|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một cây cầu mới nói gì về cách Trung Quốc và Nga tương trợ lẫn nhau?

17:44 | 10/07/2022
Chia sẻ
Cầu cao tốc bắc qua sông Amur thể hiện sự giúp đỡ mà Trung Quốc dành cho Nga trên phương diện kinh tế và ngoại giao. Cây cầu cũng cho thấy Nga ngày càng cởi mở với Trung Quốc trong bối cảnh bị phương Tây gây sức ép cô lập.

Cầu cao tốc bắc qua sông Amur. (Ảnh: Tass). 

Cây cầu mơ ước

Trong nhiều thập kỷ, sông Amur đã ngăn cách Trung Quốc và Nga, khi vùng nước của con sông cắt ngang hơn 1.600 km trong số 4.000 km biên giới chung giữa hai nước. Không một cây cầu cho xe cộ nào được bắc qua dòng sông để giúp hai nước kết nối với nhau.

Tuy nhiên, việc này đã thay đổi. Hôm 10/6, Bắc Kinh và Moscow vừa chào mừng mối liên kết mới bằng cây cầu cao tốc đầu tiên bắc qua Amur. Pháo hoa đầy màu sắc được bắn lên trời và các quan chức địa phương vỗ tay từ hai phía bờ sông.

Hình ảnh các nhà lãnh đạo cấp cao ở Moscow và Bắc Kinh tươi cười rạng rỡ được trình chiếu trên những màn hình khổng lồ được chuẩn bị đặc biệt cho buổi lễ khánh thành.

8 xe tải chở hàng từ Nga và 8 chiếc từ Trung Quốc lướt qua nhau trên cây cầu theo trình tự phối hợp. Xe của Trung Quốc chở hàng điện tử và lốp xe, những mặt hàng mà Nga thiếu hụt kể từ khi hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Xe từ Nga mang dầu đậu nành và gỗ xẻ. Việc đẩy mạnh mua tài nguyên thiên nhiên là một trong những sự giúp đỡ mà Trung Quốc cung cấp cho Nga trong thời gian qua, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Màn khánh thành hoành tráng có ý nghĩa quan trọng trong lúc Moscow cố gắng chứng minh rằng Nga vẫn còn bạn bè và đối tác thương mại. Ông Yury Trutnev, đặc phái viên của Điện Kremlin về vùng Viễn Đông Nga nhấn mạnh: “Cầu Blagoveshchensk-Hắc Hà có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong thế giới chia rẽ ngày nay. Nó sẽ trở thành một sợi dây hữu nghị khác gắn kết người dân Nga và Trung Quốc”.

Ý nghĩa này càng được nhấn mạnh trong cuộc điện đàm Nga-Trung hồi tháng 6. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố cây cầu “sẽ tạo ra kênh mới giúp kết nối hai nước. Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của mối quan hệ hợp tác song phương thiết thực”.

Ngoài kinh tế, ngoại giao là phương diện quan trọng mà Moscow nhận được sự tương trợ từ Trung Quốc. Tuy Bắc Kinh không chính thức đứng về bên nào trong chiến sự Nga-Ukraine, nhưng ông Tập đã có hai lần điện đàm với ông Putin kể từ khi giao tranh nổ ra. Còn từ đó đến nay, ông Tập chưa hề nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

"Nga không còn lựa chọn khác”

Dự án cầu cao tốc trị giá 369 triệu USD kết nối hai thành phố Hắc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc và Blagoveshchensk của khu vực Amur ở vùng Viễn Đông Nga. Moscow kỳ vọng cây cầu sẽ giúp mở đường cho 4 triệu tấn hàng hóa và 2 triệu hành khách mỗi năm khi đi vào hoạt động hoàn toàn.

Dự kiến cây cầu thứ hai trên sông Amur cũng sẽ sớm được khánh thành. Đây sẽ là cây cầu đường sắt duy nhất để kết nối hai bờ của Amur. 

Hai dự án trên nhấn mạnh mối quan hệ nảy nở giữa Nga và Trung Quốc dưới thời ông Putin và ông Tập. Ông Artyom Lukin, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok nhận xét: “Cho đến gần đây, Nga và Trung Quốc không hề có một cây cầu nào để qua sông Amur – nhưng giờ có đến hai cái. Xu hướng rất rõ ràng”.

Nhưng hai cây cầu – và con sông chúng bắc qua - cũng cho thấy nền tảng bấp bênh của mối quan hệ Nga-Trung. Một phần khu vực sông Amur – còn gọi là Hắc Long Giang ở Trung Quốc – từng là nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ của hai nước.

Sau đó, các thỏa thuận nhằm phát triển sự hợp tác qua sông bị đình trệ suốt nhiều năm. Trong khoảng thời gian đó, thuyền phao, thuyền đệm khí và đường băng trong mùa đông là phương tiện chính đưa người và hàng hóa qua lại giữa hai bên sông.

Ông Lukin cho biết: “Trung Quốc đã luôn thúc đẩy xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cảng, nhưng cho đến gần đây Nga vẫn hơi lưỡng lự vì lo ngại trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng giờ Nga không còn lựa chọn nào khác”.

Ông nói thêm rằng kể từ sau khi bị phương Tây gây sức ép vì sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã “cởi mở hơn nhiều" với các sáng kiến của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới. 

Giúp đến đâu?

Cây cầu cao tốc không chỉ có mục tiêu giúp hàng hóa lưu thông, mà còn dẫn đến các khu kinh tế mới và cho phép hành khách đi lại giữa thành phố Hắc Hà và Blagoveshchensk.

Chính sách COVID-19 của Trung Quốc khiến một phần kế hoạch bị hoãn lại, và hiện mới chỉ có hàng hóa được phép lưu thông. Nhưng triển vọng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Hắc Hà và Blagoveshchensk có thể mở ra giai đoạn mới cho khu vực. Theo truyền thông địa phương, chính quyền đã chỉ đạo mọi học sinh ở Blagoveshchensk học tiếng Trung Quốc kể từ ngày 1/9.

Cầu đường sắt xuyên biên giới nối Đồng Giang, Trung Quốc với Nizhneleninskoye, Nga qua sông Amur. Cầu được khởi công từ năm 2014. (Ảnh: Getty Images). 

Ông Yu Bin, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông cho biết việc khánh thành cầu cao tốc có thể mang lại sức sống kinh tế cho một khu vực "dân cư thưa thớt" của Nga.

Sự kiện này cũng có thể báo hiệu sự chuyển hướng khỏi "nhận thức sai lầm" của người Nga rằng những mối liên kết như vậy có thể dẫn đến làn sóng công dân Trung Quốc di cư đến các vùng Viễn Đông.

“Nhưng lần này, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có vẻ đã giúp xoa dịu những nhận thức sai lầm và lo ngại về khả năng nhập cư của dân Trung Quốc", ông Yu cho biết.

Trên cấp độ quốc gia, cây cầu mới được truyền thông Nga tán tụng là thắng lợi ngoại giao và kinh tế lớn. Nhưng cây cầu không thể xóa bỏ câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh sẽ giúp đỡ Nga đến đâu giữa cuộc khủng hoảng quốc tế nổ ra vì chiến sự với Ukraine.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì thế cân bằng mỏng manh trong quan hệ với Nga và phương Tây. Tuy tăng cường nhập khẩu một số hàng hóa từ Nga, nhưng Trung Quốc vẫn hành động thận trọng để tránh bị liên đới bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.

Phó giáo sư Lukin nói: “Lô hàng đầu tiên từ Blagoveshchensk đến Trung Quốc vào ngày chính thức khai thông cầu là dầu đậu nành. Điều này nhấn mạnh vai trò của Nga đối với kinh tế Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa. Câu hỏi thú vị hơn là Trung Quốc sẽ đưa những mặt hàng gì đến Nga qua cây cầu mới?"

Giang