Bloomberg: EU bắt đầu chấp thuận việc áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng
Theo nguồn tin của Bloomberg, các quốc gia trong Liên minh châu Âu đang bắt đầu thống nhất việc đặt giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
Khối này cũng đang xem xét một cơ chế cho phép đánh giá thường xuyên và sửa đổi giá hai tháng một lần kể từ giữa tháng 1/2023, nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm. Ngoài ra, sẽ có một thỏa thuận rằng mức trần trong tương lai sẽ thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.
Những cuộc đàm phán của EU về giá trần đã bị bế tắc kể từ tuần trước. Ba Lan và các nước vùng Baltic yêu cầu một mức giá thấp nhằm gây áp lực cho Nga. Các quốc gia này cho rằng mức trần 62 USD/thùng là quá hào phóng. Ngược lại, Hy Lạp và những nước có ngành công nghiệp vận tải lại muốn áp mức giá cao hơn.
Tuy vậy, con số 60 USD/thùng vẫn sẽ cao hơn so với giá hỗn hợp Urals của Nga hiện nay. Theo Argus Media, loại dầu chủ lực của Nga, hay còn gọi là Urals, đã giảm xuống chỉ còn hơn 52 USD/thùng tại các cảng xuất khẩu ở Biển Baltic và Biển Đen.
Mục đích của giá trần là nhằm giữ cho dầu Nga được lưu thông, tránh cú sốc nguồn cung và hạn chế doanh thu của Moscow.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vì đâu chọn ra mức giá trần cho dầu Nga lại khó đến như vậy? 01/12/2022 - 12:09
Theo Bloomberg, không rõ liệu hai nhóm quốc gia từng phản đối mức giá 62 USD/thùng có chấp nhận đề xuất thấp hơn như hiện nay hay không. Tuy vậy, theo Bloomberg, hầu hết đều sẽ ủng hộ mức giá này nếu các điều kiện đi kèm được đáp ứng. Nguồn tin cho biết thêm rằng các đại sứ châu Âu sẽ thảo luận đề xuất mới nhất trong một cuộc họp hôm 1/12.
Ba Lan và các nước Baltic đã cũng đưa ra yêu cầu về việc có nhiều tiến triển hơn trong gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga. Trong tuần này, cơ quan hành pháp của EU dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất để giải quyết việc lách trừng phạt, sử dụng tài sản bị phong tỏa và buộc Nga chịu trách nhiệm về xung đột Ukraine.
Nhìn chung, con số 60 USD/thùng vẫn chưa được thống nhất, và các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra. Bất cứ quyết định liên quan tới giá trần nào cũng sẽ yêu cầu sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong khối, cũng như sự hỗ trợ của G7. Nguồn tin của Bloomberg cho hay, con số 60 USD/thùng nằm trong ngưỡng cho phép của G7.
Các nước G7 đang đặt mục tiêu thông qua giá trần trước 5/12, khi các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga của EU chính thức có hiệu lực.