Địa lý Trung Quốc gần như hoàn hảo, điểm yếu duy nhất là nước
Trung Quốc có hơn 5.000 năm lịch sử và là một trong 4 nền văn minh cổ đại (Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ và Hoàng Hà). Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc vẫn luôn là cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc có được thành công như vậy một phần lớn đến từ địa lý: khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, được bảo vệ từ nhiều hướng và tương đối an toàn trước kẻ thù.
Tuy nhiên, nước (bao gồm cả biển và sông) đang là vấn đề lớn với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Đảm bảo được nguồn nước ngọt, kiểm soát được đại dương là điều kiện cần cho tương lai của Trung Quốc.
An toàn từ ba hướng
Lịch sử Trung Quốc là sự mở rộng từ khu vực đồng bằng nằm giữa sông Hoàng Hà và Trường Giang, ra ba hướng bắc, tây, và nam. Lãnh thổ Trung Quốc ngừng mở rộng khi gặp những rào cản địa lý không thể vượt qua và tạo ra những vùng đệm an toàn.
Khu vực lõi của Trung Quốc có đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối ôn hòa, đủ sức để nuôi sống 1,4 tỷ người.
Sở dĩ Trung Quốc có dân số lớn nhất thế giới một phần là bởi địa lý của Trung Quốc từ xa xưa đã thuận lợi cho sản xuất lương thực, đủ để nuôi sống nhiều người. Những khu vực khác, chẳng hạn như Nga hay châu Âu, có khí hậu lạnh giá hoặc địa hình khó khăn, không phù hợp cho nông nghiệp nên dân số thấp.
Phía bắc
Phía bắc Trung Quốc tồn tại hai cường quốc, một trong quá khứ và một thuộc thời hiện đại. Đầu tiên phải kể đến Đế quốc Mông Cổ từng tung hoành khắp châu Á, châu Âu vào thế kỷ 13 và 14. Chính Trung Quốc cũng trở thành nạn nhân của vó ngựa Mông Cổ.
Tuy nhiên, vào thời hiện đại, việc tấn công Trung Quốc từ phía bắc không khác nào tự sát, bởi quân đội sẽ phải vượt qua sa mạc Gobi khắc nghiệt. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở khu vực này sẽ làm bất cứ cuộc hành quân nào qua vùng Nội Mông trở nên không tưởng.
Phía trên Mông Cổ là Nga, một cường quốc hiện đại. Nga và Trung Quốc tiếp giáp nhau ở khu vực Hắc Long Giang (bên bờ Thái Bình Dương), một phần Khu tự trị Nội Mông và một phần nhỏ chỉ khoảng 40 km gần Kazakhstan.
Tuy nhiên, vùng Viễn Đông của Nga có khí hậu khắc nghiệt, và dân số chưa đến 10 triệu người, so với khoảng hơn 100 triệu chỉ tính riêng vùng Mãn Châu của Trung Quốc. Dải đất hẹp tiếp giáp giữa hai nước “có thể là điểm yếu”, nhưng Moscow không có đủ tiềm lực cũng như lý do để tấn công Trung Quốc.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
Cuộc xung đột Ukraine cũng đang đẩy Nga và Trung Quốc lại gần nhau hơn. Kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga chắc chắn phải dựa vào sự giúp sức của Bắc Kinh.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có đường biên giới trên bộ với Triều Tiên. Quốc gia này có thể được coi như một "vùng đệm", ngăn cách Trung Quốc với Hàn Quốc - nơi có căn cứ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, giống như Nga, Bình Nhưỡng có quan hệ thân thiết và sẽ phải dựa nhiều vào Bắc Kinh trong hiện tại và tương lai.
Phía Tây
Phía tây Trung Quốc tiếp giáp với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Pakistan. Trong quá khứ đây từng là Con đường Tơ lụa và có thể là một điểm yếu của Trung Quốc thời hiện đại.
Tuy nhiên, chắc chắn Kazakhstan không đủ khả năng để thách thức cường quốc số hai thế giới. Đồng thời, tương tự như Nội Mông, cơ sở hạ tầng khu vực này kém phát triển, và quãng đường cần di chuyển để tới được vùng lõi của Trung Quốc lên đến hàng nghìn cây số. Tương tự, Afghanistan, Pakistan, Kyrgyzstan đề có đường biên giới ngắn và địa hình hiểm trở.
Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc không đến từ bên ngoài, mà đến từ chính Khu tự trị Tân Cương. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt, cũng như thúc đẩy người Hán di dân sang Tân Cương, để ổn định tình hình chính trị.
Phía Nam
Tây Nam là nơi hai nền văn minh cổ xưa, cũng là hai quốc gia đông dân nhất thế giới gặp nhau. Tuy nhiên, hoạt động giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần như không diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử bởi địa hình khắc nghiệt của khu vực này.
Cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya là như một phiên bản tự nhiên của “Vạn lý Trường Thành”, ngăn cách Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi vậy, trong quá khứ cũng như tương lai, cả hai quốc gia sẽ khó mà xảy ra chiến tranh mặc dù có hệ thống chính trị khác nhau và bất đồng về biên giới.
Tất nhiên, Bắc Kinh và New Delhi đều muốn có được Cao nguyên Tây Tạng, nhưng vì các lý do khác nhau. Trung Quốc mong muốn kiểm soát nguồn nước huyết mạch, còn Ấn Độ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, và một vài xung đột nhỏ lẻ đã xảy ra trong quá khứ.
Myanmar, Lào, Việt Nam là ba quốc gia Đông Nam Á tiếp giáp với Trung Quốc. Biên giới giữa Lào, Myanmar và Trung Quốc là cao nguyên và núi cao, tăng dần từ đông sang tây.
Vùng giáp với Việt Nam chính là điểm yếu hiếm hoi của biên giới trên bộ của Trung Quốc. Với địa hình có nơi tương đối bằng phẳng, tiếp giáp với biển, nên việc di chuyển và vận tải hậu cần tương đối thuận lợi. Bởi vậy, trên thực tế, lịch sử hàng nghìn năm giữa hai quốc gia cũng không mấy hòa bình, nhiều triều đại phương Bắc trước đây đều có mong muốn xâm chiếm Việt Nam.
Nước là mạch sống
Dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, 94% dân số của Trung Quốc sống ở phía đông, khu vực chỉ chiếm 47% diện tích đất nước. Nơi đây có những đồng bằng phì nhiêu, khí hậu tương đối ôn hòa và đặc biệt có nhiều con sông lớn.
Trung Quốc thời cổ đại dựa vào dòng nước sông để phát triển, các vương quốc lớn thường xuất hiện tại châu thổ của 4 con sông là Hoàng Hà, Trường Giang, Châu Giang và Hắc Long Giang.
Sông là mạch nguồn của sự sống, cung cấp phù sa màu mỡ cho nông nghiệp và đóng vai trò như tuyến giao thương quan trọng. Vào cuối thời Xuân Thu (722-481 TCN), Ngô Vương Phù Sai đã đặt nền móng cho Đại Vận Hà, kênh đào đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có chiều dài khoảng 1.800 km, kết nối sông Hoàng Hà và Trường Giang.
Như đã nói ở trên, Ấn Độ và Trung Quốc đều không thể tấn công lẫn nhau qua Cao nguyên Tây Tạng, vậy tại sao Bắc Kinh nhất quyết phải kiểm soát cho bằng được khu vực này? Câu trả lời chính là ở nguồn nước.
Ba con sông lớn nhất (Trường Giang, Hoàng Hà và Châu Giang) của Trung Quốc đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng. Mặc dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc chỉ chiếm 6% lượng nước ngọt toàn cầu.
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank), mỗi người dân Trung Quốc chỉ có khoảng 2.005 m3 nước ngọt, bằng 1/3 so với mức trung bình toàn cầu. Bởi vậy, Bắc Kinh nhất quyết phải kiểm soát được khu vực nóc nhà của thế giới để đảm bảo sự sống của mình.
Ngoài việc sử dụng quân đội, Trung Quốc cũng có những cách thức mềm mỏng hơn để gia tăng ảnh hưởng ở Tây Tạng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2006, Bắc Kinh đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt cao nhất thế giới, kết nối Thanh Hải và khu tự trị Tây Tạng.
Các công trình thủy lợi khổng lồ cũng như đập Tam Hiệp cũng là một giải pháp, vừa để phát điện, vừa giúp điều tiết, giữ gìn nguồn nước quý giá.
Biển là tương lai
Nếu nói sông là mạch sống của Trung Quốc thời cổ đại thì biển chính là sinh mệnh Trung Quốc thời hiện đại. Sau khi đã dành hàng nghìn năm củng cố đường biên giới trên bộ, gần như không thể xâm nhập từ mọi hướng, Trung Quốc đang xây dựng một hải quân “nước xanh dương” thực thụ.
Tác giả Tim Marshall của cuốn Những tù nhân địa lý cho biết, suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc vẫn chưa từng là một cường quốc hải quân thực thụ do lãnh thổ rộng lớn và các tuyến hàng hải tới đối tác thương mại thường ngắn.
Nuôi sống 1,4 tỷ dân của một quốc gia phát triển là nhiệm vụ không hề đơn giản. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào biển cho cả đầu vào gồm nhiên liệu, nguyên liệu; lẫn đầu ra là hàng xuất khẩu.
Khác với thời cổ đại, Con đường Tơ lụa không còn đủ để vận chuyển khối lượng hàng hóa khổng lồ mà Trung Quốc sản xuất cũng như tiêu thụ. Đồng thời, mạch sống của Trung Quốc hiện đại là nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cũng phải đến từ đường biển.
Trong khi Mỹ có thể tiếp cận với hai đại dương là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương mà không hề bị cản trở, Trung Quốc lại phải gặp rất nhiều "chướng ngại vật" để có thể giao thương với thế giới bên ngoài.
Từ phía Đông Bắc, Trung Quốc bị cản lại bởi Hàn Quốc, và xa hơn nữa là Nhật Bản. Cả hai người hàng xóm này đều là đồng minh thân cận của Mỹ, có căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Đảo Đài Loan những năm gần đây cũng tăng cường mua sắm vũ khí từ Mỹ.
Tàu khởi hành từ Thượng Hải để đi tới Nga hoặc bờ tây nước Mỹ bắt buộc phải đi qua khu vực ảnh hưởng của Washington. Hiện tại, Trung Quốc có Triều Tiên như một vùng đệm, và đang tranh chấp đảo với Nhật Bản.
Tuy nhiên, khu vực quan trọng nhất với mạch sống của Trung Quốc chính là biển Đông. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 80% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi eo biển Malacca, rồi vòng lên biển Đông.
Trong thời bình, có nhiều đường đến Trung Quốc từ Biển Đông. Tuy nhiên nếu như xung đột xảy ra, tuyến đường có thể dễ dàng bị chặn đứng, từ đó vắt kiệt mạch sống của Bắc Kinh. Trong Thế Chiến II, thất bại của Phát xít Đức và Nhật một phần lớn đến từ việc không có đủ nhiên liệu, nguyên liệu.
Bởi vậy, Trung Quốc đang ngày càng tăng sự hiện diện tại biển Đông, đồng thời nỗ lực xây dựng hải quân "nước xanh dương" với mục tiêu vận hành 6 tàu sân bay vào năm 2035. Hải quân và các nhóm tàu sân bay sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng và bảo vệ những tuyến vận chuyển huyết mạch của mình.
Trung Quốc cũng nghiên cứu và chế tạo các loại tên lửa chống hạm siêu vượt âm, tàu ngầm ... như một công cụ răn đe và dần dần đối đầu với Mỹ trên Thái Bình Dương.