|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Châu Phi có câu hỏi cho Trung Quốc: 'Liệu có thể xóa nợ cho chúng tôi hay không?'

06:14 | 07/05/2020
Chia sẻ
Các nước châu Phi dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ tàn phá nền kinh tế châu lục trong năm nay và đang kêu gọi thế giới giãn nợ hàng tỉ USD để họ tập trung ứng phó với dịch bệnh. Hầu hết những lời kêu gọi đều liên quan đến Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của "lục địa đen", tuy nhiên chưa rõ Bắc Kinh sẽ hồi đáp như thế nào.
Châu Phi có câu hỏi cho Trung Quốc: 'Liệu có thể xóa nợ cho chúng tôi hay không?' - Ảnh 1.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần cẩn thận trong cách đáp lại lời kêu gọi giảm nợ ở châu Phi hoặc nước này sẽ có nguy cơ đánh mất tầm ảnh hưởng tại lục địa đen. (Ảnh minh họa: Lau Ka-kuen/SCMP)

Theo South China Morning Post (SCMP), Angola, Zambia, Sudan và Cộng hòa Congo là 4 trong các nước kêu gọi được giãn nợ. Các quốc gia này lập luận rằng họ cần phải tái phân bổ ngân sách cho chăm sóc sức khỏe và trang bị vật tư, thiết bị cho hệ thống y tế chống dịch.

Nikkei Asian Review nhận định, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu xem châu Phi là nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990 đã tạo ra nhu cầu lớn về dầu mỏ và khoáng sản.

Châu Phi dường như là lựa chọn hoàn hảo vì các công ty đa quốc gia qui mô khủng thường không để mắt đến nơi này và Bắc Kinh có thể dễ dàng trả giá cao hơn để có được cổ phần trong các mỏ dầu và quặng.

Dù không rõ lí do, chính phủ Trung Quốc tin rằng, với tư cách là chủ mỏ khai thác và chủ nợ, họ có thể tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu thô quan trọng tại châu Phi.

Bà Yun Sun - thành viên của Sáng kiến Tăng trưởng châu Phi tại Viện Brookings (Washington, Mỹ), cho biết khó có khả năng Bắc Kinh sẽ đơn phương xóa nợ cho châu Phi.

"Thay vì xóa nợ hoàn toàn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ hoãn thanh toán khoản vay, tái cơ cấu nợ, hoán đổi nợ thành cổ phần", bà Sun cho hay. Vị chuyên gia nói thêm rằng các khoản vay nhiều khả năng được xóa nợ nhất là khoản vay không lãi suất.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng trên khắp châu Phi, thiệt hại kinh tế ở lục địa đen này cũng không kém gì tại những khu vực khác trên thế giới.

Giá dầu, đồng và khoáng sản lao dốc đã tác động đến các nhà sản xuất tại Angola, Nigeria, Cộng hòa Congo, Guinea Xích đạo và Nam Sudan, trong khi các quốc gia phụ thuộc vào hoạt động du lịch như Seychelles và Mauritius phải đối mặt với suy thoái.

Zambia, Botswana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi và Zimbabwe đều đang tính toán thiệt hại khi nhu cầu của các hàng hóa mà họ sản xuất sụt giảm.

Châu Phi hỏi, Trung Quốc đáp chung chung

Vào ngày 26/3, các nước châu Phi đã kêu gọi G20 (gồm Trung Quốc) cung cấp gói cứu trợ trị giá 100 tỉ USD, trong đó có xóa nợ 44 tỉ USD. World Bank ước tính vào năm 2018, khối nợ của châu Phi với các chủ nợ bên ngoài đạt tổng cộng 584,3 tỉ USD.

Cho đến nay, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt 500 triệu USD để gia hạn nợ thêm 6 tháng cho 25 quốc gia, 19 trong số này ở châu Phi. Đến giữa tháng 4, G20 đồng ý ban hành gia hạn thanh toán khoản vay song phương cho các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Khi được hỏi sẽ xử lí khoản nợ của các nước châu Phi như thế nào, Đại sứ Trung Quốc tại Nairobi (thủ đô Kenya) đã đề cập đến một tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đưa ra ngày 16/4.

"Dựa theo quan điểm chung của G20 về vấn đề giãn nợ, Trung Quốc sẽ giúp đỡ các nước nghèo nhất tập trung nỗ lực chống đại dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như xã hội", Đại sứ Trung Quốc tại Nairobi nói.

Ông Scott Morris - thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Washington, Mỹ), nhận định Bắc Kinh cần phải đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc thảo luận về giãn nợ khi mà Trung Quốc là chủ nợ hàng đầu và thỏa thuận của G20 mới phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của nước này.

"Một điều đáng mừng là cam kết cơ bản được nêu ra trong tuyên bố của G20 có sự hỗ trợ của Trung Quốc", ông Morris nói. Tuy nhiên, ông Scott Moris cũng cho biết thêm rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với thỏa thuận giãn nợ và chi tiết xoay quanh loại khoản vay nào sẽ được hưởng ưu đãi như vậy "hơi thiếu chắc chắn".

Ông Jibran Qureishi, chuyên gia kinh tế khu vực Đông Phi của Ngân hàng Standard Bank tại Nam Phi, cho biết Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giãn nợ cho các nước châu Phi vì nhiều lí do khác.

"Vì một số lí do chính trị, Bắc Kinh sẽ muốn hoạt động linh hoạt tại châu Phi và tôi không nghĩ rằng họ muốn mất đi tầm ảnh hưởng ở châu lục này", ông Qureishi nhận định.

Vào ngày 15/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi xóa nợ mà các nước châu Phi gửi đến Trung Quốc. Trên Đài Phát thanh Quốc tế Pháp, ông Macron nói: "Tôi không nghi ngờ gì về việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tích cực hành động", có thể là giảm đáng kể hoặc xóa nợ cho châu Phi.

Trung Quốc không công bố dữ liệu cho vay ở nước ngoài nhưng số liệu từ chương trình China Africa Research Initiative của Đại học Johns Hopkins cho thấy trong giai đoạn 2000 - 2017, Bắc Kinh đã cho 49 chính phủ châu Phi và các công ty nhà nước của họ vay tổng cộng hơn 143 tỉ USD.

Jubilee Debt Campaign (có trụ sở tại London) - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh, ước tính Trung Quốc nắm giữ khoảng 1/5 tổng số nợ của các nước châu Phi.

"Ngoại giao bẫy nợ"

Theo SCMP, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào lục địa đen trong thập kỉ qua như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để xây dựng đường cao tốc, cảng, đập và đường sắt. Mục đích của sáng kiến là nhằm mở rộng mạng lưới thương mại và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Một số chính phủ, chủ yếu ở phương Tây, đã chỉ trích sáng kiến BRI, coi đây là chiếc bẫy nợ cho các nền kinh tế đang phát triển.

Trong quá khứ, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc bẫy nợ là vô căn cứ, nói rằng đất nước tỉ dân đang giúp châu Phi trong khi các nước khác bỏ mặc lục địa đen.

Angola hiện giữ khoảng 30% (tương đương 43,15 tỉ USD) trong tổng khối nợ của châu Phi với Trung Quốc. Quốc gia giàu nguồn cung dầu mỏ này bán khoảng 2/3 sản lượng dầu thô khai thác được cho Trung Quốc, nhưng giá dầu thô lao dốc về mức âm và chỉ mới phục hồi nhẹ, Angola sẽ buộc phải bơm thêm dầu để trả nợ.

Các nước châu Phi mang nợ Trung Quốc khác còn có Ethiopia (13,8 tỉ USD), Kenya (8,9 tỉ USD), Zambia (8,6 tỉ USD) và Sudan (6,5 tỉ USD), toàn bộ đều vay nợ trong giai đoạn 2000 - 2017.

Ông Morris của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho rằng cách tái cơ cấu nợ của Trung Quốc trong quá khứ thường mang tính đối phó, các cơ quan phải làm việc qua nhiều kênh chính sách đối ngoại để gia hạn nợ hoặc giảm nợ tùy thuộc vào quốc gia và loại hình cho vay.

Trước đây, Trung Quốc hầu như chỉ hủy bỏ các khoản vay không lãi suất đã đến hạn, nhưng giá trị các khoản vay này chỉ chiếm chưa đến 5% dư nợ của châu Phi với Trung Quốc, theo bà Deborah Brautigam - giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, cho hay.

Yên Khê