Nga và Ukraine cạn dần đạn dược, nhà máy từ Mỹ đến châu Âu căng mình sản xuất để kịp cung ứng
Hai bên cạn dần đạn dược
Trung bình một ngày trên chiến trường, binh lính Nga và Ukraine ném tới 30.000 quả đạn pháo vào nhau. Như vậy, một tuần sẽ cần hơn 200.000, một tháng dùng gần 1 triệu quả đạn pháo.
Đó là còn chưa tính đến đạn, mìn, lựu đạn cầm tay và các vũ khí khác mà quân đội hai bên triển khai trong cuộc chiến sắp sửa bước sang năm thứ hai vào cuối tuần tới, Bloomberg thống kê.
Mặc dù quân đội Nga thường bắn gấp đôi số đạn dược so với binh lính Ukraine, kho dự trữ của hai bên nhìn chung đều đang bị thu hẹp.
Chia sẻ với các phóng viên tại Brussels ngày 13/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết số đạn dược mà Ukraine đang dùng “cao hơn nhiều lần” so với tốc độ sản xuất hiện tại các các nước đồng minh.
Cục diện trên đang khơi mào cho một cuộc cạnh tranh, các bên chạy đua để đưa thêm đạn dược và vũ khí ra tiền tuyến. Việc sản xuất đạn dược ở nhà máy cũng căng thẳng không kém cuộc chiến trên chiến trường.
Theo nhận định của ông Mark Cancian, cựu Đại tá Thuỷ quân lục chiến Mỹ và hiện là cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế, không bên nào có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn kho đạn dược nhưng nguồn cung đang dần hẹp lại.
“Tại một thời điểm nhất định, nguồn cung đạn dược sẽ trở thành vấn đề đáng ngại. Nếu đạn dược quá khiêm tốn, binh lính không thể bắn trúng [và phá huỷ] mục tiêu”, ông Cancian nói.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang có sự tương đồng với Thế chiến thứ nhất, khi các bên tham chiến cố thủ ở những vị trí nhất định và bắn vô số đạn pháo hòng phá vỡ thế bế tắc.
Khi cuộc chiến kéo dài, cả hai bên đều thiếu đạn pháo. Năm 1915, chính trường Anh rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi chính phủ đương thời không cung cấp đủ dạn dược cho quân đội, dẫn đến một “cuộc khủng hoảng đạn dược”.
Ukraine được phương Tây trợ sức
Giới chức các nước đồng minh cho biết quân đội Ukraine vẫn đang bám trụ chiến tường nhờ vào những vũ khí tân tiến mà phe NATO cung cấp, cho phép binh lính sử dụng đạn dược hiệu quả hơn so với phe Nga.
Hơn nữa, Ukraine có thể dựa vào các nhà máy sản xuất vũ khí quốc phòng ở châu Âu, Mỹ và Canada. Công suất của các nhà máy này thường lớn hơn của Nga. Trong khi đó, Moscow phải tìm tới sự giúp đỡ từ Triều Tiên và Iran.
Quân đội Mỹ cho biết vào mùa xuân năm nay, công suất sản xuất đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn của NATO sẽ tăng từ 14.000 lên 20.000 quả mỗi tháng.
Hồi tháng 1, quân đội Mỹ đã thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào nhiều nhà máy trên khắp đất nước, với mục tiêu sản xuất được 90.000 quả đạn pháo mỗi tháng ngay trong năm tới.
Công ty Rheinmetall AG của Đức sẽ rót hơn 10 triệu euro (tương đương 10,7 triệu USD) vào một dây chuyền sản xuất mới gần Hamburg để chế tạo đạn cho súng phòng không Gepard mà Berlin đã cung cấp cho Ukraine.
ZVS Holding tại Slovakia cho biết họ sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng đạn pháo 155 mm lên 100.000 quả vào năm tới. Pháp và Australia thì đang hợp tác để sản xuất một lượng đạn pháo 155 mm, con số cụ thể chưa được tiết lộ.
Và Ukraine chia sẻ rằng họ đã nhất trí với các thành viên NATO về việc sản xuất các loại vũ khí khác nhau tại một số nhà máy bên ngoài đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vũ khí, đạn dược của các nước Tây Âu diễn ra khá chậm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hoà Séc Tomas Kopecny, cho hay.
Các bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ hơn một chục quốc gia NATO đã gặp mặt vào mùa hè năm ngoái để thảo luận về vấn đề trên, nhưng nhiều chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ đầu tư vào đâu hay như thế nào.
Ông Kopecny cảnh báo: “Nếu chúng ta để nền kinh tế Nga chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình sản xuất thời chiến và không nhanh chóng đẩy nhanh các dự án trong nước, Nga sẽ có nhiều đạn dược hơn số mà chúng ta cung cấp cho Ukraine”.
Theo một nhà ngoại giao cao cấp châu Âu, một trong các trở ngại lớn nhất đối với việc nâng sản lượng đạn dược là một số nước NATO muốn tự mua vũ khí cho các hệ thống quốc phòng tự phát trong nước, thay vì hợp tác cùng các quốc gia khác.
Trao đổi với Bloomberg, nhà ngoại giao cho biết việc gộp các đơn hàng có thể tăng tốc độ sản xuất vũ khí, đạn dược; đồng thời vẫn tiết kiệm được chi phí. Hơn nữa, sử dụng cùng loại đạn dược sẽ giúp bảo đảm rằng tất cả các nước đều có thứ họ cần.
Nga chủ yếu tự lực cánh sinh
Dù có rất ít thông tin công khai về nỗ lực tăng cường nguồn cung đạn dược của Nga, rõ ràng là Điện Kremlin đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất vũ khí quốc phòng, theo Bloomberg.
Các quan chức chính phủ thường xuyên gặp gỡ đại diện của doanh nghiệp quốc phòng để điều phối các kế hoạch và truyền hình nhà nước Nga cho biết các nhà máy sản xuất vũ khí vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất trong kỳ nghỉ năm mới, dù phần đông người dân được nghỉ lễ 10 ngày.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết số đạn dược mà quân đội nước này mua đã tăng gấp đôi trong năm 2022 và chi tiêu cho các hệ thống vũ khí trong năm nay sẽ cao hơn 50% so với năm ngoái.
Hồi tháng 12, Tổng thống Vladimir Putin chia sẻ với nhân viên Bộ Quốc phòng như sau: “Chúng ta không có giới hạn chi tiêu cho quốc phòng. Đất nước, chính phủ sẽ cung cấp bất cứ thứ gì mà quân đội yêu cầu. Bất cứ thứ gì!”
Hồi tháng 2, hãng thông tấn nhà nước Nga đưa tin rằng sản lượng của đạn pháo dẫn đường Krasnopol đã tăng đáng kể.
Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow ước tính việc sản xuất máy bay chiến đấu đã tăng gấp rưỡi vào năm ngoái, dù vẫn thấp hơn 70% so với năm 2014.
Trong khi đó, Uraltransmash - công ty chuyên sản xuất pháo tự hành - đã thông báo về một đợt tuyển dụng lớn. Và Uralvagonzavod, nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chính của Nga, cho biết họ đang hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
“Chúng tôi phải hiện đại hoá và sản xuất thêm hàng nghìn xe tăng”, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, chia sẻ trong chuyến thăm đến một nhà máy vũ khí vào ngày 9/2.
Cho đến khi những lo ngại về nguồn cung giảm bớt, cả Nga lẫn Ukraine đều có thể sẽ phải hạn chế sử dụng đạn dược, ông Rob Bauer, sĩ quan quân sự cao cấp của NATO, nhận định.
Cuộc chiến tại Ukraine cũng cho NATO một bài học lớn, ông Bauer nói. “Trong chiến sự, quan trọng là chúng ta phải đảm bảo có đủ nguồn cung vũ khí cho đến khi cuộc chiến chấm dứt”.