Phương Tây viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, Nga cảnh báo xung đột sẽ ngày càng leo thang
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Konstantin Gavrilov, Trưởng phái đoàn Nga trong các cuộc đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở Vienna (Áo), hôm 26/1 cảnh báo phương Tây càng hỗ trợ nhiều cho Ukraine, cuộc xung đột sẽ càng leo thang.
Phát biểu trên truyền hình Nga Rossiya-24 TV, ông Gavrilov nói: “Viện trợ tới Ukraine càng nhiều, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ càng lớn”.
Hôm 6/1, Washington thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev trị giá hơn 3 tỷ USD, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley và pháo tự hành. Hôm 25/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố kế hoạch gửi 31 xe tăng M1A1 Abrams tới Ukraine.
Chính phủ Đức cũng đồng ý viện trợ hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 sau thời gian dài khước từ đề nghị từ phía Ukraine. Đức sẽ gửi sớm 14 chiếc Leopard 2 và dần dần cung cấp số xe tăng còn lại. Ngoài ra, Đức cũng cho phép các nước mua xe tăng Đức được cung cấp lại cho Ukraine.
Trước Đức và Mỹ, các nước Anh, Pháp và Ba Lan đều đã quyết định viện trợ xe tăng và xe bọc thép cho Ukraine. Bộ quốc phòng các nước Na Uy và Slovakia cũng đang có ý định hỗ trợ tương tự.
Phản ứng gay gắt của Nga
Ngày 25/1, ông Konstantin Gavrilov đã gọi việc các nước phương Tây viện trợ xe tăng và xe bọc thép cho Ukraine là “hành động khiêu khích hạt nhân” và đe dọa sẽ đáp trả thích đáng.
“Chúng tôi cảnh báo những nước phương Tây đang tài trợ cho cỗ máy quân sự của Kiev hãy dừng ngay hành động khiêu khích hạt nhân và tống tiền. Chúng tôi biết rằng xe tăng Leopard 2 và các xe chiến đấu bộ binh Bradley và Marder được trang bị đầu đạn xuyên giáp làm từ uranium”, ông Gavrilov nói.
“Việc sử dụng đầu đạn uranium sẽ gây ô nhiễm cho cả khu vực, tương tự như những gì xảy ra ở Nam Tư và Iraq. Nếu những loại đạn cho vũ khí hạng nặng của NATO này được cung cấp cho Kiev, chúng tôi sẽ coi đó là hành động tương đương việc sử dụng bom hạt nhân bẩn chống lại Nga và có hành động đáp trả thích đáng”.
Học thuyết quân sự của Nga cho phép quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân khi nước khác tấn công Nga bằng vũ khí hạt nhân, hoặc bằng vũ khí thông thường nhưng “sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”.
Theo lời ông Gavrilov, Nga sẽ coi việc Ukraine sử dụng đầu đạn làm bằng uranium nghèo là hành động tấn công hạt nhân và do vậy Nga sẽ được quyền dùng bom hạt nhân để đáp trả.
Uranium nghèo (Depleted uranium - DU) là một sản phẩm phụ thường thấy của quá trình sản xuất thanh nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Uranium nghèo có mật độ rất cao là 19,1 g/cm3, nặng hơn khoảng 68% so với chì. Nhờ đặc tính rất nặng và cứng, uranium nghèo thường được dùng trong các loại đạn xuyên giáp chống lại xe tăng hạng nặng hoặc các công sự kiên cố.
Uranium nghèo còn có khả năng bắt cháy tốt. Sau khi xuyên qua lớp giáp kim loại, đầu đạn sẽ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và bốc cháy, tiêu diệt sinh lực ở trong xe tăng và tạo ra uranium oxit.
Uranium nghèo có hàm lượng đồng vị phân hạch U-235 thấp hơn uranium có trong tự nhiên. Cụ thể, Uranium tự nhiên chứa khoảng 0,72% U-235 tính theo trọng lượng, trong khi uranium nghèo mà Mỹ sử dụng trong đạn xuyên giáp chứa dưới 0,3% U-235.
Mặc dù vậy, uranium nghèo vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây tác hại ghê gớm cho sức khỏe con người vì khả năng phóng xạ, gây ngộ độc nặng và dẫn tới dị tật thai nhi.
Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1990 – 1991), quân đội Mỹ đã bắn gần 1 triệu viên đạn uranium nghèo. Các bác sĩ nhận thấy số trường hợp ung thư và dị tật bẩm sinh tại Iraq tăng vọt sau cuộc chiến. Hiện tượng tương tự diễn ra sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai (2003).
Các phân tử uranium oxit và các hợp chất khác có thể bám vào lớp đất ở khu vực mà đầu đạn được sử dụng, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Ông Sergey Nechayev, Đại sứ của Nga tại Đức gọi quyết định đưa xe tăng Leopard tới Ukraine là “cực kỳ nguy hiểm” vì “khiến cuộc xung đột leo thang lên mức độ đối đầu mới”.
Theo ông Nechayev, quyết định của Berlin báo hiệu “sự chối bỏ cuối cùng của Đức trong việc công nhận trách nhiệm lịch sử” đối với tội ác mà Đức Quốc xã đã gây ra trong Thế chiến II. Việc Đức viện trợ xe tăng cho Kiev đã khiến cho “con đường hòa giải khó khăn sau chiến tranh giữa Nga và Đức” rơi vào quên lãng.
Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn của chính phủ Nga, nói: “Thật không may, càng nhiều vũ khí từ NATO sẽ càng khiến Ukraine phải chịu đựng nhiều đau khổ”
Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, cho rằng việc Mỹ đưa xe tăng Abrams tới Ukraine “sẽ là một sự khiêu khích trắng trợn nữa nhằm vào Liên bang Nga”, đồng thời đe dọa: “Xe tăng Mỹ chắc chắn sẽ bị phá hủy giống như mọi vũ khí NATO khác”.