|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc khó tính hơn khi cho vay ra nước ngoài

10:13 | 27/02/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đang thay đổi cách cho vay ra nước ngoài, từ đầu tư vào các dự án đắt đỏ, tốn kém sang những dự án có chọn lọc, đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh rõ ràng.

Trong giai đoạn từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đã liên tục tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ ở nước ngoài. Tuy vậy, vào thời kỳ đại dịch COVID, dòng tiền cho vay cạn kiệt, và cách tiếp cận của Trung Quốc dường như đã không còn phù hợp.

Theo ước tính của Economist, thế giới đang nợ 8 ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc ít nhất 1.800 tỷ USD, hay 2% GDP toàn cầu.

 Tuyến tàu điện Mecca Metro của Arab Saudi được Tổng Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: EPA).

Các nhà phê bình cáo buộc Trung Quốc dụ dỗ các nước nghèo vào bẫy nợ nhằm đạt mục tiêu chính trị. Các nhà kỹ trị (technocrat) lo lắng xem làm thế nào để đưa Trung Quốc tham gia các sáng kiến giảm nợ cho nước nghèo.

Trong khi đó, quan chức Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng họ sẽ không thể thu lợi từ một số lượng lớn dự án. Giờ đây, khi hoạt động cho vay tăng trở lại, Trung Quốc đang chuyển sang chiến thuật tinh gọn, tinh vi hơn. 

Các nước nghèo vay nợ từ phương Tây qua tổ chức đa phương, cơ quan viện trợ, ngân hàng và thị trường trái phiếu. Những người cho vay của Trung Quốc lại thường là các ngân hàng. Do đó, khó có thể xác định được việc cho vay là vì lợi nhuận hay viện trợ.

Trong khi phương Tây ủy thác khoản vay cho người đi vay hoặc các tổ chức từ  thiện, thì hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc cho vay đều do các doanh nghiệp nhà nước của quốc gia này xây dựng. Bởi vậy, tiền không bao giờ thực sự rời khỏi Trung Quốc.

Cho vay lãng phí

Ban đầu, dường như mô hình cho vay này mang lại lợi ích cho tất cả. Tại Trung Quốc, nhu cầu xây dựng yếu khiến các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ rơi vào tình trạng sa sút. Ngân hàng thì tràn ngập USD do xuất khẩu tăng vọt. 

Việc đầu tư ra nước ngoài tạo thêm công việc kinh doanh cho các doanh nghiệp trên. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng lên những người cho vay. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2017, tổng số tiền thế giới nợ Trung Quốc tăng từ 390 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD.

Trung Quốc đã giảm cho vay ra nước ngoài từ năm 2019.

Các vết nứt bắt đầu xuất hiện vào cuối giai đoạn 2010 - 2017. Với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), Bắc Kinh tập trung xây dựng những tuyến đường kết nối Trung Quốc với thế giới. Tuy nhiên, một số khoản vay trong BRI lại chảy đến những nước đối thủ, hoặc ở quá xa. Trong khi đó, một số nước nghèo lại gặp khó khăn trong việc trả nợ, khiến nhiều dự án bị bỏ dở.

Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), các dự án xây dựng mới của Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt trước cả đại dịch COVID. Các nhà quan sát phương Tây kỳ vọng việc cho vay sẽ chậm lại cho tới khi Bắc Kinh xử lý xong hoạt động tái cấu trúc.

Thay vào đó, ngân hàng và các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc giờ đây lại tiếp tục đi ra nước ngoài. Theo FDI Markets, số thông báo về dự án mới, thường báo hiệu cho các khoản vay sắp tới, đã tăng lên vào nửa cuối năm 2022.

Chiến lược mới

Những nét phác thảo về chiến lược cho vay mới của Trung Quốc đã bắt đầu lộ ra. Vào năm 2020, quan chức nước này nói với doanh nghiệp xây dựng rằng BRI sẽ giống như “những bức tranh tỉ mỉ”. Trong một bài phát biểu năm 2021, ông Tập nhắc nhở các doanh nghiệp này rằng “nhỏ là đẹp”.

Sinenses, một công ty bảo hiểm quốc doanh, hiện đang từ chối cho các quốc gia đã mắc nợ Trung Quốc vay. Các công ty xây dựng cũng phải nắm giữ một phần nhỏ cổ phần trong các dự án mà họ thực hiện.

Theo AEI, giá trị của một dự án xây dựng trung bình đã giảm từ 459 triệu USD năm 2018 xuống còn 407 triệu USD vào năm 2022. Một dữ liệu khác của Đại học Boston cho thấy diện tích các dự án cũng đang nhỏ lại, từ 90 km2 trong giai đoạn 2013-2017 xuống chỉ còn 16 km2 vào năm 2018-2021.

Trung Quốc cũng đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động giải ngân hơn. Dữ liệu của Đại học Boston chỉ ra rằng trước đại dịch, các quỹ đầu tư được sở hữu bởi các bộ, ngân hàng chính sách và các tổ chức chính phủ là nguồn tài trợ có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Những quỹ này giúp Trung Quốc chuyển tiền đến nơi họ muốn mà không cần thông qua doanh nghiệp xây dựng. Một số quỹ là liên doanh giữa Trung Quốc và Vùng Vịnh, số khác hoạt động như quỹ đầu tư.

Hiện nay, các nhà quản lý quỹ đã chọn đầu tư vào fintech và công nghệ xanh. Theo thời gian, Trung Quốc cũng có thể dùng những kênh trên để đầu tư vào những nước giàu có, không muốn vay nợ.

Nhiều dự án được các quỹ này đầu tư liên quan tới hàng hóa thiết yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. Trước kia, ngành công nghiệp Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về dầu mỏ và quặng sắt.

Giờ đây, Trung Quốc đang sản xuất nhiều xe điện hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, và đang phải tìm kiếm một lượng lớn cobalt, đồng và lithium. Giai đoạn 2018 đến 2021, ngay cả khi các ngân hàng quốc doanh ngừng cho vay ở nơi khác, họ vẫn đổ hàng tỷ USD vào hoạt động khai thác kim loại ở Mỹ Latinh.

Các quỹ đầu tư đang là cách thức mới để Trung Quốc cho nước ngoài vay.

Đối tượng cho vay mới

Trong mô hình cho vay mới, tiền được chuyển tới hai nhóm người đi vay: nhóm có cơ hội trả nợ cao (dự án có khả năng sinh lời hoặc chính phủ đủ nguồn lực) và nhóm có thể mang lại lợi thế về ngoại giao, quân sự cho Trung Quốc.

Các khoản vay với những nước thân thiện nhưng mang lại lợi ích địa chính trị hạn chế, chẳng hạn như Angola hay Venezuela, đang dần cạn kiệt. 

Bản đồ tài chính quốc tế của Trung Quốc đang được vẽ lại. Các ngân hàng giờ đây cho châu Phi vay ít hơn, mà thay vào đó tìm đến những quốc gia lận cận, những khu vực có nhiều hàng hóa hoặc nơi để doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh thuế quan từ phương Tây.

Malaysia và Indonesia đã được hưởng lợi vì khoảng cách địa lý. Mỹ Latinh nhận được đầu tư nhờ nguồn khoáng sản. Một số lượng các nhà sản xuất quốc doanh đang tìm đến những nước có quan hệ tốt với cả Bắc Kinh và Washington.

Kỷ nguyên mới trong hoạt động cho vay của Trung Quốc cũng mang đến những điều chưa biết. Quy mô đầu tư đang trở nên khó theo dõi khi tiền từ các quỹ đầu tư được chuyển qua những nơi như Hong Kong hay quần đảo Virgin.

Dù các khoản vay đang giảm dần, tốc độ giải ngân lại tăng lên. Đồng thời, một mối quan tâm khác là sự tách rời của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu.

Trước đây, Bắc Kinh có tham vọng hòa mình vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc muốn bảo vệ mình trước cuộc chiến kinh tế của Mỹ. Nếu quan hệ hai nước tiếp tục đi xuống, Trung Quốc có thể tăng cường nỗ lực lẩn tránh thuế quan, nắm chặt đồng minh và duy trì chuỗi cung ứng.

Cây cầu dây văng hai tháp dài nhất châu Phi tại Mozambique do Tổng Công ty Cầu Đường Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: China Daily).

Ẩn số cuối cùng là liệu hành vi của Trung Quốc có thực sự thay đổi hay chưa. Liệu theo thời gian, nước này có tiếp tục tài trợ các siêu dự án như trước kia hay không?

Trước đây, các ngân hàng Trung Quốc cho nước nghèo vay tiền để thực hiện nhiều dự án lớn, một số thường không đem lại lợi ích tương xứng. Nhưng một số dự án như đập thủy điện, đường xá, … đang giúp ích cho những quốc gia không thể vay nợ ai.

Oxford Economics ước tính rằng đến năm 2040, thế giới sẽ thiếu 15.000 tỷ USD để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng. Mô hình cho vay mới của Trung Quốc có thể tốt cho nền tài chính công của nước này. Tuy nhiên, một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, sẽ nhớ cách làm việc cũ. 

Minh Quang