Lời nguyền địa lý: Vì sao Ukraine thường xuyên là mục tiêu tranh đoạt trong hơn 100 năm qua?
Theo hãng tin Bloomberg, có thể gọi khoảng 100 năm qua là Thế kỷ Ukraine, vì quốc gia này đã đóng vai trò trung tâm trong mọi cuộc xung đột toàn cầu lớn thời hiện đại.
Ukraine - trung tâm của các cuộc xung đột?
Ukraine là một mục tiêu chiến lược vì nguồn tài nguyên dồi dào và ví trị địa lý quan trọng. Quốc gia này sở hữu một số vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất thế giới và sản xuất một phần đáng kể sản lượng lúa mỳ, ngô và lúa mạch của thế giới khi chiếm 6% tổng lượng nông sản giao dịch trên thị trường quốc tế.
Về địa lý, Ukraine là quốc gia có diện tích lớn thứ hai châu Âu, nằm gần Biển Đen và nối liền phần diện tích trên lục địa châu Âu của nước Nga với thế giới.
Quan trọng nhất, Ukraine là bản lề kết nối các nước phát triển ở châu Âu với cái mà nhà địa chính trị Halford Mackinder gọi là “Vùng Đất lõi” của trung tâm lục địa Á-Âu, sở hữu những vùng đất rộng lớn, giàu có về nông nghiệp và tài nguyên năng lượng.
Bất kỳ đế chế châu Âu nào muốn mở rộng về phía đông đều phải đi qua Ukraine; bất kỳ cường quốc Á-Âu nào muốn gia tăng sức ảnh hưởng với châu Âu cũng phải làm như vậy. Năm 1919, ông Mackinder đã nhận định về Ukraine rằng: “Ai thống trị Đông Âu sẽ kiểm soát Vùng Đất lõi; ai thống trị Vùng Đất lõi sẽ kiểm soát Đảo Thế giới; ai thống trị Đảo Thế giới sẽ kiểm soát thế giới”.
Số phận long đong của Ukraine
Học giả Dominic Lieven nhận định Thế chiến I đã ảnh hưởng đến số phận của Ukraine. Việc chinh phục khu vực này, khi đó là một phần của đế chế Nga, là trọng tâm trong kế hoạch của Đức nhằm tạo ra một Mitteleuropa (Trung Âu) giàu tài nguyên kéo dài từ Biển Bắc đến dãy núi Caucasus.
Khi quân đội Đức giành Ukraine khỏi tay Nga vào năm 1918, Berlin đã nhanh chóng đạt được tầm nhìn Á-Âu của mình. Tuy nhiên, kế hoạch này đã sụp đổ khi Đức thua ở mặt trận phía tây và Liên Xô có điều kiện thành lập đế chế riêng.
Ukraine một lần nữa xuất hiện trong giấc mơ bá chủ của trùm phát xít Adolf Hitler. Quốc gia này sở hữu "không gian sống" và kho thực phẩm có thể khiến nước Đức trở nên bất khả xâm phạm trước những kẻ thù lớn như Đế quốc Anh và Mỹ.
Nạn đói năm 1932 - 1933 dưới thời Liên Xô và cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến II đã làm hàng chục triệu người Ukraine thiệt mạng.
Một số trận chiến quan trọng của Thế chiến II đã diễn ra trên đất Ukraine, khi quân đội hai phe cố gắng chiếm được khu vực trọng yếu này. Chiến thắng của quân Đồng minh đơn thuần đảm bảo rằng Ukraine vẫn thuộc về đế chế Xô Viết.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
Khi Liên Xô bắt đầu tan rã trong nhiều thập kỷ sau đó, quyết định tuyên bố độc lập của Ukraine đã góp phần định đoạt số phận của Nga. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski năm 1994 nhận định rằng khi không có Ukraine, Nga không còn là một đế chế.
Nhận xét trên có thể là lời lý giải cho những quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ việc can thiệp vào cuộc bầu cử Ukraine năm 2014 cho đến chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022.
Ai giành phần thắng?
Theo The Hill, chiến lược hiện tại của ông Putin là “thắng bằng cách không thua”. Chiến dịch không kích của Nga nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng điện, nước và lương thực của Ukraine đặt mục tiêu buộc Kiev phải đầu hàng hoặc chấp nhận các điều khoản có lợi cho Moscow.
Trong khi đó, Nga đang xây dựng lại quân đội; còn Ukraine tiếp tục huy động và huấn luyện hàng trăm nghìn binh sĩ trong nỗ lực đánh bại các cuộc tấn công của Nga và tái chiếm các vùng lãnh thổ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho rằng việc cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào là một ẩn số. Nhưng thế bế tắc có nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Nếu Nga giành chiến thắng, tình hình chiến lược tại châu Âu về cơ bản sẽ thay đổi và mối quan hệ đối tác Trung Quốc - Nga tại khu vực Âu Á sẽ được củng cố.
Tuy nhiên, nếu Ukraine giành chiến thắng, những hệ quả sẽ rất khác. Quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc có thể trở nên căng thẳng khi Moscow sẽ phải xin sự giúp đỡ từ Bắc Kinh. Bên cạnh đó, chiến thắng của Ukraine cũng có thể tạo nên một cộng đồng các nước phương Tây chống Nga. Một lần nữa, chiến sự ở Ukraine sẽ định hình lại trật tự thế giới.
Cuộc chiến cũng là một lời nhắc nhở rằng các đặc điểm cốt lõi của địa chính trị vẫn giữ nguyên, ngay cả khi thế giới biến đổi nhiều như thế nào và vị trị địa lý vẫn đóng vai trò quan trọng.