|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lần đầu tiên phương Tây sẽ đưa xe tăng chủ lực hiện đại đến Ukraine

08:17 | 12/01/2023
Chia sẻ
Hai thành viên NATO là Anh và Ba Lan đã tuyên bố viện trợ tăng chủ lực hiện đại, do phương Tây sản xuất cho Ukraine.

Theo RT, Anh và Ba Lan sẽ là hai quốc gia NATO đầu tiên viện trợ cho Ukraine xe tăng chủ lực (MBT) của phương Tây. Các thành viên NATO đã từng viện trợ xe tăng cho Ukraine, nhưng là xe tăng hạng nhẹ, hoặc xe tăng do Liên Xô sản xuất.

Vào hôm 11/1, người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cho biết London sẽ gửi tới Kiev xe tăng chủ lực. Trước đó, Ba Lan cũng tuyên bố sẽ chuyển xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine, với sự cho phép của Berlin.

Người phát ngôn này cho biết ông Sunak đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace “làm việc với các đối tác” để “đi xa hơn và nhanh hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao xe tăng”. Theo thông tin từ Sky News, Anh “có thể cung cấp khoảng 10” xe tăng cho Ukraine. 

Xe tăng chủ lực Challenger 2 của Anh sở hữu thành tích bất bại trên chiến trường. Mẫu MBT này chưa từng bị bắn hạ bởi kẻ thù. Chiếc Challenger duy nhất bị thiệt hại là do "quân ta bắn quân mình" vào năm 2003. (Ảnh: Adrian Dennis/AFP).

Một thông báo chính thức có thể sẽ được đưa ra cùng với một số đồng minh NATO, tương tự như tuyên bố viện trợ xe thiết giáp hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ vào tuần trước.

Các quan chức Mỹ đã nói rằng Washington sẽ không gửi xe tăng M1 Abrams tới Ukraine, bởi phương tiện này có yêu cầu bảo trì quá cao và cực kỳ tốn xăng.

Cùng ngày, phía Ban Lan cho biết sẽ cung cấp cho Kiev một số xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Tuy vậy, quyết định này cần được Berlin bật đèn xanh. Trong một hội nghị tại Lvov, Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố: “Một đại đội xe tăng Leopard sẽ được chuyển giao, như một phần trong nỗ lực xây dựng liên minh”.

Ba Lan hiện đang vận hành khoảng 250 chiếc Leopard thuộc nhiều biến thể khác nhau, chủ yếu được mua lại từ Đức. Theo các thỏa thuận hiện có, để chuyển giao vũ khí do Đức sản xuất cho bên thứ ba, Warsaw sẽ cần sự chấp thuận từ Berlin.

Biến thể Leopard 2 PL - phiên bản hiện đại hóa của Leopard 2A4 dành cho Ba Lan. (Ảnh: Bumar-Labedy).

Người phát ngôn chính phủ Đức, ông Steffen Hebestreit nói với các phóng viên rằng tính đến 9/1, Berlin không nhận được bất kỳ yêu cầu chuyển giao xe tăng Leopard 2 nào.

Chính phủ Đức hiện không có kế hoạch viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraine. Vào hôm 9/1, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck tuyên bố không loại trừ khả năng trên. Trong khi đó, Kiev cho rằng sự thận trọng của Đức là không có căn cứ.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với kênh tin tức Tagesschau hôm 11/1: “Đức sẽ [viện trợ xe tăng cho Ukraine] vào một ngày sau đó”. “Điều tương tự đã xảy ra với pháo tự hành, hệ thống phòng không IRIS-T và gần đây nhất là xe chiến đấu bộ binh Marder và hệ thống phòng không Patriot”.

Cộng hòa Séc là thành viên NATO đầu tiên gửi xe tăng tới Ukraine. Vào tháng 4/2022, nước này đã chuyển giao một số xe tăng T-72 cho Kiev. Ba Lan hiện là nước viện trợ nhiều xe tăng nhất cho Ukraine.

Tổng thống Duda cho biết Ba Lan đã chuyển gia 240 chiếc T-72, một phần trong “sự hỗ trợ ngoạn mục” cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu xe tăng do phương Tây sản xuất.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá gần 100 tỷ USD cho Ukraine vào năm 2022. 

Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng viện trợ quân sự cho Kiev chỉ kéo dài cuộc xung đột và tăng nguy cơ đối đầu trực diện. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết rằng Mỹ và NATO “chắc chắn” đang tham gia vào cuộc xung đột, “mặc dù [chỉ là] gián tiếp, thông qua ủy nhiệm”. 

Minh Quang