần nhất Fed bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa tình hình hiện tại với quá khứ: sự thiếu vắng mối lo ngại về "rủi ro đạo đức" (moral hazard). Fed hiện có toàn quyền quyết định sẽ cứu trợ doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn, mà gần như không gặp phải sự chỉ trích nào. 

Điều này giúp cho các quan chức Fed thoát khỏi một gánh nặng lớn, cho phép cơ quan này hành động nhiều hơn, và nhanh hơn so với một thập kỉ trước.

Quay trở lại những năm 2007-2009, các nhà hoạch định chính sách đã liên tục nêu lên lo ngại rằng việc cứu trợ các ngân hàng và thị trường tài chính thường xuyên không khác gì việc trao thưởng cho họ vì đã tự chuốc lấy rủi ro.

Fed cũng đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía các nhà giám sát của Quốc hội Mỹ: một số người cho rằng chương trình cứu trợ của Fed đã mở rộng đến cả phạm vi chính sách tài khóa, và do đó, chọn ra người thắng và kẻ thua.

Các hành động của Fed khi đó đã chọc giận nhiều chính trị gia theo quan điểm bảo thủ. Thậm chí, những chỉ trích của họ dành cho Fed còn tiếp diễn đến vài năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc.

Năm 2011, ông Rick Perry - Thống đốc bang Texas tuyên bố rằng việc Fed mạnh tay mua vào trái phiếu "gần như là… hành động phản quốc". Thậm chí, vị thống đốc này còn ám chỉ rằng ông Ben Bernanke – người giữ chức Chủ tịch Fed trong giai đoạn khủng hoảng tài chính -  sẽ bị tấn công nếu dám đặt chân đến Texas.

Còn lần này thì sao? Chẳng có ai hé răng phản đối.

Hôm 9/4, Fed công bố kế hoạch bơm thêm 2.300 tỉ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh có tới hơn 16 triệu người Mỹ bị mất việc trong vòng ba tuần. 

Phát biểu trong một hội thảo cùng thời điểm, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rõ rằng ông không hề phải đối mặt với những chỉ trích trong thời gian này, bất kể là từ phía các nhà hoạch định chính sách của Fed hay từ giới chính trị gia.

Ông cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là giúp đỡ những người mất đi kế sinh nhai vì các lệnh phong tỏa, cách li trên toàn nước Mỹ.

Ông Powell nói: "Nhiều người đang phải hi sinh vì lợi ích chung. Chúng ta phải hỗ trợ cho họ với sức lực của toàn xã hội. Họ không tạo ra cuộc khủng hoảng này. Họ phải đóng cửa hàng quán, công ty dù cho bản thân họ không có lỗi lầm gì. Họ bị mất việc dù họ chẳng làm gì sai."

Và mặc dù ông Powell nhấn mạnh rằng vai trò của Fed là cho vay, chứ không phải là chi tiêu, ông nói rằng rằng để các chương trình cứu trợ đạt được hiệu quả thì Fed phải hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và các quan chức chính phủ.

"Sự ổn định tài chính là điều quan trọng với Fed, và chúng tôi cũng có thẩm quyền tác động đến yếu tố này… Chúng tôi làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính và các quan chức chính phủ, và tôi dám nói rằng đây là mối quan hệ rất hiệu quả".

Chỉ trong khoảng một tháng, Fed đã tung ra 9 chương trình để đối phó với khủng hoảng COVID-19. Các chương trình này được thiết kể để giữ cho dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và hộ gia đình, bằng cách tăng cường thanh khoản cho thị trường tài chính.

Có thể, các chương trình của Fed sẽ giúp đỡ cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn một phần vì sai lầm của chính họ, ví dụ như đã vay quá nhiều nợ trước khi khủng hoảng COVID-19 nổ ra. 

Nhưng hiện tại, dường như các nhà hoạch định chính sách của Fed và giới chính trị gia đều không mấy bận tâm đến việc tách biệt xem ai mới là người xứng đáng được nhận hỗ trợ.

Các nhà kinh tế tại Citigroup Global Markets viết trong một lưu ý tuần trước rằng biên bản các cuộc họp khẩn của Fed "phản ánh một nhóm các nhà hoạch định chính sách đoàn kết với nhau, sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để hỗ trợ nền kinh tế, mà ít quan tâm đến các tác động thứ cấp hoặc rủi ro đạo đức".

Kể cả khi qui mô bảng cân đối kế toán của Fed lập các kỉ lục mới mỗi tuần, ông Powell ám chỉ rằng kể cả trong trường hợp Fed sử dụng các biện pháp mới, chưa được kiểm chứng để giúp đỡ nền kinh tế, thì cơ quan này cũng sẽ chỉ gặp rất ít sự phản đối.

Khác với khủng hoảng tài chính 2008, giờ Fed có thể mạnh tay vung tiền hỗ trợ nền kinh tế mà không bị chỉ trích  - Ảnh 2.

Ông Powell nói: "Khi Fed tìm ra được những biện pháp mới, chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng chúng".

Fed trong quá khứ: Bối rối và lúng túng

Trong giai đoạn 2008, Fed thường xuyên phải hứng chịu những phản đối gay gắt. Khi tình hình cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng xấu đi, các quan chức của Fed rất lo lắng rằng chương trình cho vay của họ sẽ khuyến khích hoặc được coi là phần thưởng dành cho cho những công ty đã quá liều lĩnh và tự chuốc lấy tai họa.

Quả thật, đó là một trong những lí do các quan chức của Fed nêu khi giải thích quyết định để cho Lehman Brothers phá sản, thay vì giải cứu ngân hàng này.

Thậm chí sau khi Lehman sụp đổ, chính ông Bernanke, người giữ chức vụ Chủ tịch Fed trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đã nói với các đồng nghiệp rằng bản thân ông "đã rất bối rối và lúng túng" bởi việc đánh đổi giữa một bên là rủi ro đạo đức và chi phí tài khóa, một bên là khả năng "tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống tài chính và nền kinh tế vì đã không hành động".

Tại Quốc hội, các chỉ trích đối với gói cứu trợ của Fed rất mạnh mẽ. Ông Jim Bunning, một thành viên của Ủy ban Ngân hàng tại Thượng viện nói thẳng vào mặt Chủ tịch Fed: "Ông chính là hiện thân của rủi ro đạo đức" tại cuộc điều trần phê chuẩn hồi cuối năm 2009.

Mọi căng thẳng đó đã biến mất vào năm 2020.

Ông Powell, Chủ tịch Fed đương nhiệm phát biểu hôm 9/4: "Chúng tôi không đưa ra quyết định về các công ty đơn lẻ. Bất kì người đi vay nào đáp ứng đủ điều kiện đều có thể tham gia vào các chương trình cứu trợ. Chúng tôi không lựa chọn người nào được hỗ trợ và người nào không".

Ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách của Fed đã thống nhất sẽ dốc toàn lực trong thời gian tới, một phần vì họ đã rút ra được kinh nghiệm rằng những lo lắng về việc tăng cung tiền sẽ khiến lạm phát phi mã là không có cơ sở.

Lạm phát của Mỹ đã được duy trì ở mức thấp trong suốt cả thập kỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chủ tịch Fed nói ngắn gọn: "Tôi lo rằng trong tương lai, khi nhìn lại tình hình hiện nay, mọi người sẽ thấy rằng Fed lẽ ra nên có các động thái khác. Nhưng lạm phát là điều không làm tôi thấy lo lắng lúc này".

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.