WSJ: Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Nga nhằm thúc đẩy chấm dứt xung đột Ukraine
TheoWall Street Journal (WSJ), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tới Moscow để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những tháng tới.
Bắc Kinh tuyên bố muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc kết thúc cuộc xung đột. Theo nguồn tin của WSJ, cuộc gặp gỡ của ông Tập với ông Putin nằm trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình đa phương.
Phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi với sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc, vốn đã được nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, ông Vương Nghị phác thảo tại Hội nghị An ninh Munich hồi tuần trước.
Quá trình tổ chức chuyến thăm vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, và thời gian cũng chưa được quyết định. Ông Tập có thể đến Moscow vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5, khi Nga kỷ niệm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Vào chiều ngày 21/2, ông Vương Nghị, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc, đã tới Moscow nhằm thảo luận quan hệ Trung - Nga cũng như “những điểm nóng khu vực và quốc tế mà cả hai cùng quan tâm”.
Ông Vương đã gặp mặt Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev. Theo Tân Hoa Xã, hai bên đã đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác và nỗ lực để cải thiện quản trị toàn cầu, và chống lại “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Theo RIA Novosti, ông Vương tuyên bố: “Quan hệ Trung Quốc - Nga vững như bàn thạch và sẽ chống chịu lại bất cứ thử thách nào của tình hình quốc tế đang biến động”.
Ông Patrushev nói rằng “phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc là ưu tiên tuyệt đối trong chính sách ngoại giao của Nga. Bản thân mối quan hệ của hai nước đã có giá trị và không phụ thuộc vào sự hợp tác bên ngoài”.
Ông cho rằng phương Tây đang tiến hành một chiến dịch nhằm “kiềm chế Nga và Trung Quốc, cũng như sự hợp tác Nga - Trung và tương tác của hai nước trên trường quốc tế”.TASS cho biết nhà ngoại giao Trung Quốc dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov vào ngày 22/2.
Nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau bên lề Thế vận hội mùa Đông 2022, cùng đưa ra một tuyên bố chung, thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và khẳng định mối quan hệ “không giới hạn”.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã cung cấp hỗ trợ về mặt ngoại giao cũng như kinh tế cho Nga. Trung Quốc đã mua dầu, khí đốt từ Nga, cũng như bán cho Moscow các loại chip bán dẫn và công nghệ cao.
Nguồn tin của WSJ cho biết, lập trường kêu gọi hòa bình gần đây của Bắc Kinh một phần nhằm chống lại sự mất lòng tin ngày càng lớn giữa Trung Quốc và phương Tây, cũng như sự hình thành các khối địa chính trị trong lĩnh vực an ninh và công nghệ.
Bắc Kinh cũng lo ngại rằng Nga, một đối tác chính trong cuộc cạnh tranh với phương Tây, có thể bị suy yếu nếu gặp thêm nhiều khó khăn hoặc thất bại trên chiến trường Ukraine.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giao tranh Ukraine ngày một khốc liệt, châu Âu đẩy mạnh mua vũ khí Mỹ 17/02/2023 - 17:37
Mỹ cũng đang gây thêm áp lực lên Trung Quốc về lập trường với Ukraine. Tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh không nên gửi vũ khí tới Nga. Vào ngày 20/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng Mỹ mới chính là kẻ đang cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột.
Nỗ lực kết thúc xung đột cũng phù hợp với tham vọng của ông Tập về việc gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng sẽ có những trở ngại lớn trước khi đạt được đột phá ngoại giao. Bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ cần gây áp lực lên Nga, điều mà Trung Quốc không sẵn sàng thực hiện.
Bà Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết: “Trung Quốc không chỉ cần kêu gọi hòa bình mà còn phải đưa ra tầm nhìn về cách giải quyết chiến tranh”.
“Kêu gọi hòa bình thì đơn giản. Nhưng Trung Quốc sẵn sàng làm gì để biến [lời kêu gọi] thành hiện thực?”, bà nói.
Nỗ lực tham vọng nhất của Bắc Kinh trong việc kiến tạo hòa bình diễn ra vào đầu những năm 2000, khi nước này khởi động các vòng đàm phán 6 bên nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã thất bại vào năm 2008, sau khi Triều Tiên rút lui.