|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điều gì giúp nền kinh tế Nga trở thành 'pháo đài' khó sụp đổ trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây?

14:37 | 19/06/2022
Chia sẻ
Sau năm 2014, Tổng thống Putin đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm giúp nền kinh tế Nga trở thành "một pháo đài" chống lại những cú sốc từ bên ngoài.

Theo Business Insider, các nhà kinh tế đã dự đoán sự sụp đổ của nền kinh tế Nga sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nhưng hơn 3 tháng khi xung đột nổ ra, kinh tế Nga vẫn trụ lại với việc Tổng thống Putin tuyên bố vào ngày 7/6 rằng lạm phát đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ổn định.

Nga hưởng lợi từ việc là một cường quốc năng lượng và đạt doanh thu kỷ lục  nhờ giá dầu tăng vọt. Nhưng ngay cả khi giá năng lượng không cao, trong thời gian ngắn, Nga vẫn có thể trụ vũng trước các lệnh trừng phạt. 

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã cắt giảm lãi suất ba lần sau khi bất ngờ tăng vào hồi tháng 3 do nền kinh tế dần ổn định.

Moscow đã tự áp dụng các biện pháp chống trừng phạt kể từ năm 2014 khi chịu ảnh hưởng bởi một loạt các hạn chế thương mại sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo bà Veronica Carrion, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), Tổng thống Putin đã "tái trang bị nền kinh tế Nga thành một pháo đài" để chống chọi với những cú sốc từ bên ngoài.

Một số chuyên gia đã nghi ngờ về độ tin cậy của các số liệu thống kê của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Ông Andrew Lohsen, thành viên của Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Chính phủ Nga rõ ràng có động cơ để che giấu tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngay cả khi nền kinh tế đang trụ vững, có thể sẽ tới lúc Nga không còn sức chống chịu khi giá năng lượng giảm và phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt. 

Nhưng hiện tại, quốc gia này đang cho thấy khả năng phục hồi bất ngờ bởi một loạt các biện pháp, chẳng hạn như tăng cường dự trữ và loại bỏ vốn nước ngoài.

Dưới đây là những gì Nga đã và đang làm trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế của mình.

Tăng cường dự trữ và tích lũy vàng

Trước khi chiến dịch quân sự, Nga nắm giữ khối ngoại tệ và vàng lớn thứ 5 thế giới, trị giá khoảng 630 tỷ USD, theo Viện Kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan. Bà Carrion cho biết: “Kho dự trữ này có thể cân bằng thu chi của chính phủ và hỗ trợ đồng ruble”.

Bộ trưởng Tài chính cho biết hồi tháng 3, Nga đã mất quyền tiếp cận khoảng một nửa số tiền trên do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Moscow vẫn còn cất giữ rất nhiều vàng trong nước và cũng là nhà sản xuất kim loại quý lớn thứ hai thế giới.

Sau khi bị trừng phạt vào năm 2014, Nga liên tục tăng dự trữ ngoại hối và vàng.

Lượng vàng nắm giữ của Moscow đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2014 và tất cả chúng đều được cất giữ trong các hầm chứa tại Nga. Mặc dù Mỹ đã trừng phạt các giao dịch sử dụng vàng của Nga, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản "các nước cơ hội" làm ăn với Moscow, bà Carrion cho biết.

Nga cũng tiếp tục tăng một số dự trữ dưới dạng quỹ khẩn cấp nhờ thu được lợi nhuận từ việc bán dầu và khí đốt. Vào tháng 4 và tháng 6, nước này đã bổ sung 12,7 tỷ USD vào quỹ dự trữ khẩn cấp của mình. 

Ngày 9/6, Reuters trích một tuyên bố của chính phủ Nga cho biết các khoản tiền này sẽ được sử dụng để đảm bảo phát triển và ổn định kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt.

Giảm vốn nước ngoài và trả bớt nợ

Ông Gian Maria Milesi-Ferretti, chuyên gia nghiên cứu kinh tế cao cấp tại Trung tâm Hutchins về Chính sách Tài chính và Tiền tệ đã viết: “Ngoài việc tiết kiệm, Nga đã tích cực trả nợ trong 8 năm qua và hiện là chủ nợ ròng trên thị trường quốc tế”.

Ông Andrew Weiss, một chuyên gia về Nga tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế phát biểu vào tháng 2: “Tổng thống Vladimir Putin bị dị ứng với việc vay tiền. Ông ấy không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng trong nước hoặc tiếp cận nguồn vốn phương Tây để biến nước Nga trở nên vĩ đại".

Nợ nước ngoài của Nga khá thấp. JPMorgan ước tính chính phủ nợ khoảng 39 tỷ USD trái phiếu bằng ngoại tệ vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Hy Lạp đã vỡ nợ 205,6 tỷ EUR (277,5 tỷ USD) vào năm 2012.

Đối với tổng nợ quốc gia của Nga chỉ ở mức 17% GDP thấp hơn nhiều mức ba con số đối với nhiều nước phát triển và chủ yếu được tính bằng đồng ruble. Để so sánh thì nợ quốc gia của Mỹ ở mức khoảng 130% GDP.

Tổng nợ quốc gia của Nga giảm liên tục kể từ năm 2014.

Vì vậy, Moscow "không thực sự cần phải đi vay", ông Anton Tabakh, nhà kinh tế trưởng tại cơ quan xếp hạng của Nga Expert RA cho biết. Ông Tabakh nói thêm, vấn đề lớn nhất mà Nga gặp phải hiện nay là phương thức trả nợ nước ngoài do các hạn chế do các lệnh trừng phạt gây ra. 

Một khi vấn đề được giải quyết, Nga và các công ty của họ sẽ có thể trả bớt nợ và nguồn lực của chính đất nước "sẽ đủ để trang trải các nhu cầu của ngân sách, ngân hàng và tập đoàn".

Chuyển hướng sang nền kinh tế tự túc

Ông Hassan Malik, một nhà phân tích cấp cao Loomis Sayles, cho biết Nga hướng tới tự cung tự cấp khi đang bị phương Tây ruồng bỏ. Nhưng với tư cách là một nhà sản xuất hàng hóa khổng lồ, nền kinh tế Moscow sẽ không sụp đổ hoàn toàn, mặc dù tăng trưởng sẽ chậm và thấp.

Ông Hassan nói với Business Insider: “Nga là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tư cung tự cấp”. Nga là nhà sản xuất chính nhiều loại hàng hóa của dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì và các kim loại như niken và palladium.

Để chống lại việc công ty quốc tế rời đi, các thực thể Nga đã tiếp quản những doanh nghiệp này và thay thế bằng sản phẩm cây nhà lá vườn.

Ví dụ, tại thành phố Moscow và một tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn đã tiếp quản hoạt động của nhà sản xuất ô tô Pháp Renault với số tiền danh nghĩa là 2 ruble. 

Nhưng tình hình kinh tế của Nga vẫn sẽ rất khó khăn. Bản thân ông Putin hôm 9/6 nói rằng việc thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước "không phải là liều thuốc chữa bách bệnh". 

Ông cho biết Nga sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại mới và tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình đối với "các công nghệ cực kỳ quan trọng".

Quy mô và phạm vi của các lệnh trừng phạt hiện tại vượt xa những biện pháp từng được áp dụng vào năm 2014, vì vậy chúng sẽ "gây ra chi phí rất nặng nề lên nền kinh tế Nga".

Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 8,5% vào năm 2022, và mất thêm 2,3% nữa vào năm 2023 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong một báo cáo tháng 4. Đây sẽ là mức suy giảm lớn nhất của nền kinh tế kể từ những năm sau khi Liên Xô tan rã.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.