Trung Quốc được gì, mất gì từ mối quan hệ ‘vững như bàn thạch’ với Nga?
Chỉ vài tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã ra tuyên bố chung về mối quan hệ hợp tác “không giới hạn”. Thông điệp này đã khiến phương Tây lo lắng.
Sau gần một năm chiến sự diễn ra, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị khẳng định quan hệ Trung-Nga vẫn “vững như bàn thạch”.
Hôm 21/2, truyền thông nhà nước Nga đã phát đi một tuyên bố của ông Vương. Nội dung như sau: “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga vững như bàn thạch và sẽ vượt qua những thách thức bắt nguồn từ những biến đổi trong tình hình quốc tế”.
Vậy, Trung Quốc đã được gì và mất gì sau khi thắt chặt mối quan hệ hợp tác với Nga trong suốt một năm qua?
Trung Quốc giúp đỡ Nga như thế nào?
Theo tờ Reuters, Bắc Kinh đã hỗ trợ ngoại giao cho Nga, từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bất chấp áp lực từ các nước phương Tây. Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi hòa bình, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đứng về phía người đồng cấp Nga Vladimir Putin, chống lại áp lực đòi cô lập Moscow của Mỹ và các đồng minh.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh giao thương với Nga. Đặc biệt, Trung Quốc tăng cường mua các sản phẩm năng lượng của Nga, đem đến phao cứu sinh cho một nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trung Quốc mất gì?
Theo giới phân tích, sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga đã gây tổn hại sâu sắc đến thiện chí của phương Tây đối với Bắc Kinh.
Các nhà ngoại giao nhận xét việc Nga điều quân sang Ukraine có vẻ đã khiến Trung Quốc bị bất ngờ, và Tổng thống Putin đã không báo trước cho ông Tập về kế hoạch tấn công của mình khi đến thăm Bắc Kinh nhân dịp Đại hội Olympic mùa đông năm ngoái.
Cuộc chiến đã đặt Trung Quốc vào thế khó xử vì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia là tư tưởng cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Trung Quốc được gì?
Giới phân tích cho biết cuộc chiến với Ukraine đã khiến Nga phụ thuộc hơn nhiều vào Trung Quốc, củng cố vị thế lãnh đạo của Bắc Kinh tại các quốc gia mới nổi. Nhờ đó, Bắc Kinh có thể xây dựng một hệ thống nhằm đối đầu với trật tự hậu Thế chiến thứ hai do Mỹ đứng đầu.
Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận xét: “Tóm lại, Trung Quốc hợp tác với Nga vì lợi ích của chính mình”. Trung Quốc cũng đã tăng cường nhập khẩu dầu thô Nga với giá chiết khấu.
Hợp tác Nga-Trung có đúng là “không giới hạn”?
Trung Quốc không muốn bị phương Tây trừng phạt, vì vậy họ cũng tránh hỗ trợ Nga để giảm bớt rủi ro này. Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo về hậu quả nếu nước này cung cấp vũ khí cho Nga.
Bắc Kinh cũng duy trì khoảng cách với một số lập luận của Nga nhằm tránh những thiệt hại không thể khắc phục được trong quan hệ với phương Tây. Đồng thời, Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng đối với Moscow để kêu gọi ông Putin không sử dụng vũ khí hạt nhân, tờ Reuters cho biết.
Lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến đã thay đổi?
Trung Quốc đang đóng vai trò công khai và tích cực hơn sau nhiều tháng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình mà không có hành động trực tiếp.
Dự kiến ông Tập sẽ đọc “bài phát biểu hòa bình” vào hôm 24/2 – ngày kỷ niệm một năm của cuộc chiến. Trung Quốc cũng sẽ công bố đề xuất liên quan đến xung đột Nga-Ukraine nhằm nêu rõ lập trường của mình.
Bà Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận xét: “Theo quan điểm của Trung Quốc, thất bại của Nga trên chiến trường chứng tỏ thời điểm cho các cuộc đàm phán đã chín muồi. Hoạt động ngoại giao con thoi của ông Vương và bài phát biểu sắp tới của ông Tập về chiến sự Nga-Ukraine cho thấy Trung Quốc đang nghĩ theo hướng này”.
Ông Vương đến thăm Moscow vào ngày 21/2 sau khi gặp gỡ các quan chức Mỹ và châu Âu trong chuyến công du kéo dài 8 ngày.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/